Thứ Hai, 19/11/2012, 15:41 (GMT+7)
.

Tạo bước đột phá phát triển du lịch sinh thái Tiền Giang

Lượng du khách đến Tiền Giang ngày càng tăng. Trong năm 2011, Tiền Giang đã đón 1.058.600 lượt khách, trong đó có 525.000 lượt khách quốc tế và trong 9 tháng qua của năm 2012 cũng đã đón được 861.340 lượt khách, trong đó có 444.760 lượt khách quốc tế.

Nhưng để giữ chân khách du lịch ở lại là yêu cầu quan trọng, cần phải được quan tâm để có những định hướng chiến lược nhằm phát triển sản phẩm phù hợp nhu cầu đa dạng của khách du lịch.

Chúng ta cũng thấy rằng, do điều kiện tự nhiên, sản phẩm du lịch đang khai thác của các tỉnh trong vùng thường có tính tương đồng và trùng lắp với nhau, nên để phát triển du lịch bền vững rất cần những sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng riêng của địa phương.

Vì vậy, trong chiến lược phát triển du lịch của Tiền Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, phát triển du lịch Tiền Giang phải tạo các bước đột phá và tạo điểm nhấn để thúc đẩy phát triển, trên cơ sở tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm du lịch.

Ngành du lịch cần làm nhiều việc để thu hút và giữ chân du khách lưu trú qua đêm. Ảnh: Vân Anh
Ngành Du lịch còn rất nhiều việc phải làm để thu hút và giữ chân du khách. Ảnh: Vân Anh

Cần xây dựng Khu du lịch Thới Sơn trở thành trung tâm du lịch, tạo điểm nhấn, mang đặc trưng của sản phẩm du lịch Tiền Giang. Với việc triển khai đầu tư 2 khu du lịch: Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng và Khu đón tiếp du lịch đường bộ để tạo bước đột phá cho du lịch.

Đồng thời liên kết nhiều hộ dân để tạo thành tuyến du lịch sinh thái cộng đồng với nhiều sản phẩm đặc trưng như thưởng thức các loại trái cây đặc sản, đi đò chèo trên kinh rạch, nghe đờn ca tài tử, trải nghiệm ẩm thực dân dã, sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ, tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa truyền thống người dân vùng sông nước Nam bộ, các dịch vụ tát mương bắt cá, tham quan cù lao bằng xe thô sơ…

Bên cạnh việc xây dựng các khu du lịch có quy mô lớn, với các sản phẩm đặc trưng riêng biệt của Tiền Giang theo quy hoạch thì cần thiết phát triển thêm các điểm du lịch sinh thái nhà vườn, phù hợp với cảnh quan môi trường, phát triển dịch vụ nghỉ đêm ở nhà dân (homestay), nghỉ đêm trên nhà dạng bè nổi trên sông quanh cù lao, tái hiện chợ nổi trên sông...

Đối với Khu du lịch Cái Bè (khu vực phía Tây), điểm nhấn vẫn là chợ nổi Cái Bè. Đặc trưng với sản phẩm du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn và du lịch cộng đồng, gắn với làng nghề truyền thống, vườn cây ăn trái đặc sản, cùng với khai thác làng cổ Đông Hòa Hiệp mang nét đặc trưng với loại hình dịch vụ nghỉ đêm ở nhà dân (Homestay) trong các ngôi nhà cổ.

Phát triển các khu resort Nam bộ chất lượng cao dọc theo dòng sông Tiền theo hướng vừa văn minh, lịch sự, hiện đại nhưng vẫn mang nét đặc trưng của văn hóa sông nước miệt vườn, tạo thành sản phẩm phục vụ khép kín, kéo dài chương trình tour và thời gian lưu trú, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Khu du lịch biển Gò Công (khu vực phía Đông): Điểm nhấn với Khu du lịch biển Tân Thành và Khu du lịch cồn Ngang của vùng biển Gò Công đầy tiềm năng. Đầu tư xây dựng các công trình nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, ẩm thực biển và bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên.

Đặc biệt, đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái cồn Ngang của huyện Tân Phú Đông tạo ra sản phẩm mang nét đặc trưng riêng của du lịch biển đảo vùng ĐBSCL.

Do cồn Ngang có vị trí thuận lợi nằm biệt lập giữa biển khơi, không khí trong lành, nguồn nước biển tương đối trong xanh và cũng chưa có người dân sinh sống, với một cơ chế ưu đãi, đặc thù khác với các khu du lịch trên đất liền sẽ xây dựng cồn Ngang với các dịch vụ đa dạng như nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, có chất lượng cao và chủ yếu phục vụ khách du lịch quốc tế đến bằng đường bộ từ TP. Hồ Chí Minh và đường biển trung chuyển bằng tàu du lịch từ ngoài biển vào cồn Ngang.

Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười (khu vực phía Bắc): Điểm nhấn là Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, với 100 ha rừng tràm ngập nước thuộc huyện Tân Phước, gắn Khu tâm linh Trúc Lâm Thiền Viện, với quy mô 30 ha sẽ mở ra tuyến du lịch sản phẩm mới.

Với cánh đồng mênh mông, hệ sinh thái vùng ngập phèn độc đáo, có các loài động, thực vật thích hợp phát triển thành khu tham quan, nghỉ dưỡng phù hợp cảnh quan thiên nhiên. Khu Trúc Lâm Thiền viện khi được hoàn thành sẽ kết hợp vừa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, vừa đáp ứng nhu cầu tham quan của nhân dân và du khách trong, ngoài nước.

Đây sẽ là điểm nhấn mang nét đặc trưng riêng, kết hợp giữa chốn tôn nghiêm, thanh tịnh với vùng sinh thái dân dã, thanh bình của vùng rừng ngập nước, tạo bước đột phá mới để thúc đẩy phát triển du lịch khu vực phía Bắc của tỉnh.

Để đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng riêng, tạo được những bước đột phá phát triển du lịch sinh thái ở Tiền Giang, trong thời gian tới cần thiết có những giải pháp mang tính đồng bộ và khả thi như xây dựng cơ chế và chính sách ưu đãi đầu tư phát triển du lịch, Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, có chính sách ưu đãi về vốn vay, về thuế cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự  án du lịch, nhất là đối với các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn phát triển du lịch cộng đồng ở những khu vực có nhiều tiềm năng, nhưng còn khó khăn về cơ sở hạ tầng và về nguồn nhân lực.

Tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, cũng như nguồn lực trong nhân dân, đảm bảo đủ nguồn vốn cho đầu tư du lịch. Tăng cường hỗ trợ tài chính và xã hội hóa hoạt động xúc tiến, quảng bá nhằm xây dựng sản phẩm và hình ảnh đặc trưng du lịch Tiền Giang.

NGUYỄN TẤN PHONG

.
.
.