Thứ Hai, 05/11/2012, 10:06 (GMT+7)
.

MDEC Tiền Giang 2012: Cơ hội “mổ xẻ” thực trạng ĐBSCL

ĐBSCL được xác định là vùng kinh tế quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, hướng đến bền vững và hội nhập nhưng do những hạn chế trong liên kết phát triển giữa các địa phương và liên kết vùng nên các sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản có lợi thế so sánh, giá trị cao bị cắt khúc trong chuỗi giá trị ngành hàng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh thấp trên thị trường.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Tiền Giang 2012 (MDEC-Tiền Giang 2012) do Tiền Giang đăng cai tổ chức, diễn ra từ ngày 5 đến 9-12.

Đây là sự kiện do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, đơn vị có liên quan thực hiện theo Quyết định 388/QĐ-TTG ngày 25-3-2010 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương, giữa ĐBSCL với Trung ương, các tổ chức quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và công tác đối ngoại.

Với chủ đề “Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững”. Nhân sự kiện này, Báo Ấp Bắc phối hợp với Ban Tổ chức MDEC-Tiền Giang 2012 mở chuyên mục Tiến tới MDEC - Tiền Giang 2012 nhằm thông tin những hoạt động liên quan đến diễn đàn lần này.

Đánh giá về thực trạng của ĐBSCL, Tuyên bố chung của MDEC - Cà Mau 2011 đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng của ĐBSCL là do thiếu “nhạc trưởng” trong hoạt động điều phối liên kết vùng.

Việc thiếu một cơ quan đầu mối và một cơ chế điều phối có hiệu quả, hiệu lực để phối hợp hành động, điều hòa lợi ích, giải quyết bất cập và làm cầu nối với Chính phủ khiến cho liên kết vùng ĐBSCL khó ràng buộc, ít cơ hội thành công.

Song song đó, hoạt động liên kết vùng về bản chất vượt quá khuôn khổ riêng của từng địa phương. Trong bối cảnh 13 tỉnh, thành ĐBSCL phải nhận trợ cấp từ Trung ương (một số tỉnh thậm chí còn chưa tự chủ được đến cả chi thường xuyên), trong khi nguồn lực cho phát triển địa phương còn chưa lo xong thì rất khó nói đến việc cùng nhau đóng góp tài chính để lo cho sự nghiệp phát triển của toàn vùng.

Vì vậy, các cam kết hợp tác và liên kết hiện nay chủ yếu xuất phát từ ý chí chính trị chứ chưa có các biện pháp cụ thể và bằng những lực lượng vật chất cụ thể.

Trọng điểm trong phát triển kinh tế của các tỉnh ĐBSCL là tăng cường tính liên kết, đặc biệt là liên kết phát triển với TP. Hồ Chí Minh, đơn vị đầu tàu về phát triển của cả nước.

Cho đến thời điểm này, tất cả 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều đã ký kết chương trình hợp tác toàn diện phát triển kinh tế - xã hội với TP. Hồ Chí Minh. Song hành với các thỏa thuận “song phương” này, một số sở, ban, ngành và doanh nghiệp nhà nước của hai địa phương cũng ký kết các thỏa thuận hợp tác phát triển trong nhiều lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, công nghiệp chế biến lương thực và thủy - hải sản, dệt may, bao bì và xây dựng các khu du lịch, trung tâm thương mại, y tế, giáo dục, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xã hội…

Mặc dù đã có rất nhiều thỏa thuận hợp tác song phương toàn diện, song cho đến thời điểm này, đánh giá chung của các tỉnh, thành ĐBSCL, sự hợp tác vẫn mang nặng tính chính trị hơn là kinh tế, chủ quan hơn là khách quan và hình thức hơn là đi vào thực chất.

Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến nông nghiệp sẽ được bàn thảo, đề xuất thực hiện trong thời gian tới.
Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến nông nghiệp sẽ được bàn thảo, đề xuất thực hiện trong thời gian tới.

Từ bức tranh chung của ĐBSCL, MDEC - Tiền Giang 2012 được tổ chức thực hiện với chủ đề “Hướng tới nền nông nghiệp chất lượng và bền vững” nhằm mục đích thu thập ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, những nhà sản xuất, kinh doanh giỏi và liên kết vùng trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế để cùng bàn thảo, tìm ra giải pháp để hành động và đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp với đặc điểm của vùng trong thời kỳ hội nhập, theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Trong khuôn khổ của diễn đàn MDEC - Tiền Giang 2012 còn tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, tạo điều kiện, cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu về tiềm năng, năng lực của tỉnh trong các lĩnh vực.

Sau 5 lần tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL với các chủ đề: “ĐBSCL chủ động hội nhập WTO”, “Vì sự phát triển hạ tầng giao thông”, “Phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL”, “ĐBSCL liên kết phát triển bền vững”, diễn đàn đã đạt được những kết quả thiết thực, hiệu quả, có ảnh hưởng và lan tỏa lớn trong và ngoài khu vực, góp phần vào sự phát triển bền vững cho ĐBSCL.

Chủ đề của diễn đàn MDEC -Tiền Giang 2012 lần này hướng đến nền nông nghiệp vùng ĐBSCL. Bởi ngành Nông nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu cả nước.

Tuy nhiên, hiện nay phát triển nông nghiệp của vùng chủ yếu theo chiều rộng, thiếu tính bền vững và năng lực cạnh tranh hạn chế trên thị trường. Thông qua MDEC - Tiền Giang 2012 nhằm đưa ra những giải pháp, đề xuất những sáng kiến để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế ngành Nông nghiệp địa phương theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại - Du lịch, diễn đàn lần này là nơi để các nhà khoa học của các viện, trường, các nhà hoạch định chính sách của các bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL ngồi xem lại cơ chế, chính sách như thế nào để phát triển nông nghiệp một cách bền vững.

Nông nghiệp bền vững phải đảm bảo được các tiêu chí là chất lượng, sạch và xanh, để sản phẩm nâng cao được tính cạnh tranh và đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật để xuất sang các thị trường khó tính, tránh tình trạng sản phẩm nông nghiệp có chất lượng thấp, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay, ngành Nông nghiệp cũng đang hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Qua các hoạt động tại diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ chọn lọc lại những vấn đề cần thiết, bức xúc để đề xuất với các bộ, ngành, Chính phủ về cơ chế, chính sách cho ĐBSCL…

THẾ ANH

.
.
.