Thứ Ba, 09/10/2012, 06:53 (GMT+7)
.

Thất thu mùa lũ

Giữa tháng 8 âm lịch, mực nước lũ tại các huyện phía Tây mới phả đồng và thấp hơn năm rồi khoảng 0,5m. Đó là nguyên nhân khiến cho “đặc sản” mùa nước nổi không nhiều, người dân mưu sinh theo con nước lũ buồn rười rượi, còn tiểu thương bán câu, lưới… tại các chợ vẫn “ngóng” người mua.

CÂU, LƯỚI BÁN CHẬM

Từ lâu, chợ Thiên Hộ (Hậu Mỹ Bắc A, Cái Bè) được người dân ví von là chợ dụng cụ mùa nước nổi. Bởi chợ này có trên chục gian hàng bày bán câu, lưới và các dụng cụ đánh bắt thủy sản mỗi khi nước lũ tràn về. Hiện nay, câu, lưới, dớn... được bày bán đầy ắp ở chợ này.

Ông Thạch Thanh Hùng, bán dụng cụ đánh bắt thủy sản ở chợ Thiên Hộ cho biết, câu, lưới treo đầy nhưng chẳng mấy người mua. Mùa lũ năm 2011, ông bán mỗi ngày cả chục kg lưới bén nhưng năm nay chỉ từ 1-2 kg.

“Chúng tôi dự đoán năm nay nước lũ sẽ lớn nên chủ động chuẩn bị một lượng hàng tương đối nhiều. Nhưng hiện tại nước lũ nhỏ khiến các loại câu, lưới và dụng cụ phục vụ đánh bắt thủy sản mùa lũ 2012 bị ế ẩm. Mặt khác, các loại thủy sản trong tự nhiên ngày càng cạn kiệt nên người dân không còn mặn mà với việc mưu sinh mùa lũ nữa” - ông Hùng nói.

Tại chợ Mỹ Phước Tây (Mỹ Phước Tây, Cai Lậy) cũng tương tự. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhi bán câu, lưới tại chợ này cho biết: “Lũ không về, cá không nhiều đã làm cho hoạt động đánh bắt thủy sản mùa lũ bị thất thu, sức tiêu thụ các loại lưới và dụng cụ đánh bắt thủy sản vì thế cũng giảm theo”.

Ông Thạch Thanh Hùng bán lưới cho người dân tại chợ Thiên Hộ.
Ông Thạch Thanh Hùng bán lưới cho người dân tại chợ Thiên Hộ.

Theo các tiểu thương tại chợ Thiên Hộ và chợ Mỹ Phước Tây, giá lưới bén của Nhật bán ra 700 ngàn đồng/kg, lưới bén Trung Quốc 400 ngàn đồng/kg, lưới bén làm sẵn của Trung Quốc 200 - 250 ngàn đồng/tay (dài 85m); lưới mùng có giá từ 60 - 70 ngàn đồng/kg; lú khoảng 200-380 ngàn đồng/cái (loại 12m - 15m); dớn 100 - 110 ngàn đồng/cái (loại 1,4m - 1,6m)... Các tiểu thương này cũng cho biết, mặc dù chi phí có tăng nhưng do chủ động nguồn hàng từ khá sớm nên giá bán các loại ngư cụ phục vụ khai thác đánh bắt thủy sản chỉ tăng từ 5-15% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng như mọi năm, dụng cụ đánh bắt thủy sản trong mùa lũ khá đa dạng, bên cạnh các loại câu, lưới truyền thống sản xuất trong nước thì trên thị trường đang bán khá nhiều lưới và dụng cụ đánh bắt thủy sản nhập từ Trung Quốc, Nhật. Trong đó, đáng chú ý là các loại lú và dớn được làm từ các loại lưới rất khít, có thể bắt được cả cá mẹ lẫn cá con nên có tính hủy diệt các nguồn lợi thủy sản. Trong khi đó, ngành chức năng chưa quan tâm nhiều đến công tác quản lý và nghiêm cấm việc kinh doanh, sử dụng các loại dụng cụ khai thác thủy sản có tính hủy diệt các nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên.

TRẦM LẮNG CHUYỆN MƯU SINH

Nước lũ đã phả đồng nhưng trên nhiều cánh đồng tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy và Tân Phước lưa thưa người mưu sinh mùa nước nổi. Ông Lê Văn Hải, xã Hậu Mỹ Bắc A cho biết, thu hoạch lúa xong, gia đình mua 100m lưới bén về giăng bắt cá rô. Nhưng được vài ngày thì treo luôn. “Năm nào lũ về nhiều, cá, cua, chuột, ếch dồi dào nên bà con tha hồ giăng lưới, cắm câu, đặt dớn, kéo vó. Còn năm nay lũ nhỏ, sản vật thiên nhiên ít, bà con thất thu lớn”- ông Hải tâm sự.

Chỉ tay về cánh đồng, ông Đặng Văn Minh, nông dân ấp 5A (Phú Cường, Cai Lậy) lắc đầu: “Năm nay cá mắm bèo quá! Sáng giờ giăng 3 tay lưới bén (khoảng 250m) nhưng chỉ được khoảng 1 kg cá rô, cá sặc. Năm nay lũ lên chậm, cá đồng quá ít, có hôm không đủ kho khô cho sắp nhỏ ăn, chứ lấy đâu ra cá để bán kiếm thêm thu nhập”.

Ông Lê Văn Mộng sống bằng nghề đặt dớn tại xã Phú Cường, huyện Cai Lậy cũng cho biết: “Mỗi năm lũ lớn, 5 cái dớn của tôi cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng/ngày. Nhưng năm nay, mỗi ngày chúng tôi kiếm được khoảng 100 ngàn đồng là mừng”.

Thương lái Nguyễn Bảo Việt, bán “đặc sản” mùa lũ ở chợ Mỹ Phước Tây, nói: “Mấy năm lũ lớn, mỗi ngày tôi mua được 5-6 kg rắn, trên 10 kg lươn và vài chục kg cá bổi. Năm nay các mặt hàng đó giảm từ 4-5 lần so với năm ngoái”.

Mùa lũ được xem là thời điểm “ăn nên làm ra” của giới kinh doanh công cụ phục vụ việc đánh bắt thủy sản và người dân vùng lũ. Năm nay, lũ nhỏ cá không nhiều nên người dân mưu sinh mùa lũ không mấy mặn mà. Kéo theo đó là tình hình buôn bán dụng cụ phục vụ đánh bắt thủy sản mùa lũ diễn ra khá chậm.

SĨ NGUYÊN

.
.
.