Gói hỗ trợ 6.000 tỷ đồng: Khó đến tay hộ chăn nuôi nhỏ
Đến nay, các trang trại chăn nuôi, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn từ gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi 6.000 tỷ đồng theo quyết định của Chính phủ.
Cuối năm, nhu cầu thực phẩm thịt gia súc, gia cầm, đặc biệt là thịt lợn tăng cao, nếu không có giải pháp sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu nguồn cung, gây tăng giá đột biến. Thời gian qua, người chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi thông tin thức ăn chăn nuôi có chất kích thích dẫn đến nhu cầu giảm mạnh.
Ngoài ra, việc khó tiếp cận tín dụng đã dẫn tới các trang trại, hộ chăn nuôi đồng loạt bỏ chuồng. Đây là nguy cơ khiến nguồn cung thiếu hụt vào cuối năm nay. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời điểm này, giá lợn xuất chuồng đứng ở mức 42.000-43.000 đồng/kg và còn có khả năng tăng lên.
Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ đã triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi 6.000 tỷ đồng cho các cơ sở sản xuất, chế biến thủy hải sản, gia súc, gia cầm…Nhờ vậy, trong số 17.000 trang trại treo chuồng, 9.000 trang trại tái đàn.
Ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho rằng: “Tuy nhiên, trong số những trang trại tái đàn chỉ có những trang trại lớn mới tiếp cận được vốn ưu đãi”. Nguyên nhân là các hộ chăn nuôi nhỏ không có tài sản thế chấp, trong khi nợ cũ vẫn còn nên các ngân hàng chưa cho vay mới.
Cách nào giải cứu?
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho rằng, nếu không sớm giải quyết vấn đề tín dụng cho người chăn nuôi sẽ dẫn đến người chăn nuôi không trả được nợ ngân hàng và gây thiếu nguồn cung thịt vào cuối năm. “Trong khi chuồng trại của nông dân bỏ không mà phải nhập thịt thì quá bất hợp lý” – ông Tần nói.
Ông Võ Văn Quyền cảnh báo, có khả năng thực thẩm, đặc biệt là thịt lợn vào dịp cuối năm đứt nguồn cung. Vì vậy, để tạo thuận lợi cho tái đàn, cơ quan chức năng phải hỗ trợ giúp các hộ chăn nuôi nhỏ tiếp cận vốn. Nhưng với gần 10.000 hộ chăn nuôi nhỏ không còn gì để thế chấp, vậy tiếp cận vốn bằng cách nào?
Theo ông Quyền, phải dựa trên cơ sở phân loại khó khăn của từng hộ để đề nghị ngân hàng tiếp sức, hỗ trợ theo mức độ khác nhau. Đối với những nợ cũ, liên bộ Công Thương – Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề xuất với ngân hàng khoanh nợ và cho vay mới với lãi suất thấp…
Ông Diệp Kỉnh Tần cho biết, sắp tới, đoàn liên ngành gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, ngân hàng, Văn phòng Chính phủ và các địa phương sẽ được thành lập để khảo sát thực tế tiếp cận hỗ trợ tín dụng của Chính phủ để sớm đưa ra giải pháp.
(Theo Báo Công Thương)