Trên 4 huyện phía Tây: Sạt lở gia tăng, khả năng có hạn
Trên 4 huyện phía Tây của tỉnh có đến hàng trăm điểm sạt lở lớn nhỏ, gồm xuất hiện mới, mở rộng, tái sạt lở nhưng không thể xử lý triệt để do nguồn vốn hạn hẹp. Đến mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở ven kinh, rạch ở khu vực này diễn biến phức tạp hơn, ảnh hưởng không ít đến sản xuất và đời sống của người dân nơi đây .
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong năm 2012 tỉnh phối hợp với các huyện tiến hành kiểm tra và đề xuất xử lý 30 điểm sạt lở, trong đó Cái Bè 17 điểm, Cai Lậy 4 điểm và Châu Thành 9 điểm. Các điểm này đang tiến hành thi công hoặc đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị thi công. |
KINH CÀNG LỚN, SẠT LỞ CÀNG NHIỀU
Ngày 2-10, UBND xã Mỹ Long (Cai Lậy) gửi tờ trình đến Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy đề nghị hỗ trợ kinh phí khắc phục 8 điểm sạt lở nghiêm trọng.
Trước đó, UBND xã Phú An cũng đề nghị huyện Cai Lậy khảo sát và tiến hành xử lý điểm sụp nứt ngay nhà ông Năm Bé (ấp 6); sạt lở tại rạch Cây Me và điểm nhà ông Năm Châu (ấp 3); cống Miễu (thuộc ấp 4, sạt lở dài 25 m, sụp một phần đê) để chống mở rộng, đảm bảo lưu thông và phòng chống lũ, triều cường thời gian tới.
Còn theo thống kê, xã Thanh Hòa có 35 điểm sạt lở, trong đó có 15 điểm sạt lở dưới 10 m, 20 điểm sạt lở trên 10 m có nguy cơ bị tràn ngập và sạt lở tiếp tục nếu không gia cố kịp thời.
Theo bà Trần Thị Nguyên, Quyền Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy, sạt lở trên địa bàn huyện rất nhiều, tập trung ở sông Ba Rài, các kinh lớn, trong đó có điểm sạt lở ăn vào đường giao thông, sụp một phần đê. Thời gian qua, huyện, xã đã xúc tiến gia cố các điểm sạt lở nhỏ nhưng cũng không thể xử lý hết. Đối với các điểm sạt lở lớn, huyện đề xuất tỉnh xử lý nhưng nguồn vốn hạn hẹp không thể giải quyết hết.
Trên địa bàn huyện Cái Bè, trọng điểm sạt lở phải kể đến các kinh lớn. Chúng tôi đi theo tuyến đường dal dọc kinh vắt ngang qua Quốc lộ 1A thuộc xã An Cư, có rất nhiều nơi bị sạt, bờ kinh hở “hàm ếch”, có nơi lở sâu vào tuyến đường dal.
Tại xã An Thái Đông, gần 3 tháng qua người dân sống khu vực bờ Tây sông Cổ Cò thuộc ấp An Lạc muốn ra Quốc lộ 1A phải qua cây cầu tạm do chính quyền xã vận động người dân xây dựng để đi lại sau khi bị sạt lở làm mất đoạn đường dal vào tháng 6 âl vừa qua.
Ông Võ Phi Hùng, ấp An Lạc, xã An Thái Đông kể: “Giữa đêm, chúng tôi đang ngủ bỗng nghe một tiếng ầm, chạy ra thấy cả một đoạn đường dal dài 15-17 m biến mất, sạt sâu về phía đất liền từ 2-3 m, sát vào phần phía trước nhà tôi. Đoạn sạt này sát cạnh đoạn sạt lở đã được xử lý cách đây 1 năm. Chúng tôi rất lo không biết có bị sạt tiếp hay không”.
Cách đó không xa, tại khu vực chợ thuộc ấp Thái Hòa đang xảy ra tình trạng sụt lún ngay tại nơi cơ quan chức năng đã xử lý trước đó. Nơi sụt lún cách mặt đất cũ từ 0,3 - 0,5 m, ngay sát thềm của nhiều nhà dân.
“Trên địa bàn xã có 5 điểm sạt lở lớn, trong đó có điểm tái sạt lở, mở rộng rất phức tạp, ảnh hưởng giao thông, có nguy cơ tiếp tục mở rộng lớn hơn. Chúng tôi đề nghị tỉnh và huyện sớm xử lý những điểm này”- ông Lê Văn Lập, Chủ tịch UBND xã An Thái Đông nói.
Sạt lở làm mất một đoạn đường dal ở ấp An Lạc (An Thái Đông, Cái Bè), chính quyền xã đã vận động nhân dân làm cầu tạm để đi. |
Theo Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè, mỗi năm trên địa bàn huyện có trên 100 điểm sạt lở lớn, nhỏ (xuất hiện mới, sạt lở mở rộng, tái sạt lở sau khi xử lý), trong đó có trên 10 điểm sạt lở lớn ngoài khả năng xử lý của huyện. “Trong năm 2012, huyện xử lý 523 điểm sạt lở nhỏ; đồng thời đề xuất tỉnh xử lý trên 21 điểm sạt lở lớn.
Tỉnh đã cấp kinh phí 2,5 tỷ đồng cho huyện xử lý 17 điểm (thấp hơn nhiều so với dự toán của huyện). Hiện huyện đang xúc tiến thủ tục để triển khai thi công”- bà Nguyễn Kim Liên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè cho biết.
XU HƯỚNG SẠT LỞ TĂNG VÀ PHỨC TẠP
Theo Sở NN&PTNT, hiện có khoảng 14 tuyến sông, kinh, rạch thường xuyên xảy ra hiện tượng xói lở với tốc độ nhanh và phạm vi rộng gây thiệt hại nghiêm trọng với khoảng 40 khu vực xảy ra sạt lở.
Trong đó, Cái Bè có 8 con sông, kinh, rạch thường xảy ra sạt lở với tổng chiều dài đường bờ 24 km, diện tích mất đất hàng năm ước tính 5 ha; Cai Lậy có 3 tuyến sạt lở nhiều là Phú An, Trà Tân, Ba Rài; Châu Thành sạt lở nhiều ở Rạch Gầm, Phú Phong và kinh Xáng (ngoài ra còn một số nơi bị sạt lở cục bộ như ở kinh 26-3, Thuộc Nhiêu - Cầu Sao); Tân Phước sạt lở ở kinh Nguyễn Văn Tiếp, kinh Xáng, kinh Ba và kinh Cà Dăm.
Sạt lở sát vào phía nhà dân (trái) và sụt lún xảy ra tại khu vực chợ thuộc ấp Thái Hòa (An Thái Đông, Cái Bè), nơi mà những năm trước cơ quan chức năng đã xử lý. |
Theo nhận định của ngành, sạt lở bờ sông, kinh, rạch đang có xu hướng ngày càng gia tăng về số lượng, quy mô và cả về tốc độ, tập trung ở những tuyến giao thông thủy chính, có mật độ tàu, thuyền lưu thông lớn; dọc tuyến đê bao mới thi công, mặt đê, mái đê chưa được bảo vệ. Thời gian thường xảy ra sạt lở vào đầu mùa mưa và cuối mùa lũ.
Nguyên nhân được xác định chủ yếu là nền đất yếu, mật độ kinh, rạch dày đặc với nhiều ngã tư, ngã ba dễ bị sạt do dòng chảy đạp thẳng vào bờ; gia tải quá mức lên mép sông, kinh, rạch từ các công trình nhà ở, hạ tầng, đê bao, khu neo đậu, công trình vượt lũ; do sóng thuyền bè gây ra…
Những năm qua, các giải pháp xử lý sạt lở đã được các ngành, các cấp thực hiện như xây kè (kè bê tông cốt thép, kè rọ đá), đóng cừ đắp đất, lập rào thả lục bình chắn sóng, dời đê vào phía trong. Mỗi giải pháp xử lý đều có những ưu, khuyết điểm, áp dụng phù hợp cho từng khu vực nhất định.
Tuy nhiên, trước tình trạng địa điểm sạt lở xảy ra rất nhiều, nguồn vốn có hạn thì không thể xử lý căn cơ, triệt để. Tỉnh chỉ có thể tiến hành xử lý những điểm sạt lở lớn, bức xúc, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt người dân; còn các huyện, xã xử lý các điểm nhỏ hơn. Do vậy, số điểm sạt lở vẫn không ngừng tăng, quy mô sạt lở ngày càng lớn hơn.
Giải quyết căn cơ vấn đề này, theo Sở NN&PTNT cần tăng cường tuyên truyền, vận động cộng đồng nâng cao ý thức phòng, chống sạt lở; xây dựng quy chế bảo vệ, khai thác hệ thống kinh, rạch; quy hoạch luồng tuyến tàu chạy và quy định vận tốc tối đa của tàu, thuyền trên một số trục giao thông chính; quy định phạm vi đào kinh và đắp đê, quy hoạch cơ sở hạ tầng nông thôn...
Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão cho rằng, theo Luật Đê điều, hệ thống đê các huyện phía Tây là dưới cấp 4 nên do nhân dân quản lý; việc duy tu, bảo dưỡng phải vận động nhân dân thực hiện. Dù vậy, việc xử lý sạt lở trong thời gian qua ở khu vực này chủ yếu sử dụng từ nguồn thủy lợi phí.
Để ngăn chặn tình trạng sạt lở trên, chi cục đề nghị không lấy đất quá mức cao trình đáy kinh cho phép để đắp đê, làm đường; khai thác cát theo đúng quy hoạch đã được duyệt; nghiên cứu, cắm biển báo hạn chế tốc độ giao thông thủy ở những vị trí có nhiều điểm sạt lở; tăng cường xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Các địa phương tăng cường vận động nhân dân để có trách nhiệm bảo vệ bờ sông, bờ kinh, nhằm hạn chế sạt lở; thành lập ban quản lý đê để tuyên truyền và phát hiện sạt lở…
N.VĂN