Thứ Tư, 03/10/2012, 13:10 (GMT+7)
.

Tân Phước: Tự tin “chung sống với lũ”

Thông lệ, tháng 9 và tháng 10 hàng năm mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long  (ĐBSCL) vào cao điểm. Năm ngoái, độ này nước từ thượng nguồn ào ạt tràn về hạ lưu đe dọa các tuyến đê bao khu dân cư, vùng chuyên canh khóm bạt ngàn.

Còn hiện nay, những con đường về các xã: Mỹ Phước, Hưng Thạnh qua Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông - những vùng trồng chuyên canh khóm thuộc huyện Tân Phước tiếp giáp với tỉnh bạn Long An không khí làm ăn vẫn tấp nập, nhộn nhịp.

Ở nơi đâu cũng thấy bà con cặm cụi trên cánh đồng khóm trải dài mút tầm mắt. Người lo ươm cây con giống chuẩn bị cho vụ mùa mới, người lo thu hoạch một vụ bội thu vừa trúng mùa vừa trúng giá. Với năng suất từ 18 - 20 tấn/ha và giá khóm từ 4.100 - 4.500 đồng/kg, mỗi ha khóm cho nông dân nguồn thu từ 80 - 100 triệu đồng/ha. Đó là bằng chứng nông dân tự tin “chung sống với lũ”.

Theo ông Huỳnh Văn Bườn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Phước, rút kinh nghiệm đối mặt với thiên tai, lũ lụt nhiều năm liền, ngay từ đầu năm 2012, địa phương chủ động đầu tư thêm 14 tỷ đồng hoàn thiện thêm 19 ô đê bao ngăn lũ bảo vệ trên 4.500 ha khóm chuyên canh và khu dân cư.

Ngoài ra, ngành Điện lực cũng đầu tư thêm hàng chục tỷ đồng thi công thêm 30 trạm bơm điện tiêu thoát nước, chống úng ngập cho các khu đê bao.

Trong điều kiện suy giảm kinh tế và khó khăn chung về ngân sách thì đây là nỗ lực lớn của tỉnh, huyện và nhân dân với mục tiêu bảo vệ an toàn cho một trong những vùng chuyên canh khóm lớn nhất ĐBSCL, cũng như bảo đảm đời sống nhân dân.

Với 19 ô đê bao mới cùng với 83 ô đê bao đã được hoàn thiện trong các năm qua, đã bảo vệ an toàn 95% tổng diện tích vùng khóm chuyên canh của huyện rộng trên 14.000 ha trong mùa lũ 2012.

Ông Huỳnh Văn Bườn đánh giá, với các ô đê bao được đầu tư hoàn chỉnh từ đê ngăn lũ khép kín đến trạm bơm tiêu úng và các công trình phụ trợ, Tiền Giang đã bảo đảm hiệu quả phòng, chống thiên tai, tự tin đối phó với lũ lụt hiện tại cũng như trong tương lai.

Còn ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Thạnh Mỹ - địa bàn xa xôi và khó khăn nhất của huyện Tân Phước nói thêm, xã được quy hoạch 2.800 ha chuyên canh khóm và khoai mỡ, trong đó diện tích khóm lên đến 1.640 ha. Trên toàn địa bàn đã hình thành 25 ô đê bao ngăn lũ nên bà con rất an tâm, phấn khởi ổn định sản xuất và đời sống, mặc dù thời điểm này đang vào cao điểm lũ lụt tại ĐBSCL.

Ngoài khóm, khoai mỡ là 2 cây trồng truyền thống thì đón thời cơ vào cao điểm mùa lũ thường các loại rau màu đều có giá do nguồn cung hạn chế nhưng nhu cầu lớn, nông dân trong các ô đê bao Đông Lộ Mới, Tây Lộ Mới, ô Mỹ Lộc còn trồng thêm hành, hẹ, bầu bí dưới dạng chuyên canh hoặc xen canh để cải thiện đời sống.

Ở xã Tân Hòa Đông, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, đầu năm nay xã hoàn thiện thêm 2 ô đê bao mới trên địa bàn ấp Tân Thuận với diện tích bảo vệ 140 ha, nâng toàn xã hiện có 16 ô đê bao. Các ô đê bao trên còn được sự hỗ trợ tích cực của mạng lưới 20 trạm bơm điện sẵn sàng bơm tiêu úng 24/24 giờ những lúc cao điểm.

Nhờ vậy, chúng tôi an tâm “chung sống với lũ”, kinh tế - xã hội không chỉ ổn định mà đang phát triển bền vững và nông nghiệp, nông thôn Tân Hòa Đông đổi mới sâu sắc so với trước đây - bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt khẳng định.

Ngược dòng thời gian, những ngày lũ lụt năm nào đến ngã Năm Bắc Đông, qua Tân Hòa Đông hay ngược lên Thạnh Tân - những nẻo đường quê xa xôi nhất của huyện Tân Phước, nhìn đâu cũng chỉ thấy nước trắng trời, trắng đất.

Còn hôm nay, một cuộc sống mới đang sinh sôi, bức tranh quê thay đổi đến tận gốc rễ bằng những gam màu tươi sáng. Tất cả có được từ những bước cụ thể hóa chủ trương “chung sống với lũ” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Phước với những định hướng đúng, giải pháp hay.

MINH TRÍ

.
.
.