Thứ Ba, 06/11/2012, 07:52 (GMT+7)
.

Tân Phú Đông: Đường & chợ khởi sắc hơn, nếu…

Qua gần 5 năm thành lập, điều dễ nhận thấy nhất là Tân Phú Đông đã có sự thay đổi vượt bậc về cơ sở hạ tầng giao thông. Điển hình nhất là tỉnh lộ 877B - con đường huyết mạch, dài trên 32 km nối liền 5 xã cù lao (từ xã Tân Thới đến xã Phú Tân) được trải nhựa, đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội  của huyện phát triển.

Những khu dân cư cặp theo trục đường tỉnh 877B đã có sự phát triển rõ rệt, nhà cửa mọc lên san sát, nhiều căn được xây dựng kiên cố, khang trang; nhiều cơ sở kinh doanh, việc mua bán ngày càng được mở rộng như khu vực các chợ: Rạch Vách (xã Tân Phú), Bà Từ (xã Phú Tân), Phú Đông, Phú Thạnh…

Việc mua bán, giao lưu hàng hóa ngày càng nhộn nhịp hơn so với trước. Ngay như chợ Phú Thạnh, tuy chưa ngang tầm của khu chợ trung tâm huyện, song nhộn nhịp hơn so với trước khi thành lập huyện.

Bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp bằng 100% nguồn vốn ngân sách Nhà nước, gần đây một số chợ trên địa bàn huyện còn được xây dựng theo mô hình xã hội hóa với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” như chợ xã Phú Đông, chợ ấp Tân Thạnh (xã Tân Phú)…

Việc xây dựng đưa vào hoạt động ổn định các khu chợ này, trước nhất là góp phần giải tỏa hành lang lộ giới, khắc phục tình trạng mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, gây cản trở giao thông, đẩy lùi nguy cơ xảy ra tai nạn, kế đến là góp phần mở rộng giao thương hàng hóa.

Chợ  Phú Đông vừa được đưa vào  sử dụng, kinh phí xây dụng 4,5 tỷ đồng  theo phương châm  “Nhà nước và  nhân dân cùng làm”.
Chợ Phú Đông vừa được đưa vào sử dụng, kinh phí xây dụng 4,5 tỷ đồng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Theo số liệu tổng hợp, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ trên địa bàn huyện trong 9 tháng năm 2012 là 3,2 tỷ đồng, tăng 209 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2011.

Đây là một phần hệ quả tốt đẹp của việc nâng cấp đường tỉnh 877B và xây dựng phát triển hệ thống các chợ trong thời gian qua.

Hiện nay, cặp theo đường tỉnh 877B, nhất là thuộc địa phận hai xã Tân Thới, Tân Phú xuất hiện ngày càng nhiều điểm thu mua mãng cầu xiêm và những cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề truyền thống tiểu, thủ công nghiệp như: đan lát lục bình, giỏ mây, ghế nhựa, xe nhang, bó chổi que dừa…

Sự xuất hiện các cơ sở này không phải từ yếu tố ngẫu nhiên mà do đường sá được nâng cấp, mở rộng, kéo theo sự phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bởi việc vận chuyển, giao lưu hàng hóa cũng thuận tiện hơn, kịp thời hơn so với những năm về trước.

Điểm nhấn trên đường phát triển có thể kể đến khu vực giếng nước 6 ha thuộc địa bàn ấp Tân Phú, xã Tân Thới, nơi thường được gọi là “đầu mỏm” cù lao nằm cạnh trục đường tỉnh 877B được trải nhựa nối dài đến tận sông Cửa Tiểu về hướng tỉnh Bến Tre; hay như khu vực Cồn Cống (xã Phú Tân) với hệ thống cầu đường phát triển vượt bậc, những chiếc cầu đồ sộ cùng với những cung đường lộng gió, mơ về một thị tứ Cồn Cống hướng ra biển trong tương lai gần.

Tất cả đã tạo nên một diện mạo mới đáng ghi nhận của huyện Tân Phú Đông. Thế nhưng, do điều kiện khó khăn chung, sự đầu tư còn chưa đồng bộ cho nên hiện nay ở một số nơi, việc mở rộng hệ thống thương mại, dịch vụ cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định.

Điển hình như khu chợ ấp Tân Phú, xã Tân Thới, từ lâu vẫn không được đầu tư xây dựng. Tiếng là chợ nhưng nơi đây chỉ có hơn chục cái sạp bày bán trên diện tích chưa đầy 500m2. Hay như chợ ấp Tân Xuân, thuộc xã Tân Phú, cảnh bày bán chưa được nền nếp, những buổi sáng sớm, người mua kẻ bán dựng xe lấn chiếm lòng lề đường tỉnh lộ 877B, rất dễ gây tai nạn giao thông.

Do vậy, nếu được các cấp, các ngành chức năng quan tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tin chắc rằng sự phát triển kinh tế, xã hội ở huyện Tân Phú Đông nhìn từ góc độ đường và chợ sẽ ngày càng khởi sắc hơn nữa.

               HỮU DƯ

.
.
.