Nhà mạng nhỏ khó quẫy đạp với 5% miếng bánh
Có tới 95% thuê bao di động hiện nay đang nằm trong tay 3 nhà mạng lớn: Viettel (37%), Mobifone (31%) và Vinaphone (27%) với tổng doanh thu ước chừng 120.000 tỷ đồng. Số còn lại chia cho: S-Telecom (tên cũ là S-fone), Vietnamobile và G-Mobile (tên cũ là Beeline)... Danh nghĩa là 3 nhưng trên thực tế chỉ 2 vì S-Telecom đã không hoạt động.
Không ít nhà mạng nhỏ đã chia tay với thị trường bằng các hình thức như: sáp nhập (EVN Telecom), phá sản (S-Telecom). Dù vẫn còn tồn tại nhưng mỗi lần đổi tên thay họ như Vietnamobile, Gmobile, lại tốn kém khá nhiều tiền để xây dựng lại từ đầu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với thị trường Việt Nam hiện nay, 5 nhà mạng vẫn còn là quá nhiều, chỉ cần 3 là đủ. Sắp tới, sẽ còn nhiều biến động và xáo trộn trên thị trường viễn thông mà thiệt thòi vẫn là những nhà mạng nhỏ như Vietnamobile hay Gmobile…
S-Telecom đã… “đột tử”
Quan sát trên thực tế, hệ thống kinh doanh, chăm sóc khách hàng, hạ tầng kỹ thuật (tổng đài, trạm phát sóng…) của S-Telecom (tên gọi mới của S-fone từ tháng 12-2011) đã hoàn toàn biến mất. Từ những thuê bao của các nhà mạng khác khi gọi đến đầu số 095 của S-Telecom đều được thông báo: “Thuê bao quý khách vừa gọi không có thực hoặc mạng đang bị nghẽn mạch”.
Ông Hoàng Ngọc Diệp, chuyên gia về viễn thông phân tích: “Các tổng đài của S-Telecom không còn tồn tại nên các tổng đài của các nhà mạng khác không thể kết nối để nhận dạng”.
Từ 2005 – 2009, giai đoạn được xem là huy hoàng của S-Telecom với tham vọng là nhà mạng đứng thứ ba tại Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc |
Từ giữa năm 2011 cho đến nay, hạ tầng mạng của S-Telecom từ từ teo tóp với lý do dễ hiểu: không có tiền để trả cước kết nối cho các đối tác, trả tiền thuê mặt bằng để dựng trạm…
Khách hàng sử dụng dịch vụ của S-Telecom đã gởi thư khiếu nại về chất lượng đến Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông). Một nguồn tin cho biết, Cục Viễn thông đã ra nhiều quyết định xử phạt chất lượng của nhà mạng này nhưng “phạt thì phạt, S-Telecom không có tiền để nộp phạt”.
Tổng giám đốc S-Telecom Phạm Tiến Thịnh từng hào hứng nói rằng: “Sẽ có tiền thanh toán những khoản nợ khi dự án 3G (đã được cấp giấy phép) triển khai vào dịp đầu năm 2013”.
S-Telecom chính thức hoạt động vào tháng 7-2003. Giai đoạn 2005 – 2007, S-Telecom đã có khoảng 5 triệu thuê bao có doanh thu ổn định. Tháng 5-2007, S-Telecom đã được phía đối tác là SLD Telecom cam kết bổ sung 249 triệu đôla Mỹ, nâng số vốn đầu tư của đối tác lên 543 triệu đôla Mỹ.
Tuy nhiên, đó chỉ là cam kết trên giấy, còn trên thực tế, tổng vốn đầu tư của đối tác nước ngoài ước chừng 200 triệu đôla Mỹ. Phần lớn nguồn vốn trên được quy đổi bằng thiết bị đã qua sử dụng.
Đến nay, Ban Giám đốc S-Telecom chưa công bố chính thức về số phận của mạng S-Telecom như thế nào. Theo các cơ quan chức năng và giới am hiểu về thị trường, dự án 3G của S-Telecom khó thành hiện thực. Điều đó có nghĩa, S-Telecom đã... “chết” thật rồi.
Đổi tên có đổi phận?
Ngày 17-9-2012, hết 6 tháng được sử dụng thương hiệu Beeline, sau khi Công ty cổ phần viễn thông di động Toàn Cầu (Gtel) mua 49% cổ phần của VimpelCom trong liên doanh Gtel Mobile, thương hiệu Beeline đã đổi thành Gmobile.
Theo bà Phạm Cẩm Tú, Trưởng Phòng truyền thông của Gmobile, hiện nay nhà mạng này có 3,2 triệu thuê bao đã được kích hoạt trên hệ thống tính cước. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc thương mại Gmobile, với gói cước tỷ phú 3 (nạp 35.000 đồng/tháng gọi nội mạng trong mười năm), đến cuối năm 2012 Gmobile sẽ có thêm 2 triệu thuê bao.
Để thực hiện mục tiêu trên, Gmobile nhắm đến lượng khách hàng “ruột” là lực lượng Công an. Với gói cước tỷ phú 3 và lượng khách hàng này, việc có thêm 2 triệu thuê bao không phải là khó. Trước tin đồn Gmobile sẽ sáp nhập với Mobifone, bà Tú cho biết chưa có thông tin chính thức nào nên không bình luận.
Đánh du kích!
Tháng 4-2009, khi chuyển từ công nghệ CDMA sang GSM, HT Mobile thành Vietnamobile nhưng vẫn giữ đầu số 092. Từ lúc chuyển sang tên mới, Vietnamobile cũng thay đổi cách thức kinh doanh: Tập trung phát triển thuê bao ở những địa bàn yếu, như Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Bà Hoàng Kim Ánh, Phó Phòng tiếp thị giải thích: “Sở dĩ đẩy mạnh hoạt động tiếp thị tại Hà Nội và khu vực phía Bắc vì thuê bao của Vietnamobile tại đây còn thấp so với khu vực TP. Hồ Chí Minh”. Với đối tượng khách hàng chủ yếu là giới trẻ, Vietnamobile có nhiều gói cước giá rẻ với thời gian được tính theo ngày, tập trung vào các hoạt động như: thoại, nhắn tin, tải dữ liệu.
Vietnamobile công bố tổng số thuê bao của họ hiện nay khoảng 10 triệu. Một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Từ khi chuyển tên mới cho đến cuối năm 2010, Vietnamobile chỉ có vài triệu thuê bao nhưng từ năm 2011 tới nay, họ đã có thêm 3,5 triệu thuê bao từ những nhà mạng lớn vì chiến thuật kinh doanh “đánh du kích”: Nhân viên bán hàng của Vietnamobile len lỏi đến các trường học, vùng dân cư xa để bán hàng.
(Theo SGTT)