Thứ Hai, 08/10/2012, 10:42 (GMT+7)
.

Vú sữa Lò Rèn - các giải pháp phát huy lợi thế đặc sản

Để phát huy  tiềm năng cây vú sữa - cây đặc sản bậc nhất của tỉnh, huyện, lãnh đạo huyện Châu Thành đã ban hành nghị quyết, kế hoạch phát triển cây lợi thế này với nhiều giải pháp.

CẢI TẠO VÀ TRỒNG MỚI

Theo Phòng NN&PTNT, huyện Châu Thành có 3.200 ha trồng vú sữa, tập trung ở các xã Nam Quốc lộ 1A. Huyện phấn đấu đạt khoảng 5.000 ha vú sữa, năng suất bình quân trên 24 tấn/ha vào năm 2015 (chiếm từ 40 - 42% giá trị sản xuất cây ăn trái của huyện), trong đó sản lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu từ 15 -30%.

Như vậy, từ nay đến năm 2015, các xã trong vùng trồng vú sữa sẽ phát triển mới 1.600 ha. Theo đó, từ giữa và cuối năm 2011, các xã trong vùng trồng vú sữa đã ban hành nghị quyết, kế hoạch và tiến hành vận động người dân trồng cây đặc sản này trên địa bàn.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim cho biết, trong năm 2011 Vĩnh Kim trồng mới 32,43 ha. Từ đầu năm 2012 đến nay, toàn xã trồng mới trên 38 ha. “Những diện tích trồng mới trong thời gian qua tập trung vào những vườn già cỗi, kém hiệu quả. Từ nay đến cuối năm, xã còn 7 ha nữa là hoàn thành chỉ tiêu và hoàn toàn có thể đạt được”- ông Hải cho biết như thế.

Tương tự, tại xã Đông Hòa, từ những tháng cuối năm 2011 đến nay, toàn xã đã trồng mới 46 ha vú sữa; trong đó 9 tháng qua xã đã hoàn thành chỉ tiêu trồng mới của cả năm là 35 ha. Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch Hội Làm vườn xã cho biết, do các diện tích nhãn bị bệnh “chổi rồng”, người dân đốn nhãn chuyển sang trồng vú sữa rất nhiều nên xã hoàn thành sớm chỉ tiêu của huyện đề ra.

Theo Phòng NN&PTNT, vừa qua huyện tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện chủ trương về phát triển cây vú sữa. Qua kiểm tra ở các xã, tình hình phát triển cây vú sữa trên địa bàn huyện từng bước phát triển về lượng và nâng dần về chất. Đa số người dân rất quan tâm và tham gia thực hiện. Theo thống kê 9 tháng qua, toàn huyện đã trồng mới gần 320 ha, đạt 78% kế hoạch; chủ yếu cải tạo vườn tạp, vườn vú sữa lão hóa, già cỗi, kém hiệu quả.

Bên cạnh trồng mới, Hội Làm vườn huyện thực hiện 58 cuộc tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc vú sữa với 1.740 người tham dự; ngành Nông nghiệp phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện thực hiện 6 lớp dạy cách trồng vú sữa. Riêng trong năm 2012 , huyện đã mở 2 lớp ở xã Phú Phong…

HƯỚNG VÀO CHẤT LƯỢNG VÀ BỀN VỮNG

“Nghị quyết 10 của Huyện ủy về phát triển cây vú sữa đến năm 2015 ra đời nhằm vực dậy vùng sản xuất vú sữa, sản xuất theo hướng chuyên canh, năng suất, chất lượng, đảm bảo cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu” - ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết. Theo ông Hòa, thời gian qua ngành Nông nghiệp huyện và các xã đã xúc tiến cải tạo, trồng mới, chuyển đổi cây trồng không phù hợp sang trồng vú sữa, đặc biệt vú sữa Lò Rèn; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc...

Theo thống kê, toàn huyện hiện tồn tại 4 giống, gồm: vú sữa Lò Rèn chiếm 99%, còn lại là vú sữa tím, vú sữa vàng, vú sữa dây. Dựa vào đặc điểm thổ nhưỡng, hiện trạng, hướng phát triển cây đặc sản trong tương lai, huyện đã phân loại và định hướng trồng cho các xã. Theo đó, các xã: Phú Phong, Kim Sơn, Song Thuận, Vĩnh Kim, Bàn Long trồng 100% diện tích vú sữa Lò Rèn. Các xã: Long Hưng, Đông Hòa và Bình Trưng trồng 70% diện tích vú sữa Lò Rèn. Còn lại các xã: Dưỡng Điềm, Hữu Đạo, Nhị Bình và Thạnh Phú trồng 50% diện tích vú sữa Lò Rèn.

Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh việc khôi phục vườn cây già cỗi, suy kiệt. Cụ thể, huyện hợp tác cùng “Chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim” của tỉnh để tỉa tàn, trẻ hóa vườn vú sữa già cỗi; liên hệ Viện Cây ăn quả miền Nam để nhận kết quả thực hiện đề tài “ Phòng trừ bệnh khô cành, thối rễ trên cây vú sữa” và thuê cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thực hiện việc phòng, trị bệnh này.

Phát triển cây vú sữa bền vững không thể thiếu sản phẩm an toàn, chất lượng đảm bảo tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. UBND huyện đề ra kế hoạch phấn đấn đến năm 2015, toàn huyện có 500 hộ với 250 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP. Lộ trình cụ thể, trong năm 2012 huyện phát triển 50 hộ với 20 ha sản xuất theo GAP; năm 2013 và 2014 mỗi năm là 100 hộ với 50 ha và năm 2015 là 150  hộ với 70 ha thực hiện theo tiêu chuẩn này.

Song, vấn đề đặt ra là việc thực hiện định hướng trên sẽ gặp không ít trở ngại khi các mô hình sản xuất vú sữa đạt chứng nhận GAP thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Giải pháp cho vấn đề này, ông Hòa cho biết, một mặt các ngành chức năng huyện phối hợp với các xã thực hiện “Chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim” tuyển chọn hộ có đủ điều kiện sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP.

Mặt khác, ngành Nông nghiệp huyện tiến hành tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật theo hướng áp dụng tiêu chuẩn GAP để nâng dần kiến thức và ý thức của nông dân.

“Việc chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn này đòi hỏi kinh phí cao, trước mắt chúng tôi thực hiện mô hình điểm sản xuất vú sữa theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 40 ha ở ấp Phú Ninh và Phú Thuận của xã Phú Phong; cố gắng cân đối kinh phí xây dựng các mô hình nhỏ ở các xã làm hạt nhân để nhân rộng; đồng thời tiến hành tổ chức tập huấn; chuyển giao khoa học - kỹ thuật rộng rãi theo hướng sản xuất tiêu chuẩn GAP để người dân có ý thức. Khi nào các mô hình đủ điều kiện sẽ tiến hành chứng nhận”- ông Hòa cho biết.

NGÔ VĂN


 

.
.
.