Chủ Nhật, 07/10/2012, 05:09 (GMT+7)
.

Sản xuất rải vụ cây ăn trái: Biện pháp chống rớt giá

Để tránh tình trạng “được mùa rớt giá, được giá hết mùa”, nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp đề xuất cần phải rải vụ sản xuất cây ăn trái. Điều này không những giúp “né” được trái cây Trung Quốc mà còn giúp thu nhập của người nông dân tăng lên.

Đau đầu chuyện rớt giá

Báo cáo tại hội nghị “Sản xuất rải vụ một số loại cây ăn trái chủ lực ở Nam bộ” được tổ chức tại Bến Tre sáng 4-10, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết trong những năm 2000 – 2004, diện tích cây ăn trái ở Nam bộ tăng bình quân trên 15.000 ha/năm, tương đương 9,25%/năm (tăng từ 288.800 ha năm 2000 lên 393.200 ha năm 2004).

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tốc độ tăng diện tích cây ăn trái có chiều hướng sụt giảm so với trước, tỷ lệ tăng bình quân chỉ còn 1%/năm. Cá biệt trong 2 năm 2008 – 2009, diện tích cây ăn trái giảm lần lượt là 7.000 và 2.000 ha/năm so với năm 2007.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam phát biểu tại hội nghị.
PGS, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp cho biết, bên cạnh dịch bệnh, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, hệ thống đê bao khép kín chưa hoàn chỉnh… thì cảnh “được mùa rớt giá” thường xuyên xảy ra cũng là nguyên nhân khiến diện tích cây ăn trái ở Nam bộ giảm mạnh.

“Cộng thêm trái cây ngoại tràn vào những năm gần đây thực sự là một áp lực đối với người nông dân nói riêng và ngành cây ăn trái của Việt Nam nói chung” - ông Phạm Văn Dư nói.

PGS, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam cho biết: “Tháng 6 đến tháng 8 hàng năm đã trở thành một quy luật, năm nào cũng vậy, trái cây thu hoạch vào thời điểm này sẽ rớt giá rất mạnh”.

Lý giải hiện tượng này, PGS, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu cho biết, thời điểm này, nguồn cung trái cây ở Nam bộ dồi dào; trong khi đó, miền Bắc có một số loại trái cây đặc sản cũng vào mùa, thêm vào là trái cây Trung Quốc lúc này nhiều, tràn sang Việt Nam với số lượng lớn làm giá giảm mạnh.

Sản xuất rải vụ “né”… Trung Quốc

“Chỉ có Nam bộ mình mới có thể điều khiển cho cây ăn trái ra quả quanh năm được, chứ miền Bắc không làm được, Trung Quốc cũng không làm được. Cho nên chúng ta phải “lợi dụng” điểm này của Nam bộ để điều khiển làm sao lúc Nam bộ có trái cây thì miền Bắc và Trung Quốc không có.

Như vậy, trái cây Nam bộ mới đem ra ngoài Bắc được, đem sang Trung Quốc tiêu thụ được. Dĩ nhiên, khi làm được điều này sẽ hạn chế được rất lớn điệp khúc được mùa rớt giá” - PGS, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu khẳng định.

Sản xuất rải vụ giúp phần nào tránh tình trạng “được mùa rớt giá, được giá hết mùa”, tăng thu nhập cho người nông dân. Trong ảnh là nông dân huyện Cai Lậy, Tiền Giang thu hoạch chôm chôm.
Sản xuất rải vụ giúp phần nào tránh tình trạng “được mùa rớt giá, được giá hết mùa”, tăng thu nhập cho người nông dân. Trong ảnh, nông dân huyện Cai Lậy thu hoạch chôm chôm.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Văn Dư, do đặc tính cây ăn trái ra hoa theo mùa nên vào vụ chính lượng trái cây thu hoạch tập trung lớn, bán ra thị trường nhiều. Vì vậy, không thể tránh khỏi chuyện rớt giá. Tuy nhiên, vào những thời điểm khác, tức thời điểm không phải chính vụ, sản lượng trái cây rất hạn chế, bán rất dễ dàng với giá cao hơn vụ chính từ 2-3 lần.

Đứng trước thực trạng “được mùa rớt giá, được giá hết mùa”, vấn đề rải vụ sản xuất, thu hoạch cây ăn trái cần phải được quan tâm và nhanh chóng triển khai - Tiến sĩ Phạm Văn Dư đề xuất.

Theo Cục Trồng trọt, 5 loại trái cây chủ lực sẽ được chọn thực hiện sản xuất rải vụ thời gian tới gồm: xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng và thanh long.

Theo Cục Trồng trọt, sản xuất rải vụ sẽ được thực hiện theo hướng: 30% diện tích cây cho trái rải vụ, 70% diện tích cho trái chính vụ trên tổng số diện tích của loại cây trồng được chọn thực hiện sản xuất rải vụ.
PGS, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu khuyến cáo: “Qua kinh nghiệm tôi thấy, sầu riêng, chôm chôm nên điều chỉnh một số diện tích cho trái muộn hơn và rơi vào các tháng từ 11 đến tháng 4 năm sau sẽ có giá bán rất tốt. Đối với nhãn, nên để một số diện tích cho trái từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Riêng xoài nên chọn một số diện tích cho trái từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau là tốt nhất”.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

.
.
.