Thứ Ba, 16/10/2012, 11:23 (GMT+7)
.

Khởi đầu suôn sẻ tại Tổ hợp tác sản xuất rau Thuận Hòa

Sau 3 năm triển khai, Tổ hợp tác sản xuất rau Thuận Hòa (THT Thuận Hòa) được cấp giấy chứng nhận VietGAP đầu tiên của tỉnh. Đây là bước khởi đầu thuận lợi, mở ra hướng đi mới cho mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ ở vùng rau Gò Công. 

“TRÁI NGỌT” VIETGAP

Về THT Thuận Hòa trong những ngày đầu tháng 10, trước mắt chúng tôi là màu xanh mướt của rau trải dài, mỗi vườn đều có màn lưới che phía trên. Hỏi ra mới biết, những màn lưới này dùng để hạn chế mưa làm hư lá rau do Công ty TNHH Phân bón Lực Điền ứng tiền cho nông dân mua và trả dần qua cung ứng rau cho công ty.

9 giờ sáng, các tổ viên tất bật thu hoạch rau để kịp giao hàng cho nhà tiêu thụ. Không riêng gì hôm ấy, mà từ 2 tháng qua ngày nào không khí ở vùng rau Thuận Hòa cũng hối hả và tất bật như thế.

Ông Cao Văn Hai, tổ viên THT, cho biết nhân công vừa thu hoạch xong vườn rau của ông và đang tập kết hàng về nhà sơ chế để giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại - Dịch vụ Phú Lộc (TP. Hồ Chí Minh) vào 11 giờ trưa, sau đó tiếp tục đến thu hoạch vườn rau thứ hai để giao Công ty TNHH Phân bón Lực Điền vào lúc 15 giờ.

Theo ông, vụ rau này thất quá, chỉ thu hoạch được trên 250 kg (lúc trúng đạt trên 2 tấn). Nhưng với giá hợp đồng cố định 4.000 đồng/kg (hiện tăng thêm 1.000 đồng/kg) sau khi trừ chi phí, ông còn lời từ 500.000 - 700.000 đồng.

Ông Hai cũng cho biết, hiện nay giá rau ngoài thị trường cao hơn giá rau mà THT hợp đồng với đối tác nhưng ông vẫn chọn làm ăn với THT. “Giá rau tăng cao thế này không được bao lâu, chỉ khoảng 1 - 2 đợt, 5 - 6 đợt còn lại trong năm thường giá thấp nên người trồng lúc nào cũng phập phồng. Giờ đây, chúng tôi không còn lo giá cả, đầu ra mà chỉ cần sản xuất theo lịch và chủng loại rau do THT đưa ra là cầm chắc bán được giá 5.000 đồng/kg, chắc chắn có lời tốt” - ông Hai phấn khởi nói.

Tổ viên THT Thuận Hòa đang chăm sóc rau.
Tổ viên THT Thuận Hòa đang chăm sóc rau.

Ông Phạm Văn Xinh, cũng là tổ viên của THT bày tỏ: “Trước đây, mỗi sáng ngủ dậy là nghe ngóng giá rau, lúc nào cũng ăn không ngon, ngủ không yên. Nhớ cách đây không lâu, có thời điểm giá rau còn vài trăm đồng/kg, bán không được, chúng tôi phải nhổ bỏ. Giờ thì không còn phải lo, chưa thu hoạch đã cầm chắc lời ít nhất 2.000 đồng/kg rau”.

Ông Xinh là một trong những hộ tham gia THT ngay từ những ngày đầu thành lập và trải qua 4 năm khó khăn cùng THT, hơn ai hết ông rất vui mừng khi sản phẩm rau của tổ đã có đầu ra ổn định. Ông vừa mới thu hoạch 2 công rau bán được 2,5 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lời 1,4 triệu đồng. Hiện nay, ông đang chờ lịch xuống giống của THT.

Ông Nguyễn Văn Nhớ, Tổ phó THT Thuận Hòa, cho biết hiện nay tổ đã ký hợp đồng cung ứng rau cho 2 đối tác là Hợp tác xã Phú Lộc và Công ty TNHH Phân bón Lực Điền, sản lượng tiêu thụ mỗi ngày gần 2 tấn rau với giá cố định 4.000 đồng/kg (hiện tăng thêm 1.000 đồng/kg) nên đảm bảo hoàn toàn đầu ra cho rau đạt tiêu chuẩn VietGAP của tổ.

“Để có rau cung ứng cho đối tác mỗi ngày, tổ phải ký hợp đồng với từng tổ viên, sắp xếp lịch xuống giống cụ thể luân phiên cho từng diện tích, tổ chức nhân công để thu hoạch (chủ yếu các tổ viên trao đổi công với nhau). Đầu ra, giá cả ổn định, tổ viên hiện nay rất an tâm sản xuất. Nhiều hộ bên ngoài đang tỏ ý muốn xin vào tổ”- ông Nhớ cho biết.

KHỞI ĐẦU SUÔN SẺ, TƯƠNG LAI RỘNG MỞ

THT Thuận Hòa thành lập cách nay 4 năm, định hướng ban đầu sản xuất theo hướng an toàn. Trong thời gian này, THT gặp rất nhiều khó khăn do không có đầu ra; tổ viên chưa tin tưởng vào hướng đi của mô hình.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Tổ trưởng THT cho biết, các ngành, các cấp hỗ trợ tập huấn, vận động, cuối cùng THT có 34 hộ tham gia với diện tích 12 ha nhưng hoạt động rất ì ạch. Sau đó, THT được tỉnh và thị xã chọn triển khai đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP” do Sở NN&PTNT và Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện.

Mô hình thực hiện nhằm tạo nguồn nguyên liệu rau an toàn đạt tiêu chuẩn cung cấp cho thị trường, góp phần tăng giá trị kinh tế cho nông dân.

Theo đó, tổ viên tham gia mô hình được hỗ trợ phân bón lót; hỗ trợ xây nhà kho chứa thuốc và sân pha chế thuốc (hỗ trợ 900.000 đồng mỗi hộ) và 3 triệu đồng xây nhà vệ sinh (đối với hộ chưa có nhà vệ sinh); xây dựng nhà sơ chế cho tổ, được Viện Cây ăn quả miền Nam hướng dẫn kỹ thuật… 

Dù vậy, việc triển khai thực hiện mô hình gặp rất nhiều khó khăn. Sau 2 năm thực hiện, sản phẩm vẫn không đạt yêu cầu nên mô hình phải kéo dài thực hiện thêm gần một năm. Từ 43 hộ ban đầu khi triển khai mô hình, cuối cùng còn 28 hộ với diện tích trên 6 ha được chứng nhận VietGAP.

Tuy nhiên, cũng từ đây THT được mở ra cơ hội phát triển mới. Đó là sau khi sản phẩm rau của tổ được chứng  nhận, lãnh đạo Hợp tác xã Phú Lộc đến xúc tiến ký kết hợp đồng tiêu thụ rau đạt tiêu chuẩn VietGAP của THT với sản lượng từ 650 -750 kg rau mỗi ngày (trong đó cải bông từ 200 - 250 kg và từ 450 - 500 kg cải thìa).

Không dừng lại ở đó, đầu tháng 10 vừa qua, Công ty TNHH Phân bón Lực Điền đến ký hợp đồng tiêu thụ rau của THT với sản lượng cung ứng mỗi ngày trên 1,2 tấn cho 7 chủng loại (cải thìa, cải bông mỗi loại 250 kg; cải xanh, cải ngọt Bình Chánh mỗi loại 150 - 200 kg; mồng tơi, rau muống và rau dền mỗi loại 150 kg).

“Theo các hợp đồng, THT cung ứng cho HTX Phú Lộc đến giữa năm sau, còn Công ty TNHH Lực Điền hợp đồng đến hết năm nay. Sau thời gian đó, tổ sẽ cùng 2 đơn vị đối tác tiến hành xúc tiến ký hợp đồng tiếp. Với sản lượng rau tiêu thụ thông qua hợp đồng hiện nay, THT đã giải quyết hoàn toàn đầu ra sản phẩm rau cho tổ viên với giá ổn địn, đảm bảo tổ viên có lời”- ông Nguyễn Văn Nhớ cho biết.

Ông Trần Quang Chánh, Chủ nhiệm HTX Phú Lộc cũng cho biết, HTX muốn làm ăn lâu dài với THT Thuận Hòa. HTX dự kiến sẽ tăng sản lượng, mở rộng chủng loại rau tiêu thụ  như: rau muống, dền,
mồng tơi…vào thời gian tới. Tùy vào điều kiện của THT mà HTX sẽ mở rộng mặt hàng và tăng sản lượng tiêu thụ phù hợp.

Dù vậy, theo lãnh đạo THT, đây chỉ là bước khởi đầu, tổ vẫn còn không ít khó khăn. Cụ thể, để đảm bảo sản phẩm cung ứng cho đối tác mỗi ngày, tổ phải sắp xếp lịch xuống giống, chủng loại sản xuất và số lượng rau thu hoạch trong từng ngày cụ thể, cũng như thời điểm thu hoạch, nhưng khi giá rau trên thị trường tăng cao có một số nông dân “bẻ kèo”.

Mặt khác, dù sản lượng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP của tổ bình thường đảm bảo cung ứng cho đối tác nhưng khi xảy ra thất mùa, nguồn rau cung ứng cho đối tác sẽ thiếu. “Tới đây, dựa vào nhu cầu đầu ra, chúng tôi sẽ xin mở rộng diện tích sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, nỗ lực tìm thêm đối tác tiêu thụ. Có như thế, THT mới có thể phát triển ổn định”- ông Nguyễn Văn Nhớ nói.

N.VĂN

.
.
.