Thứ Năm, 15/11/2012, 12:37 (GMT+7)
.

Nỗ lực giúp doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục

Trải qua giai đoạn kinh tế khó khăn, hầu hết doanh nghiệp đã “thấm mệt” nên rất cần những gói giải pháp hỗ trợ từ các sở, ngành.

Ông Trần Tiến Giang, Giám đốc Công ty TNHH Giang Mây Việt cho biết, hiện tại doanh nghiệp rất khó khăn cùng với khó khăn chung của thị trường. Để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp phải mở ra thêm một số mặt hàng mới để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động, đầu tư dây chuyền sản xuất mới để đón đầu khi thị trường khởi sắc hơn vào những năm tới.

“Doanh nghiệp đang trên đà phát triển nên bao giờ cũng gặp khó khăn về vốn đầu tư. Đặc biệt, năm 2012 doanh nghiệp lại có 3 dự án đầu tư là nâng cấp nhà xưởng, cải tạo trang thiết bị và đầu tư khối văn phòng và Showroom. Do đó, doanh nghiệp cũng đang tiếp cận và đề nghị ngân hàng nâng hạn mức tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vốn vay”, ông Trần Tiến Giang cho biết.

Ngành Ngân hàng đang áp dụng nhiều gói lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và hồi phụ sản xuất-kinh doanh
Ngành Ngân hàng đang áp dụng nhiều gói lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và hồi phụ sản xuất-kinh doanh

Thực tế đã có nhiều gói tín dụng đã được triển khai thực hiện và nhiều doanh nghiệp cũng đã và đang hưởng lợi từ các gói tín dụng này. Ông Lê Văn Quý, Phó Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Tiền Giang cho biết đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như liên tục giảm lãi suất cho vay, đặc biệt giảm lãi suất cho các món vay có lãi suất từ 16%/năm trở lên về lãi suất cho vay 13% đối với khách hàng ưu tiên; giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng còn lại của doanh nghiệp là từ 15%/năm xuống còn 14%/năm.

Đồng thời, BIDV Tiền Giang cũng triển khai rất nhiều chương trình theo chủ trương của BIDV Trung ương: Chương trình cho vay tạm trữ vụ đông xuân, hè thu; tài trợ xuất khẩu khu vực ĐBSCL; chương trình cho vay với lãi suất cạnh tranh đối với doanh nghiệp; cho vay với lãi suất cạnh tranh đối với các hộ gia đình và cá nhân.

Từ các gói tín dụng được thực hiện, theo ông Lê Văn Quý, 9 tháng qua, dư nợ cho vay của BIDV Chi nhánh Tiền Giang là 2.992 tỷ đồng tăng 18% so với đầu năm; huy động vốn cũng tăng trưởng 42%. Với nguồn vốn sẵn có, từ nay đến cuối năm 2012, tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đang quan hệ với BIDV Tiền Giang, có hạn mức đều được đáp ứng tối đa nguồn vốn vay.

Đối với các doanh nghiệp, lãi suất cho vay mà BIDV Tiền Giang đang áp dụng là 9,5%/năm đối với doanh nghiệp xuất khẩu có thời hạn vay là 3 tháng trở xuống; các doanh nghiệp còn lại tối đa là 12,5%/năm. Nếu có điều kiện, BIDV Tiền Giang sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Còn theo ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang, thực hiện các chủ trương lớn của Trung ương và của tỉnh, đến nay ngành Ngân hàng đã đạt được một số kết quả nhất định, vốn huy động tăng trưởng 23%, tín dụng tăng trưởng 2,7%; lãi suất cho vay từ 15%/năm trở xuống chiếm 78%. Toàn ngành Ngân hàng đã thực hiện việc giãn nợ cho 127 doanh nghiệp và 914 khách hàng cá nhân, tổng số nợ được giãn là 700 tỷ đồng.

Các gói có lãi suất thấp đã được ngành Ngân hàng triển khai nhanh chóng và có kết quả. Chẳng hạn việc áp dụng lãi suất ưu đãi cho 4 đối tượng ưu tiên: doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu với lãi suất là 13%/năm đã có nhiều khách hàng tiếp cận được nguồn vốn vay. Mới đây, ngành Ngân hàng cũng đã triển khai gói tín dụng nuôi gia cầm, cá tra, chế biến xuất khẩu với lãi suất 11%/năm, với 5 ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tham gia.

Ông Võ Thanh Nhã cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tiếp tục triển khai những gói tín dụng để hỗ trợ phát triển kinh tế như tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn, tiếp tục giãn nợ, giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, hiện nay tình hình kinh tế khó khăn, hoạt động của doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, việc vỡ nợ của một số doanh nghiệp vay thế chấp bằng kho hàng vừa qua ngành Ngân hàng không quản được. Do vậy, ngân hàng hiện tại cũng thận trọng ở một số nhóm đối tượng, nên hạn mức cho vay có thể giảm. Nếu doanh nghiệp làm ăn tốt, việc tiếp cận vốn ngân hàng cũng sẽ không quá khó khăn.

Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư cho rằng, trong giai đoạn kinh tế khó khăn nhưng trong 9 tháng qua, toàn tỉnh có 284 doanh nghiệp và 2.932 hộ kinh doanh đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 4.602 tỷ đồng.

Song song đó, toàn tỉnh có 120 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn, 268 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh, 69 lượt doanh nghiệp đăng ký mở chi nhánh. Tổng số vốn đăng ký bổ sung là 2.637 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là dấu hiệu tích cực trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay.

“Từ nay đến cuối năm 2012, doanh nghiệp vẫn còn tiếp tục khó khăn, sức mua thị trường trong nước còn thấp, tồn kho ở một số ngành còn cao. Do vậy, doanh nghiệp cần mở rộng quan hệ, thâm nhập vào lĩnh vực sản xuất-kinh doanh-dịch vụ có kỹ thuật cao để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp nhu cầu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm…”, ông Trần Văn Dũng cho biết.

THẾ ANH

.
.
.