Thứ Bảy, 27/10/2012, 06:47 (GMT+7)
.

Làng nghề, đầu tư nhiều vẫn “hụt hơi”

Toàn tỉnh hiện có hàng chục làng nghề đã được công nhận với những sản phẩm độc đáo như tủ thờ Gò Công, nón bàng buông Châu Thành, dệt chiếu Long Định, sản phẩm thủ công xuất khẩu từ lục bình, bẹ chuối ở Gò Công, bánh tráng rế, bánh phồng sữa Cái Bè, hủ tiếu Mỹ Tho... giải quyết cho trên 4.500 lao động tại chỗ và hàng ngàn lao động vệ tinh, góp phần đáng kể vào việc xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Thế nhưng gần đây một số làng nghề liên tục gặp khó khăn, việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống xem chừng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Đã có nhiều trợ giúp dành cho làng nghề

Để khôi phục và phát triển làng nghề, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2020, Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2008-2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng hơn 30 tỷ đồng (vốn ngân sách và vốn huy động xã hội hóa).

Gần đây UBND tỉnh có Kế hoạch 141/KH-UBND với các chính sách hỗ trợ hết sức cụ thể như hỗ trợ các cơ sở làng nghề vay vốn tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ về điều hành vốn cho vay của Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm.

Bên cạnh đó còn hỗ trợ vay vốn theo chính sách tín dụng dành cho “tam nông”; đẩy mạnh triển khai chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn gắn với công tác bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đó là các cơ chế hỗ trợ mà Trung ương đã có chỉ đạo.

Ảnh: Huỳnh Ngọt
Ảnh: Huỳnh Ngọt

Bên cạnh việc huy động các nguồn lực tập trung đầu tư hạ tầng làng nghề theo Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề mà tỉnh đã triển khai trong các năm gần đây thì tỉnh cũng đã chỉ đạo lồng ghép các dự án đầu tư phát triển làng nghề vào đồ án quy hoạch và đồ án xây dựng nông thôn mới, vào các nguồn vốn chương trình mục tiêu, vốn ngân sách bố trí phân cấp cho địa phương hàng năm.

Trong đó ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, công tác dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho lao động trong làng nghề gắn với đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020” (chưa kể đã hỗ trợ dạy nghề tại chỗ cho trên 3.000 hộ ở các làng nghề)…

Từ Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ giai đoạn 2011-2015 do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý và từ nguồn vốn Quỹ Khuyến công, nhiều dự án, đề tài phục vụ phát triển làng nghề đã được cấp kinh phí nghiên cứu như:

- Nghiên cứu hệ thống ép định hình nón bàng buông và nồi nhuộm sợi bàng cho làng nghề Thân Cửu Nghĩa; thiết bị dệt chiếu bán tự động thay thế thủ công ở làng nghề dệt chiếu Long Định.

- Nghiên cứu công nghệ và hệ thống chế biến hủ tiếu quy mô vừa và nhỏ, năng suất 1 tấn/ngày cho làng nghề bánh, bún hủ tiếu Mỹ Tho; đầu tư trồng 10 ha cói để tạo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ làng nghề dệt chiếu Long Ðịnh.

- Hướng dẫn một số làng nghề đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm truyền thống như bánh bún hủ tiếu (làng nghề Hủ tiếu Mỹ Tho), tủ thờ Gò Công (làng nghề Tủ thờ Tân Trung), đầu tư các công trình điện, nước sinh hoạt, giao thông nông thôn trong các làng nghề…

Có dấu hiệu “hụt hơi” ở vài làng nghề

Theo mục tiêu đề ra từ nay đến năm 2015, Tiền Giang tiếp tục xây dựng thêm 3 làng nghề mới là làng nghề chế biến thủy sản Vàm Láng ở Gò Công Đông; làng nghề thủ công mỹ nghệ đan ghế nhựa và chậu cắm hoa Tân Thới ở huyện Tân Phú Đông và làng nghề kim hoàn Tân Hương ở huyện Châu Thành.

Mặc dù dự báo việc phát triển làng nghề nhìn chung là khá sáng, tuy nhiên việc “tồn tại hay không tồn tại” cũng phải chấp nhận theo quy luật thị trường.

Ảnh: Huỳnh Hùng
Ảnh: Huỳnh Hùng

Theo báo cáo từ các địa phương trong tỉnh, tính đến cuối năm 2011 toàn tỉnh có 13 làng nghề, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ còn 11 làng nghề tạm trụ vững, giảm bớt 1 làng nghề, đó là làng nghề bánh mứt Trung An (TP. Mỹ Tho), phải “trả lại” quyết định công nhận làng nghề.

Đã xem xét thu hồi quyết định công nhận làng nghề dệt chiếu Đăng Hưng Phước (Chợ Gạo) do không đạt về số hộ tham gia theo tiêu chí công nhận làng nghề được quy định tại Thông tư 116 của Bộ NN&PTNT; đồng thời cũng không có giải pháp duy trì, phát triển.

Như vậy, chưa tới một năm coi như đã “rụng” 2 làng nghề - một vấn đề rất đáng được quan tâm, mổ xẻ.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tuy các biện pháp hỗ trợ của tỉnh nhìn chung là khá toàn diện và cũng rất cụ thể, nhưng trong thực tế các làng nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và phát triển, trong đó nổi lên rõ nhất là thiếu vốn để mở rộng sản xuất.

Bởi theo quy định để có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng thì cần có “dự án” để tổ chức tín dụng xem xét, trong dự án phải tính toán đầy đủ các chỉ số liên quan đến bài toán cân đối hiệu quả đầu tư - mà việc này thì phần lớn là ngoài tầm với của các cơ sở làng nghề bởi đa phần “ông, bà chủ” cơ sở đều xuất thân là nông dân chính hiệu, chủ yếu đi lên từ “nghề dạy nghề”(!).

Mặt khác do thu nhập từ các làng nghề phần lớn còn thấp, nhiều lao động nông nghiệp - nông thôn sử dụng thời gian nhàn rỗi để làm thêm (chủ yếu là phụ nữ, người già, trẻ em, học sinh… làm kiếm thêm chút đỉnh để trang trải chi tiêu trong gia đình) nên nhiều lao động là thanh niên trai tráng trong làng nghề đã dần chuyển sang làm việc cho các khu, cụm công nghiệp hình thành trên địa bàn để có “thu nhập bền vững” hơn!

Đặc biệt, cũng giống như khó khăn chung của một địa bàn liên kết mang tính quần tụ chứ không theo dạng “quản lý nhà nước” thì làng nghề vẫn còn thiếu đầu tàu điều hành các hoạt động liên kết, hay nói vui là thiếu một “trưởng làng” có đủ tài (vốn) và lực (trình độ, uy tín) để làm đầu mối trong “quan hệ với nhà nước” nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển làng nghề, cũng như trong huy động nguồn lực của chính làng nghề để tạo ra thương hiệu riêng, trong điều hành các hoạt động xuất khẩu gắn với tổ chức sản xuất, phân công lao động trong “làng”, hoặc làm đầu mối tạo mối liên kết giữa làng nghề với các đơn vị làm du lịch nhằm vừa quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại vừa gắn kết với du lịch sinh thái nhằm gia tăng giá trị chuỗi sản phẩm của “làng”…

Rõ ràng các làng nghề đang rất cần các chính sách hỗ trợ rõ và mạnh hơn để làng nghề “phát triển bền vững”, người lao động sống được với nghề, từ đó mới gắn bó, theo đuổi và phát huy nghề truyền thống...

QUỐC ANH

.
.
.