Xã Hậu Mỹ Phú trên đường xây dựng nông thôn mới
Là một trong những xã được chọn chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh, xã Hậu Mỹ Phú (Cái Bè) đang tận dụng lợi thế nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lúa chất lượng cao và khắc phục những khó khăn trên đường xây dựng NTM.
Phát huy lợi thế…
Hậu Mỹ Phú có hệ thống kinh rạch chằng chịt thuận lợi cho việc trồng trọt, đặc biệt là sản xuất lúa. Xã có tỉnh lộ 869 đi ngang qua thuận tiện cho việc vận chuyển lúa gạo, giao thương hàng hóa. Hệ thống thủy lợi hoàn thiện dần qua từng năm, năng suất lúa nhờ vậy được nâng lên. Những năm qua, nông dân Hậu Mỹ Phú quan tâm nhiều đến sản xuất lúa chất lượng cao thay cho lúa có phẩm cấp thấp. Đời sống người dân từ đó có bước tiến đáng kể.
Qua thời gian đầu tư, đến nay 100% tuyến GTNT chính của Hậu Mỹ Phú đã trải dal nhưng so với tiêu chí NTM vẫn còn nhiều việc phải làm. |
Ông Đỗ Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã có 714 ha đất sản xuất lúa. Tuy còn bị chi phối bởi giá cả thị trường, thời tiết, ảnh hưởng không ít đến tỷ lệ diện tích canh tác giống lúa chất lượng cao trong từng mùa vụ như: điều kiện sản xuất thuận lợi, tỷ lệ diện tích lúa chất lượng cao tăng; ngược lại khi giá cả và điều kiện vụ mùa khó khăn, tỷ lệ sản xuất giống lúa chất lượng cao thấp), nhưng tính trung bình diện tích trồng lúa chất lượng cao các vụ trong năm chiếm khoảng 65% diện tích.
Hiện nay, xã cố gắng giữ vững và phát huy lợi thế này. Ngành Nông nghiệp tỉnh, huyện cũng đã định hướng Hậu Mỹ Phú tập trung phát triển vùng lúa chất lượng cao gắn với việc hình thành cánh đồng mẫu lớn.
Bên cạnh cây lúa, Hậu Mỹ Phú còn là xã có phong trào chăn nuôi heo phát triển mạnh nhất huyện; cây rau màu và thủy sản nước ngọt cũng có nhiều điều kiện phát triển. Theo thống kê, hàng năm vườn cây ăn trái của xã đạt sản lượng từ 1.300 - 1.600 tấn, cây rau màu đạt 700 tấn và thủy sản đạt 400 tấn các loại.
Bên cạnh những thuận lợi, xã cũng gặp những khó khăn, hạn chế như các vùng sản xuất nông nghiệp khác. “Diện tích sản xuất lúa chất lượng cao không ổn định do tác động của giá cả thị trường. Diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ theo hộ gia đình gây không ít khó khăn trong việc hình thành cánh đồng mẫu lớn trong tương lai”- ông Thọ nói.
… Đến khắc phục khó khăn xây dựng NTM
Hậu Mỹ Phú bắt tay triển khai xây dựng NTM vào tháng 6-2011. Ngay từ đầu, lãnh đạo xã nhận thức rõ những khó khăn và thách thức gặp phải nên đã có những bước đi chủ động. Đầu tiên, xã chú trọng vào công tác tuyên truyền trong cán bộ, nhân dân; thành lập các ban chỉ đạo, điều hành…; xúc tiến nhanh việc xây dựng đề án, đồ án quy hoạch để sớm tranh thủ các nguồn lực.
Kết quả, Hậu Mỹ Phú là một trong những xã đầu tiên được phê duyệt đề án xây dựng NTM (tháng 11-2011 – dù không nằm trong 10 xã điểm). Tiếp theo, đầu năm 2012, đồ án quy hoạch của xã cũng đã được phê duyệt.
Bắt tay vào xây dựng NTM, xã xác định công việc ưu tiên hàng đầu là phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân; đầu tư cơ sở hạ tầng để thay đổi bộ mặt nông thôn, từ đó tạo phấn khởi và hưởng ứng của người dân.
Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, xã đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức. Nguồn vốn từ Nhà nước phân bổ chậm và ít; việc huy động các nguồn lực khác vào việc xây dựng NTM cũng khó khăn, do cuộc sống người dân còn bấp bênh, địa bàn không có doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh lớn. Đó là lý do các công trình hạ tầng trong đề án xây dựng NTM thời gian qua vẫn chưa thể triển khai.
Sau hơn 1 năm triển khai, xã mới tiếp nhận được nguồn vốn xây dựng NTM đầu tiên trên 760 triệu đồng. Với số vốn này, ngay trong năm 2012, xã không thể đột phá vào công trình lớn nào để có thể thay đổi bước đầu diện mạo nông thôn của xã. Nếu tình hình tiếp tục thế này, hành trình xây dựng NTM sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
“Thời gian qua, việc vận động vốn để đối ứng trong các công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã thường dựa vào các mối quan hệ, hội đồng hương ở TP. Hồ Chí Minh và các nơi khác để vận động hỗ trợ, còn nguồn vận động tại xã rất hạn chế. Dù hiện nay người dân rất đồng tình với chủ trương xây dựng NTM nhưng xã cũng chỉ có thể vận động họ hiến đất chứ rất khó vận động đóng góp tiền. Ngoài ra, người dân trong xã chủ yếu sản xuất lúa, chăn nuôi nên việc tăng năng suất, nâng cao thu nhập để đạt tiêu chí cũng sẽ không đơn giản”- ông Đoàn Văn Của, Trưởng Ban Quản lý xây dựng NTM xã cho biết.
Theo ông Của, nguồn vốn hạn hẹp, trong khi đó theo đề án mỗi năm, các công trình thực hiện trên địa bàn xã với số vốn lên hàng chục tỷ đồng. Đây là bài toán nan giải của xã cần có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhất là những công trình lớn. Cụ thể, vấn đề quan tâm hiện nay là tình trạng thiếu trường, lớp bậc mẫu giáo, tiểu học. Bên cạnh đó, tuy thời gian qua xã đã trải dal 100% các tuyến giao thông nông thôn (GTNT) chính trên địa bàn nhưng so với tiêu chí trong xây dựng NTM thì chưa đạt...
“Nếu những công trình hạ tầng được đầu tư, bộ mặt nông thôn xã sẽ thay đổi. Thấy được lợi ích thiết thực đó, người dân càng ủng hộ và hưởng ứng vào công cuộc xây dựng NTM của xã”- ông Thọ bày tỏ.
Hiện nay, Hậu Mỹ Phú còn trên 10 tiêu chí chưa đạt tiêu chí NTM, một số lĩnh vực khoảng cách chênh lệch so chuẩn tiêu chí còn rất xa. Dù nhiều khó khăn, nhưng xã phấn đấu đạt xã chuẩn NTM theo lộ trình từ nay đến chậm nhất năm 2020 với mục tiêu đặt ra hoàn thành từng tiêu chí cụ thể.
Trước mắt, xã tập trung vào hộ nghèo, nhà ở, nước sạch, tiếp tục nâng tỷ lệ hộ có cầu tiêu hợp vệ sinh qua lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án. Trước mắt, từ nay đến cuối năm, từ nguồn vốn xây dựng NTM vừa được phân bổ, xã tập trung xây dựng 1 cây cầu, xây mới và nâng cấp 2 trụ sở ấp văn hóa; nâng cấp sân và tường rào nhà văn hóa xã.
Xây dựng NTM là quá trình lâu dài, thách thức và khó khăn là khó tránh khỏi. Xã đã và đang nỗ lực và đề ra các giải pháp khắc phục để đạt chuẩn NTM đúng kế hoạch đã đề ra. Lợi thế của xã là được công nhận xã văn hóa vào năm 2007. Đây có thể xem là tiền đề tốt để tiến lên NTM.
N.VĂN