Thứ Sáu, 09/11/2012, 09:12 (GMT+7)
.
Tiến tới MDEC - Tiền Giang 2012:

Nông nghiệp Tiền Giang: Thành quả & xu thế

Tiền Giang có 177 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó đất sản xuất lúa trên 80 ngàn ha, trồng 3 vụ/năm; đất trồng cây ăn trái chiếm 70 ngàn ha với nhiều chủng loại đặc sản có lợi thế cạnh như: vú sữa Lò Rèn, thanh long, xoài cát Hòa Lộc; 35 ngàn ha trồng 25 chủng loại rau các loại với sản lượng 750 ngàn tấn/năm.

Về chăn nuôi, tỉnh có đàn heo 500 ngàn con, hàng triệu gia cầm và 13 ngàn ha nuôi trồng thủy sản… Đó là diện mạo tổng quan của một tỉnh nông nghiệp trong quan hệ tương tác với thị trường nhằm phát huy và phát triển…

TĂNG NĂNG SUẤT & DIỆN TÍCH

Thời gian qua, Tiền Giang đã ban hành nhiều chính sách phù hợp trong phát triển nông nghiệp, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng kỹ thuật công nghệ vào sản xuất. Từ đó, năng suất tăng cao, cơ cấu cây trồng chuyển đổi theo hướng tăng diện tích những cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Nhìn lại những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, toàn tỉnh chỉ có 30 ngàn ha cây ăn trái thì đến nay đã phát triển lên 70 ngàn ha, hình thành nên những vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, thanh long, sầu riêng…

Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) đã khẳng định vị thế của mình trong làng trái cây ĐBSCL. Ảnh: Ngô Tông
Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã khẳng định vị thế trong làng trái cây ĐBSCL. Ảnh: Ngô Tông

Năm 2011, sản lượng cây ăn trái đạt giá trị trên 3.200 tỷ đồng, chiếm trên 50% giá trị sản lượng trồng trọt. Đó là thành quả từ quá trình nông dân áp dụng đồng bộ kỹ thuật vào vùng trồng như tỉa cành, tạo tán, bao trái cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các ngành chức năng đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, theo các tiêu chuẩn GAP.

Qua đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đang định hướng phát triển sản xuất vườn cây ăn trái gắn với thị trường, hình thành ổn định các vùng nguyên liệu; tổ chức lại sản xuất theo hình thức doanh nghiệp cổ phần, HTX, đưa nhanh quy trình GAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) vào sản xuất và có sự tham gia của các doanh nghiệp.

Diện tích lúa hiện nay cho sản lượng 1,3 triệu tấn, năng suất lúa tăng cao đáng kể, trung bình trên 6 tấn/ha, có vùng năng suất tăng lên 7 tấn/ha. Bên cạnh tăng năng suất, nông dân ngày càng quan tâm đến sử dụng công cụ sạ hàng, sạ thưa, chất lượng hạt giống, sử dụng giống lúa xác nhận, giống nguyên chủng vào sản xuất, giống lúa đặc sản; áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Theo ước tính, hiện nay có trên 50% diện tích lúa sử dụng giống xác nhận, nguyên chủng. Toàn tỉnh có 40 ngàn ha sản xuất lúa chất lượng cao, 20 ngàn ha lúa sản xuất phục vụ xuất khẩu. Để hướng đến nền sản xuất bền vững, vài năm gần đây, tỉnh đã cho triển khai áp dụng mô hình cộng đồng ứng dụng công nghệ sinh thái để quản lý dịch hại trên lúa; mô hình “3 giảm 3 tăng”.

Từ khi triển khai mô hình đầu tiên ở Cai Lậy đến nay, tỉnh đã nhân rộng với trên 1.000 ha, mang lại lợi nhuận thiết thực cho nông dân từ việc giảm chi phí sản xuất 2 triệu đồng/ha.

Cùng với các tỉnh trong khu vực, Tiền Giang đã và đang triển khai xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” từ đầu tư đến bao tiêu sản phẩm với 2.000 ha. Ngành Nông nghiệp đang tiếp tục phối hợp với Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang, Công ty Lương thực Tiền Giang và Công ty CP Vật tư Nông nghiệp tiếp tục triển khai 500 ha lúa theo mô hình “cánh đồng lúa mẫu lớn” ở huyện Cái Bè và  huyện Cai Lậy.

Cây rau phát triển tập trung ở huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo và TX. Gò Công, đã hình thành nên những vùng chuyên canh rau với những chủng loại như làng rau má, hành lá… với sản lượng 750 ngàn tấn/năm, cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THEO CHIỀU SÂU

Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng một số mô hình sản xuất trên lúa, cây ăn trái đạt các tiêu chuẩn GAP như 45 ha vú sữa Lò Rèn và 100 ha lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; 22 ha khóm Tân Lập đạt VietGAP. Ngay trong năm 2012, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có 4 sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP là thanh long, xoài cát Hòa Lộc, nhãn, chôm chôm.

Ngoài ra, còn có Hợp tác xã lúa Mỹ Thành  đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, Tổ hợp tác Rau Thuận Hòa ( xã Long Thuận, TX. Gò Công) đạt chứng nhận VietGAP. Theo ước tính đến nay toàn tỉnh đã triển khai 1.000 ha rau sản xuất theo hướng an toàn, GAP. Trong thủy sản, tỉnh đã triển khai xây dựng thành công mô hình nuôi cá tra đạt chứng nhận SQF CM1000  ở huyện Cái Bè.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, thế mạnh của ĐBSCL thể hiện qua cây lúa, con cá, con tôm; vườn trái cây đa dạng với nhiều chủng loại, với khoảng 274.000ha; sản lượng hàng năm từ 2,3 - 2,7 triệu tấn.

Một cuộc “cách mạng giống” mấy năm qua cho thấy cây trái ở ĐBSCL ngon hơn, năng suất cao hơn. Những loại trái cây chủ lực như: sầu riêng Chín Hóa và cơm vàng hạt lép, măng cụt Tân Quy, xoài cát Hòa Lộc… được nhân giống trồng khắp nơi.

Có nhiều vùng trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Cái Bè (Tiền Giang); Chợ Lách (Bến Tre); Bình Minh (Vĩnh Long); Phú Hữu (Hậu Giang); Tân Quy (Trà Vinh); Lai Vung (Đồng Tháp)…

Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn chưa “thấm vào đâu” trên hành trình nỗ lực phát triển nền nông nghiệp toàn diện, chất lượng. Đó là chưa nói đến các mô hình, loại hình còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hiệu quả.

Theo Sở NN&PTNT, khó khăn, hạn chế dễ thấy là: tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tự phát; công tác quản lý giống còn nhiều bất cập; công nghệ thu hoạch trên cây ăn trái còn khá lạc hậu; kỹ năng, trình độ của nông dân còn hạn chế; việc đầu tư chưa đồng bộ; khai thác quá mức đối với cây trồng dẫn đến nguồn dinh dưỡng trong đất bị cạn kiệt.

Công nghệ sau thu hoạch, các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này có quy mô nhỏ, thất thoát sau thu hoạch cao (trên 10%) nhưng chưa có giải pháp giảm hiệu quả. Việc đầu tư không đồng bộ, cấp độ thực hiện cũng khác; công tác quản lý còn nhiều bất cập. Đó cũng là thực trạng chung của nông nghiệp ở ĐBSCL hiện nay.

Từ thực tiễn và hướng tới xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngành tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về phát triển sản xuất theo công nghệ sinh học, phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 1.000 ha.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ cố gắng làm tốt công tác quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm. Trong cơ cấu cây trồng, chủ lực là cây ăn trái và cây lúa, trong đó cây ăn trái là trọng tâm, tạo bước đột phá mới. Trong đó, ngành phấn đấu đẩy mạnh sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn an toàn, tạo chuyển biến lớn về chất.

Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư hạ tầng cho từng vùng, triển khai xây dựng và sửa chữa các kho chứa lúa gạo; hình thành trung tâm lúa gạo ở huyện Cai Lậy, hỗ trợ cơ giới hóa trong thu hoạch và sau thu hoạch, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

Đối với định hướng sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, theo ngành Nông nghiệp, tỉnh phấn đấu đến năm 2015 có 80% nông dân sản xuất cây ăn trái được cập nhật sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và có 30% diện tích cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; 50% diện tích đạt tiêu chuẩn trên vào năm 2020.

Phát triển diện tích vườn cây ăn trái các loại đạt 79.800 ha, sản lượng trái đạt 1,18 triệu tấn/năm, giá trị sản lượng vào năm 2015 khoảng 4.283 tỷ đồng. Tỉnh tiếp tục nhân rộng các mô hình cộng đồng ứng dụng công nghệ sinh thái vào quản lý dịch hại trên cây lúa.

Trên cây lúa ổn định diện tích 76 ngàn ha, áp dụng cơ giới hóa từ sản xuất đến thu hoạch, chú trọng áp dụng theo GAP. Trên cây rau, ngành phấn đấu đạt 45 ngàn ha rau với sản lượng 800 ngàn tấn/năm, trong đó có 1.000 ha rau an toàn, khi có đủ điều kiện sẽ tiến hành xúc tiến chứng nhận các tiêu chuẩn GAP.

NGÔ VĂN - SĨ NGUYÊN

Đã có gần 400 gian hàng đăng ký tham gia hội chợ vùng

Ngày 8-11, ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch cho biết, đã có 398 gian hàng đăng ký tham gia Hội chợ triển lãm Rau quả và Thương mại ĐBSCL - một trong những chuỗi sự kiện của MDEC - Tiền Giang 2012; trong đó có 56 gian hàng của 12 tỉnh, thành ĐBSCL (riêng Kiên Giang chưa đăng ký) và tỉnh Đồng Nai, 8 gian hàng của Bộ NN&PTNT, 24 gian hàng trái cây tươi, 12 gian hàng trái cây chế biến, 10 gian hàng cây giống, 278 gian hàng thương mại tổng hợp và 10 gian hàng của doanh nghiệp nước ngoài (Đài Loan).

Bên cạnh đó cũng đã có 9 tỉnh, thành gồm:  Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Bạc Liêu, An Giang gửi hình ảnh đặc trưng nhất về văn hóa - xã hội và các danh lam, thắng cảnh, đặc sản của địa phương để Tiểu ban Tổ chức hội chợ thiết kế trang trí các pa-nô tại hội chợ.

Ông Phương cũng cho biết, hiện trung tâm đang tiếp tục khẩn trương phối hợp với Sở NN&PTNT và Sở Công Thương tích cực vận động các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia hội chợ cho đủ quy mô 500 gian hàng và sẽ khởi công dàn dựng gian hàng vào giữa tháng 11-2012.

Q.ANH

 



 

.
.
.