Thứ Ba, 27/11/2012, 10:16 (GMT+7)
.

Nghề sửa kiểng vào mùa

Đầu tháng 10 âm lịch, khi những vườn kiểng ở các xã phía Nam Quốc lộ 1A (huyện Cai Lậy) chuẩn bị cây kiểng cung ứng cho thị trường Tết cũng là lúc nghề sửa kiểng vào “mùa”. Cùng với lợi nhuận của việc kinh doanh cây kiểng, lực lượng sửa kiểng chuyên nghiệp cũng có khoản thu nhập không nhỏ khi vào mùa cao điểm.

Anh Ngô Quốc Đại đang sửa kiểng cho một vườn kiểng tại xã Tam Bình.
Anh Ngô Quốc Đại sửa kiểng cho một vườn kiểng tại xã Tam Bình.

Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng anh Ngô Quốc Đại, ở ấp Mỹ Lương, xã Long Tiên đã có 6 năm theo nghề sửa kiểng.

Thừa hưởng óc thẩm mỹ và tay nghề khéo léo của người cha - cũng là thợ sửa kiểng chuyên nghiệp, Đại được nhiều chủ vườn kiểng lớn ở xã Tam Bình, xã Long Trung tín nhiệm giao phụ trách kỹ thuật.

Anh Đại cho biết: “Nghề sửa kiểng có việc làm quanh năm, nhưng thông thường từ tháng 10 âm lịch trở đi là mùa cao điểm, thu nhập vì vậy cũng tăng. Tùy theo thỏa thuận với chủ vườn, có người nhận tiền công theo sản phẩm, cũng có người nhận theo ngày, nhưng thu nhập của một thợ sửa kiểng chuyên nghiệp không dưới 500.000 đồng/ngày”.

Một cây kiểng bình thường qua bàn tay của nghệ nhân có thể trở thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị kinh tế cao. Do đó, thợ sửa kiểng được xem là người “thổi hồn” cho cây kiểng và đang trở thành nghề ăn khách.

Các chủ vườn kiểng ở các xã phía Nam Quốc lộ 1A như: Long Tiên, Long Trung, Tam Bình… đều “đặt hàng” đội ngũ sửa kiểng chuyên nghiệp để an tâm gửi gắm vườn kiểng bạc tỷ của mình. Theo những người trong nghề, nghề sửa kiểng không đòi hỏi phải lớn tuổi mà những người trẻ cũng có thể trở thành nghệ nhân, với điều kiện thực sự say mê và có đôi tay tài hoa.       

TRƯỜNG GIANG

.
.
.