Thứ Tư, 21/11/2012, 15:04 (GMT+7)
.
Tiến tới MDEC - Tiền Giang 2012:

Biến đổi khí hậu không dừng lại “trên giấy”

Trong khuôn khổ Diễn đàn MDEC - Tiền Giang 2012, ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện (5-12) sẽ có cuộc Hội thảo tham vấn Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long (gọi tắt là Kế hoạch MDP) lần 2 do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ, Viện Tư vấn Phát triển (CODE) tổ chức nhằm lấy ý kiến của các địa phương và chuyên gia cho bản thảo Kế hoạch MDP, với “tầm nhìn đến 90 năm”.

HÀNG TRĂM TỶ ĐỒNG TRÔI THEO BÃO, LỤT MỖI NĂM

Theo thống kê trong vòng hơn 5 năm trở lại đây tỉnh Tiền Giang có 3 cơn bão lớn đi qua và 1 đợt lũ lụt nghiêm trọng đã ảnh hưởng trực tiếp đối với tỉnh là bão số 9 (Durian) năm 2006, bão số 10 (Utor) năm 2008, bão số 10 (Parma) năm 2009; trong đó bão số 9 năm 2006 đã gây tổn thất nghiêm trọng cho tỉnh với 4 người mất tích, 24 người bị thương, riêng thiệt hại vật chất ước tính 215 tỷ đồng.

Trong đợt lũ năm 2011 đã có 6 người chết, 15.463 căn nhà bị ngập, 299 phòng học bị ngập nước, 339 km đường giao thông bị ngập lún, 942,6 ha khóm và 17.070 ha vườn cây ăn trái bị ngập úng, thất thoát trên 1.956 tấn cá… gây thiệt hại 538 tỷ đồng.

Bên cạnh đó tình trạng ngập lụt thường xuyên ở một vùng rộng lớn của tỉnh với khoảng 140.000 ha thuộc các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, một phần phía Tây QL1A và ở cực Tây TP. Mỹ Tho (chiếm 59,15% diện tích tự nhiên toàn tỉnh) đã gây ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong vùng.

Đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển có thể dâng cao thêm 1m, ước tính khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập. (Ảnh minh họa)
Đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển có thể dâng cao thêm 1m, ước tính khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập.

Hàng năm, tình trạng khô hạn kết hợp với nhiễm mặn thường xuất hiện ở khu vực huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông và ảnh hưởng đến các huyện: Gò Công Tây, Chợ Gạo, TX. Gò Công, dọc theo sông Tiền vào thời điểm từ tháng 4 - 6 hàng năm.

Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy 5 năm gần đây, tình trạng nhiễm mặn và khô hạn đã thay đổi theo chiều hướng xấu, mặn ngày càng cao và vào sâu trong nội đồng hơn. Rõ ràng biến đổi khí hậu và tác động của nó đã không còn nằm ở mức “khuyến cáo trên giấy” nữa mà phải gấp rút có giải pháp ngay mang tầm chiến lược.

NHIỀU VIỆC ĐÃ LÀM NHƯNG VẪN CÒN KHÓ KHĂN

Để chủ động trong công tác ứng phó, bên cạnh việc triển khai đầy đủ các văn bản của Trung ương, về phía địa phương, tỉnh cũng đã một mặt chỉ đạo việc xây dựng Kế hoạch hành động toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh (hiện dự án này đang được Trung tâm tư vấn và Công nghệ môi trường (CECT) thuộc Tổng cục Môi trường tư vấn biên soạn).

Kế hoạch hướng tới mục tiêu nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh trong từng giai đoạn cụ thể, đảm bảo sự phát triển bền vững của các lĩnh vực, ngành do tỉnh quản lý, bảo vệ cuộc sống của nhân dân, phòng, tránh và giảm thiểu những hiểm họa của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề, diễn đàn trao đổi thảo luận một số chủ đề trọng tâm về nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện khối lượng lớn công việc có liên quan.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn nhân lực, cụ thể lực lượng lao động của tỉnh tuy trẻ nhưng số đã qua đào tạo còn thấp, việc đào tạo mới hoặc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để nghiên cứu phát triển thị trường công nghệ tiên tiến, hiện đại cho ứng phó biến đổi khí hậu gần như “không khả thi”; tài nguyên nước tuy phong phú, song đang có nguy cơ nhiễm bẩn, đặc biệt chất lượng nước ngầm bị suy giảm và đang bị hạ mực nước.

Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông của tỉnh và liên vùng còn hạn chế, ảnh hưởng đến phát huy khả năng giao lưu, sẽ tạo ra những khó khăn trong việc bố trí lại cơ sở hạ tầng giao thông sao cho phù hợp với mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, cũng như cần nhiều nguồn vốn để điều chỉnh, cải tạo và xây dựng mới hệ thống giao thông có khả năng phòng, chống ngập úng.

GIẢI PHÁP THỜI GIAN TỚI

Để làm tốt công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiết nghĩ một mặt Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu đánh giá tổng thể diễn biến của biến đổi khí hậu của toàn vùng ĐBSCL để làm luận cứ khoa học phục vụ cho các địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu ở từng địa phương.

Ví dụ như Kế hoạch MDP đang được triển khai xây dựng, sau khi lấy ý kiến các địa phương lần 2 tại Diễn đàn MDEC sẽ được Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan thảo luận tại cuộc họp liên Chính phủ trong tháng 12 trước khi tiếp tục lấy ý kiến đóng góp rộng rãi hơn.

Về phía tỉnh, cần phối hợp các địa phương trong vùng “lên tiếng” với Chính phủ cần tăng cường đầu tư về hạ tầng cho các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là các tuyến đê ven biển để kịp thời ứng phó với tình trạng nước biển dâng.

Bên cạnh đó, về phía tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cũng như công tác huy động các nguồn lực trong xã hội cho bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ sự an toàn của cuộc sống người dân; chú ý đánh giá và dự báo về sự biến động các nguồn tài nguyên thiên nhiên, về sự thay đổi văn hóa, lối sống và các xung đột về mặt xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Chú trọng các chương trình, mục tiêu, dự án trọng tâm và tranh thủ các dự án quốc tế về biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

QUỐC ANH

.
.
.