Thứ Sáu, 05/10/2012, 08:54 (GMT+7)
.

Doanh nghiệp đua nhau “chạy” theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm

SQF 1.000, GlobalGAP, BAP, ASC… là các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đã và đang được các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu áp dụng cho các vùng nuôi cá tra nguyên liệu. Tuy nhiên, trước sự “rối rắm” của quá nhiều bộ tiêu chuẩn, theo khuyến cáo của các chuyên gia, doanh nghiệp và người nuôi nên lựa chọn tiêu chuẩn trọng điểm, phù hợp với nhu cầu thị trường xuất khẩu của chính đơn vị mình.

Từ SQF 1.000 đến GlobalGAP

SQF 1000 chủ yếu áp dụng cho nhà chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy sản trên thế giới, bắt đầu được áp dụng trong nuôi cá tra tại Việt Nam vào năm 2004 tại An Giang.

Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn SQF 1000 đem lại cho người nuôi cá tra nhiều thuận lợi trong việc vượt qua những rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm cá tra và tăng kim ngạch xuất khẩu.

Kết quả là vùng nuôi cá tra công nghiệp của Hợp tác xã Thủy sản Hòa Hưng (Cái Bè) và Trại nuôi cá Mỹ Thuận của Công ty CP Hùng Vương với tổng diện tích 25 ha ao nuôi cá tra đã được cấp chứng nhận SQF 1000.

Lợi thế là vậy, nhưng sau những “ồn ào” của thời gian đầu triển khai, việc áp dụng tiêu chuẩn SQF 1.000 cũng đã dần được khép lại. Bởi thực tế đang diễn ra là cá nuôi theo tiêu chuẩn SQF 1.000 hay không thì giá bán cá nguyên liệu trên thị trường cũng không có gì khác biệt lớn, người nuôi lo ngại và đã xuất hiện mô hình nuôi mới.

Ông Lê Thanh Dung, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Hòa Hưng cho rằng, việc tái cấp giấy chứng nhận SQF 1.000 cho vùng nuôi của HTX đã qua thời hạn hơn 6 tháng do hiện nay hầu hết các vùng nuôi đã chuyển sang áp dụng theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên các công ty tư vấn không chú trọng nhiều đến bộ tiêu chuẩn SQF 1.000.

Ao nuôi cá tra theo tiêu chuẩn Global GAP của Công ty CP Thương mại Sông Tiền ở xã Phú Túc (Bến Tre)
Ao nuôi cá tra theo tiêu chuẩn Global GAP của Công ty CP Thương mại Sông Tiền ở xã Phú Túc (Bến Tre).

Một, hai năm gần đây, sau khi có những biến động lớn về nguyên liệu chế biến xuất khẩu, để chủ động nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp bắt tay vào đầu tư các vùng nguyên liệu có quy mô rất lớn.

Có doanh nghiệp đã phải bỏ vốn ra đầu tư đến 250 ha vùng nuôi. Đặc biệt là các doanh nghiệp đã nhanh chóng áp dụng bộ tiêu chuẩn Global GAP (Good Agriculture Practice - Thực hành nông nghiệp tốt) cho vùng nuôi của mình.

GAP bao gồm những nguyên tắc được thiết lập nhằm đảm bảo một môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, nông sản phải đảm bảo không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học (vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng) và hóa chất (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, hàm lượng nitrat…).

Để đạt được chứng nhận GlobalGAP, nông dân và trang trại (cho mọi nông sản) phải đáp ứng sự tương đồng với 252 danh mục (hay tiêu chuẩn) của phiên bản mẫu; trong đó bao gồm 36 danh mục bắt buộc phải tuân thủ 100%, 127 danh mục có thể tuân thủ đến mức 95% cũng được chấp nhận.

Chứng chỉ GlobalGAP là một loại giấy chứng minh sản phẩm làm ra có sự quản lý. Một số thị trường ngoài EU có thể chấp nhận chứng chỉ này, trong đó có thị trường khó tính là Mỹ.

Bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền cho rằng, nguyên liệu đạt chứng chỉ Global GAP thông thường có giá bán cao hơn sản phẩm bình thường khoảng 30 cents/kg và đây là yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, để đạt được giấy chứng nhận GlobalGAP, bên cạnh việc phải đáp ứng được rất nhiều chỉ tiêu, đòi hỏi phải có nguồn kinh phí tương đối lớn, dao động khoảng 7.500 USD cho mỗi lần cấp và chỉ có giá trị trong vòng một năm. Hết thời hạn, doanh nghiệp phải bỏ ra số kinh phí tương ứng để tái cấp giấy chứng nhận.

Theo đuổi ASC

Từ khi bộ tiêu chuẩn của GlobalGAP được manh nha áp dụng ở Việt Nam, các doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đều nhanh chóng triển khai áp dụng. Bởi có giấy chứng nhận Global GAP cho vùng nuôi cũng đồng nghĩa là được cấp giấy thông hành cho sản phẩm và thị trường thế giới, nhất là thị trường tiêu thụ trọng điểm là châu Âu.

Khởi đầu là Công ty CP Hùng Vương, Công ty CP Gò Đàng, Công ty CP Thương mại Sông Tiền, Công ty TNHH Thiên Hà. Sau thời gian ngắn vận hành theo quy trình nuôi mới, nhiều mô hình nuôi của các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Tuy nhiên, hiện tại một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu chưa thực hiện hoàn tất việc áp dụng GlobalGAP cho vùng nuôi của mình và không ít doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn khi chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng thực phẩm theo yêu cầu của khách hàng, mới đây một bộ tiêu chuẩn mới lại được đưa vào áp dụng, đó là ASC.

ASC là viết tắt của hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản, một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận. ASC được thành lập năm 2009 bởi Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và tổ chức sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH) để quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm, đang được xây dựng qua các đối thoại nuôi trồng thủy sản, một chương trình gồm các hội nghị bàn tròn do WWF khởi xướng và điều phối.

ASC là bộ tiêu chuẩn mang tính chất tự nguyện và được xây dựng dựa trên nguyên tắc mở, công khai, minh bạch với sự tham gia của nhiều bên có liên quan. Mặc dù là một bộ tiêu chuẩn hoàn toàn mới, nhưng ASC bước đầu đã được cộng đồng doanh nghiệp và người nuôi cá tra tích cực đón nhận. Trong tương lai gần, ASC là một công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vì mục tiêu kinh tế, an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường…

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng (GODACO) cho biết, GODACO là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP cho vùng nuôi cá tra nguyên liệu của công ty và có khoảng 20 ha đã được cấp giấy chứng nhận.

Mới đây, GODACO lại phải rất nỗ lực áp dụng thêm tiêu chuẩn ASC và đã có hơn 10 ha nuôi cá tra, trong tổng số hơn 120 ha đã được đưa vào danh sách những vùng nuôi trách nhiệm để đạt chứng nhận ASC. “Để được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC, bên cạnh việc thực hiện hàng loạt tiêu chí và được kiểm tra giám sát nghiêm ngặt, còn phải tốn khoản chi phí không nhỏ” - ông Nguyễn Văn Đạo cho biết.

Nhìn chung, bất kỳ áp dụng tiêu chuẩn quốc tế nào cũng có ý nghĩa nhưng cũng đều liên quan đến khoản chi phí đầu tư rất lớn. Do vậy, việc đầu tư để áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm chủ yếu là do doanh nghiệp tự bỏ vốn ra đầu tư cho chính vùng nuôi của họ, còn những ao của người dân tự nuôi thì không thể đảm đương được chi phí đầu tư.

Điều này cũng lý giải vì sao thời gian vừa qua một số ao nuôi cá tra công nghiệp của tỉnh và của Đồng bằng sông Cửu Long không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và thường gặp khó khăn khi tiêu thụ…

THẾ ANH

.
.
.