Việt Nam soán ngôi Thái Lan về xuất khẩu gạo
Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2012 Việt Nam hoàn toàn có khả năng soán ngôi Thái Lan về xuất khẩu gạo. Tuy vậy, thị trường lúa gạo tới đây vẫn còn nhiều ẩn số.
Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát cho rằng, đến cuối tháng 10, hợp đồng xuất khẩu gạo mà các doanh nghiệp của Việt Nam đã ký hợp đồng đã hơn 7,6 triệu tấn gạo, đã giao gần 6,5 triệu tấn, còn lại khoảng 1,2 triệu tấn gạo các doanh nghiệp phải giao đến cuối năm 2012.
Song song đó, mới đây nhất, các doanh nghiệp kinh doanh gạo đã ký được hợp đồng xuất khẩu gạo với Indonesia thêm 300.000 tấn, nếu cộng với số gạo đã ký hợp đồng trước đó, tổng lượng gạo mà Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu cho cả năm 2012 là 7,9 triệu tấn, do số gạo mà các doanh nghiệp vừa ký hợp đồng với Indonesia cũng được giao đến cuối năm 2012 là kết thúc.
Việt Nam soán ngôi Thái Lan về xuất khẩu gạo. |
Tuy nhiên, VFA cũng đánh giá, khả năng năm 2012 Việt Nam cũng chỉ xuất được khoảng 7,5-7,6 triệu tấn gạo. Lý do là trong số hợp đồng đã ký vẫn còn tiềm ẩn một số rủi ro, có khả năng bị hủy hợp đồng.
Chẳng hạn, trong tháng 10 vừa qua, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo bị hủy cũng tương đối nhiều. Nguyên nhân hợp đồng xuất khẩu gạo có khả năng bị hủy là do trong số 1,2 triệu tấn gạo chưa giao có khoảng 200.000 tấn đi vào thị trường Trung Quốc nhưng hiện nay là thời điểm Trung Quốc không nhận hàng do vào mùa thu hoạch, nên có khả một số lượng gạo trong các hợp đồng này bị hủy hoặc dời sang năm sau mới giao.
Mặc khác, hơn 200.000 tấn gạo đi vào thị trường châu Phi cũng có khả năng có một số bị hủy, mặc dù trong một số hợp đồng các doanh nghiệp của Việt Nam đã ký với giá dưới 420 USD/tấn, thấp so với giá thành gạo 5% trong nước hiện nay đã trên 450 USD/tấn.
Do thực tế là giá gạo Ấn Độ đang thấp, nếu giá gạo của Việt Nam ngang với gạo Ấn Độ, khách hàng nhập khẩu chấp nhận hủy hợp đồng gạo của Việt Nam để mua gạo Ấn Độ do chi phí vận chuyển từ Ấn Độ về châu Phi sẽ thấp hơn từ Việt Nam.
Trong khi đó, giá gạo nguyên liệu trong nước đang rất cao, nếu bán giá thấp doanh nghiệp trong nước sẽ bị lỗ, nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể đàm phán với khách hàng châu Phi để hủy hợp đồng. Do vậy, trong hơn 500.000 tấn gạo bán cho châu Phi, Trung Quốc và một số thị trường khác tới đây có nguy cơ hủy hợp đồng có khả năng đến 50%.
Theo VFA, mặc dù với số lượng gạo thực bán năm 2012 dự kiến khoảng 7,5-7,6 triệu tấn, Việt Nam cũng đã soán ngôi của Thái Lan để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, về tổng thể giá lúa năm 2012 cũng tương đối tốt, chỉ có thời gian ngắn gặp khó khăn về giá của vụ đông xuân.
Tính bình quân cả vụ đông xuân và hè thu, người nông dân đều bán lúa với giá trên 5.500 đồng/kg, trong khi đó theo giá thành sản xuất lúa do Bộ Tài chính công bố thì vụ đông xuân giá thành chỉ trên 3.000 đồng/kg lúa, vụ hè thu cũng khoảng 4.000 đồng/kg. Nói chung, năm 2012 cũng là năm thắng lợi của người sản xuất lúa.
Tuy nhiên, ông Lâm Anh Tuấn lại cho rằng, mặc dù lượng gạo xuất khẩu tăng nhưng giá xuất khẩu gạo năm nay lại gặp khó hơn do Ấn Độ đã tham gia lại thị trường xuất khẩu gạo thế giới vào cuối năm 2011. Khi quay lại thị trường Ấn Độ đã đưa ra mặt bằng giá gạo rất thấp. Do vậy, gạo Việt Nam cũng nằm trong bức tranh chung của giá gạo của thế giới.
Từ thực tế thị trường như vậy, điều hành xuất khẩu gạo năm 2012 phải linh hoạt, nhất là đối với việc định giá gạo xuất khẩu. Theo tính toán chung của VFA, giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam năm 2012 thấp hơn năm 2011 vài chục USD/tấn. Đây cũng là điều bình thường vì khi tham gia vào sân chơi chung phải chấp nhận mặt bằng giá lúa gạo chung của thị trường thế giới.
Trong khi đó, hiện tại thị trường lúa gạo trong nước đang ảm đạm do giá gạo nguyên liệu trong nước đang tăng cao, do hiện đang vào cuối vụ sản xuất và do lượng gạo mà Việt Nam đã xuất khẩu đã vượt hơn so với cùng kỳ năm 2011.
Mặc khác, hàng năm Việt Nam còn có lượng gạo từ Campuchia chuyển về nhưng đặc biệt năm nay lúa từ Camphuchia chuyển về, sau khi xay xát, lau bóng lại chuyển ngược lại để sang Thái Lan, nên lượng gạo trong nước mất đi một phần. Do vậy, lượng lúa gạo trong nước còn lại giảm đi, mặc dù sản lượng sản xuất lúa có tăng lên chút ít.
Từ đó đã đẩy mặt bằng giá thành gạo 5% tấm trong nước hiện đã lên 450USD/tấn, trong khi đó giá gạo mà Ấn Độ bán ra cũng chỉ có 435 USD/tấn, nên các doanh nghiệp trong nước không thể giao dịch được. Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam đang trông chờ vào động thái của thị trường xuất khẩu, nhất là 2 kho chứa gạo lớn của thế giới là Thái Lan và Ấn Độ…
THẾ ANH