Thứ Ba, 13/11/2012, 08:03 (GMT+7)
.

Cảnh báo từ thực trạng “nâu hóa” vú sữa trên vùng chuyên canh

Thời gian gần đây, vú sữa nâu đang phát triển mạnh trên vùng chuyên canh vú sữa của huyện Châu Thành, trong khi các ngành, các cấp nỗ lực mở rộng diện tích, nâng chất lượng trái vú sữa đặc sản mang thương hiệu “Lò Rèn Vĩnh Kim” đã được đông đảo người tiêu dùng ở trong và ngoài nước biết đến.

LỢI THẾ CHÍN SỚM

Trên vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn vào những ngày đầu tháng 11, những dòng người hối hả chở vú sữa nâu từ các nẻo đường ra chợ với niềm vui hớn hở vì bán được giá cao.

Anh Nguyễn Minh Trí, ấp Bình Thới A, xã Bình Trưng, cho biết, 2 tuần nay vườn vú sữa nâu của anh bắt đầu cho trái rộ, trung bình 2 ngày hái 1 lần, mỗi lần từ 5 - 10 bội, giá vú sữa nâu từ 20.000 - 30.000 đồng/trái (hơn nửa tháng trước, giá cao kỷ lục khoảng 50.000 đồng/trái).

Anh Trí cho biết, trước đây, gia đình anh có truyền thống mấy chục năm trồng vú sữa Lò Rèn. Cách đây 5 năm, anh Trí quyết định đốn toàn bộ 1,3 ha vú sữa Lò Rèn già cổi chuyển sang trồng vú sữa nâu để thu hoạch sớm vụ, đón giá cao.

“3 năm nay, năm nào vú sữa nâu của tôi cũng cho thu hoạch vào lối tháng này và kết thúc vào tháng 11 âl, giá thấp nhất cũng từ 120.000 - 140.000 đồng/chục; trong khi đó nếu trồng vú sữa Lò Rèn sẽ thu hoạch vào tháng chạp, giá có thể xuống còn 50.000 đồng/chục. Dù vườn chưa cho trái đều nhưng ước tính sơ bộ vụ này tôi bán vú sữa nâu không dưới 300 triệu đồng” - anh Trí nói.

Vú sữa nâu từ trong vườn đến giới thiệu, quảng bá qua HTX vú sữa Lò Rèn.                                                                                                             Ảnh: N. TÔNG - TRUNG CHÁNH
Vú sữa nâu từ nhà vườn đến giới thiệu, quảng bá qua HTX vú sữa Lò Rèn. Ảnh: N. TÔNG - TRUNG CHÁNH

Cũng với lý do cho trái chín sớm vụ, bán giá cao, cùng với ưu thế ít sâu bệnh, trái to… cách nay 5 năm, ông Phạm Văn Đức, ấp Vĩnh Thới, xã Vĩnh Kim cũng tiến hành chuyển đổi sang trồng vú sữa nâu từ vườn trồng vú sữa Lò Rèn, cam, bưởi.

Theo ông, phong trào trồng sữa nâu đang phát triển rất mạnh. Người dân đang đổ xô mua nhánh chiết vú sữa nâu để trồng. “Năm nay, tôi chiết 1.000 nhánh vú sữa nâu và đã bán sạch. Điều này cho thấy phong trào trồng vú sữa nâu hiện nay rất mạnh”- ông Đức cho biết.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim cho biết, vú sữa nâu xuất hiện ở trong vùng khoảng 10 năm nay nhưng phát triển mạnh vào những năm gần đây. Theo ông Hải, hiện nay chưa có thống kê đầy đủ nhưng theo ước tính vú sữa nâu chiếm từ 10-15% tổng diện tích vú sữa của xã, phần lớn trồng xen, chỉ một số ít trồng chuyên.

Ông Trương Thành Vinh, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cho biết, hiện nay người dân ưa chuộng vú sữa nâu hơn vú sữa Lò Rèn và và diện tích này phát triển mạnh ở những vườn trước đây trồng vú sữa Lò Rèn đã già cổi hay bị bệnh. Qua khảo sát, một số vùng diện tích trồng sữa nâu phát triển rất nhanh và chiếm tỷ lệ khá cao, các vùng còn lại chiếm tỷ thấp nhất cũng từ 10-15%.

CẨN TRỌNG

Theo Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, chưa có con số thống kê, điều tra chính xác nhưng ước tính hiện nay có trên 200 ha trồng vú sữa nâu. Tuy nhiên, theo một số nhà chuyên môn, diện tích thực tế có thể lên đến 500-600 ha.

Anh Nguyễn Minh Trí,  ấp Bình Thới A, xã Bình Trưng đang chuẩn bị chở vú sữa nâu đi bán,  trong niềm hứng khởi  vì chắc chắn biết rằng  giá bán  không dưới 20.000  đồng/trái.
Anh Nguyễn Minh Trí, ấp Bình Thới A, xã Bình Trưng chở vú sữa nâu đi bán trong niềm hứng khởi vì chắc chắn biết rằng giá bán không dưới 20.000 đồng/trái.

Giải thích nguyên nhân này, ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, bày tỏ: “Thật sự mà nói chất lượng vú sữa nâu không bằng vú sữa Lò Rèn. Nhưng ưu thế của vú sữa này là chín sớm bán được giá cao nên nhà vườn rất ưa thích. Nguyên nhân khác, giống cây này ít sâu bệnh; cây ít kén đất, phát triển tốt cả trên diện tích trước đó đã trồng vú sữa Lò Rèn (đốn do già cổi hay bị bệnh).

Mặt khác, màu sắc đẹp bắt mắt, người tiêu dùng miền Bắc rất ưa chuộng (đây là thị trường chủ yếu của trái vú sữa); vỏ dày vận chuyển xa tỷ lệ hao hụt thấp nên thích hợp cho thương lái. Hơn nữa, thời gian gần đây, vú sữa Lò Rèn cũng được trồng ở nhiều nơi như: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cần Thơ… dẫn đến dễ bị đọng hàng, giá thấp khi vào mùa thu hoạch rộ.

Ngoài những nguyên nhân trên, theo anh Trương Thành Vinh, thời điểm thu hoạch cũng rất quan trọng. “Bất lợi của vú sữa Lò Rèn là thu hoạch rộ vào đúng thời điểm miền Bắc vào mùa lạnh (người dân ngại ra đường, đi chợ) nên việc tiêu thụ gặp khó khăn, trong khi đó vú sữa nâu rộ mùa trước đó nên giá thường tốt hơn.

Trước xu thế “lấn sân” của vú sữa nâu, một số chuyên gia cảnh báo, nếu tình trạng này tiếp diễn, vùng chuyên canh và thương hiệu vú sữa Lò Rèn sẽ bị ảnh hưởng. Ở khía cạnh khác, nếu việc phát triển vú sữa nâu đến một thời điểm nào đó đủ lớn về diện tích và sản lượng dồi dào thì ưu thế trồng cho thu hoạch trái sớm vụ của giống vú sữa này sẽ không còn, khi cung vượt cầu xảy ra, lại không có thương hiệu, chất lượng không tốt dễ bị người tiêu dùng “quay lưng”. Khi đó “bi kịch” cho những người trồng sữa nâu khó tránh khỏi.

Chủ trương rõ ràng và nhất quán của Huyện ủy, UBND huyện Châu Thành là phát triển vú sữa Lò Rèn theo hướng sản xuất chất lượng, an toàn. Cụ thể, kế hoạch của huyện phấn đấu đến năm 2015, Châu Thành đạt 5.000 ha vú sữa Lò Rèn (hiện nay 2.300 ha), trong đó có từ 15-30% đạt sản lượng xuất khẩu.

Đồng thời để khẳng định thương hiệu cho trái cây đặc sản, huyện phấn đấu đạt kế hoạch 500 hộ với 250 ha sản xuất vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn GAP đến năm 2015.

Trước diễn biến trên, ông Hòa khuyến cáo người dân chỉ nên phát triển vú sữa nâu ở những diện tích đã trồng vú sữa Lò Rèn trước đó bị già cổi hay bị bệnh; trên những vùng đất lão hóa.

Đối với những vùng đất mới, vùng đất chuyển đổi cây trồng khác sang vú sữa nên trồng vú sữa Lò Rèn do loại trái có phẩm chất tốt, có thương hiệu, có lợi thế phát triển so với nhiều nơi khác cần được phát huy.

Nhu cầu thị trường ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng nông sản nói chung, trái cây nói riêng, nhất là trái cây có thương hiệu. Nếu không cẩn trọng, bình tĩnh lựa chọn cây trồng “ăn chắc mặc bền” mang tính lâu dài, mà chạy theo phong trào rất dễ bị trả giá như đã từng trả giá với cây nhãn, sa pô trước đây.

N.VĂN

.
.
.