Thứ Tư, 03/10/2012, 20:04 (GMT+7)
.

Quỹ TDND cơ sở: Nhận định thực tế để hoạch định tương lai

Với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) đang hoạt động nền nếp, ổn định và tăng trưởng đáng kể đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, tích cực thực hiện chiến lược xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.

Hiện tại, trên địa bàn Tiền Giang có 15 quỹ TDND cơ sở và một phòng giao dịch trực thuộc, với 27.000 thành viên, tăng 1,6 lần so với năm 2001. Từ sự tăng trưởng hàng năm, các quỹ TDND đều có kế hoạch phát triển thành viên.

Điều này cũng cho thấy nhân dân đã thấy được lợi ích khi tham gia. Về nguồn vốn hoạt động của các quỹ TDND cơ sở đều tăng trưởng qua các năm; đến cuối tháng 3-2012 đạt 354 tỷ đồng, tăng 9,3 lần so với năm 2001.

Vốn điều lệ của các quỹ tín dụng năm 2001 hơn 2,9 tỷ đồng, đến năm 2012 tăng lên 11,2 tỷ đồng, lợi nhuận của năm 2012 tính đến tháng 8 đạt hơn 4 tỷ đồng, một con số khá ấn tượng trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các cá nhân và tập thể quỹ TDND tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 57 của Bộ Chính trị.
UBND tỉnh tặng bằng khen cho các cá nhân và tập thể Quỹ TDND tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 57 của Bộ Chính trị.
Ông Dương Minh Điều, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Với mô hình nhỏ, hoạt động chủ yếu ở địa bàn nông thôn, đối tượng khách hàng chủ yếu là những hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ, các quỹ TDND đã không ngừng cố gắng chăm chút cho những hộ gia đình chí thú làm ăn vượt qua khó khăn; do đó hiện nay không ít hộ đã thoát nghèo và làm giàu từ nguồn vốn của các quỹ TDND.

Theo ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc NHNN Chi nhánh Tiền Giang thì đối tượng khách hàng vay vốn bình dân vẫn còn nhiều, nên phân khúc thị trường cho các quỹ TDND hiện vẫn có. Cũng theo  ông Nhã, NHNH tỉnh đã chỉ đạo các quỹ TDND có kế hoạch tăng vốn điều lệ đạt tối thiểu 500 triệu đồng để tồn tại và phát triển bền vững. Hiện các quỹ TDND đều có kế hoạch để thực hiện chỉ đạo này.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao, các quỹ TDND cơ sở đã chú trọng đến công tác đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Trong những năm qua, mặc dù có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của quỹ TDND được ban hành nhưng các quỹ TDND trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng nắm bắt để điều hành hoạt động đạt hiệu quả. Hiện tại, hầu hết các quỹ TDND đều có hội đồng quản trị và ban điều hành đạt chuẩn theo quy định.

Tuy nhiên, theo đánh giá tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 57 của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống quỹ TDND, thì trên địa bàn Tiền Giang, hội đồng quản trị, ban điều hành của một số quỹ TDND chưa thực hiện hết vai trò trách nhiệm của mình, thiếu quan tâm đến việc phát triển vốn điều lệ nên hiệu quả hoạt động chưa cao, có nơi thành phần này lại không góp vốn, hoặc rất thấp nên chưa thể hiện hết trách nhiệm của mình đối với đơn vị.

Một số nơi, chính quyền địa phương còn can thiệp sâu vào nội bộ hoạt động của các quỹ TDND như sắp xếp, bố trí nhân sự không có trình độ nên đã ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động.

Hiện nay, một số quỹ tín dụng vẫn còn trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị không đạt trình độ chuyên môn theo quy định mặc dù nguồn vốn của quỹ trên 8 tỷ đồng. Một số quỹ TDND chưa quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo cán bộ, chuẩn bị đội ngũ kế thừa; công tác quản trị điều hành còn yếu kém, mất đoàn kết nội bộ.

Nhận định về những khó khăn, hạn chế trong hoạt động của quỹ TDND hiện nay, ông Phạm Văn Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ TDND xã Tân Hội Đông (Châu Thành) cho biết: Xét về năng lực cạnh tranh, chỉ có những quỹ TDND có quy mô hoạt động tương đối lớn mới có khả năng cạnh tranh được với các chi nhánh của các ngân hàng thương mại trên địa bàn.

Trong khi phần lớn các quỹ TDND của tỉnh tiềm lực tài chính yếu, quy mô hoạt động nhỏ, công nghệ thông tin, năng lực quản lý điều hành còn hạn chế; dịch vụ ngân hàng còn nghèo nàn, chỉ có huy động tiền gửi và cho thành viên vay, chủ yếu là cho vay ngắn hạn.

Trước những khó khăn, hạn chế đó, định hướng phát triển các quỹ TDND trong thời gian tới, cụ thể là đến năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định: Phải mở rộng hình thức huy động vốn trung hạn, tăng trưởng nguồn vốn bình quân hàng năm từ 16 - 18% và đạt 1.200 tỷ đồng vào cuối năm 2020; đồng thời tăng cường mở rộng tín dụng trung hạn chiếm tỷ trọng 20% trên tổng dư, với dư nợ tăng trung bình hàng năm từ 13-15%, số dư đạt 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2020.

Theo Chỉ thị 57 của Bộ Chính trị ngày 10-10-2000, sẽ xử lý thu hồi giấy phép hoạt động của các quỹ TDND không đủ điều kiện chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX và những quỹ TDND hoạt động yếu kém, thua lỗ kéo dài, có nguy cơ mất khả năng chi trả.

Việc thu hồi giấy phép hoạt động cần chú trọng đến yếu tố ổn định chính trị, xã hội; không gây đổ vỡ ngoài sự kiểm soát của Nhà nước.

Từng bước thu hẹp dần địa bàn hoạt động của các quỹ TDND đô thị, quỹ TDND liên xã, phường phù hợp với trình độ quản lý của quỹ TDND và khả năng kiểm tra, giám sát của NHNN.

Về giải pháp thực hiện, tiếp tục củng cố, chấn chỉnh hoạt động quỹ TDND, tổ chức thành lập mới một số quỹ TDND có điều kiện; đồng thời sáp nhập các quỹ hoạt động yếu kém trên cùng địa bàn để tăng quy mô hoạt động.

Góp phần cùng hệ thống ngân hàng trên địa bàn thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng nông thôn, góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quỹ TDND, từng bước chuẩn hóa và nâng chất để  đáp ứng nhu cầu kinh doanh ngày càng cao.

Cụ thể, đến năm 2015 có ít nhất 30% cán bộ, nhân viên quỹ TDND có trình độ đại học và đạt 60% vào cuối năm 2020. Có kế hoạch tăng trưởng vốn điều lệ hàng năm, đến năm 2015 có 100% quỹ TDND đạt vốn điều lệ tối thiểu 500 triệu đồng và đạt 80% quỹ TDND có vốn điều lệ tối thiểu là 1 tỷ đồng vào năm 2020.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động để quỹ TDND hoạt động an toàn và hiệu quả. Đối với các quỹ TDND mới thành lập, thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo tốt việc chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động và ổn định tổ chức; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với quỹ TDND; vận động mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia xây dựng hệ thống quỹ TDND ngày càng lớn mạnh.

DUY SƠN

.
.
.