Tiến tới MDEC-TG 2012: Nhiều cơ chế nhưng sản phẩm chủ lực vẫn “vướng víu”
Các cơ chế, chính sách liên quan đến các sản phẩm chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như tiêu thụ sản phẩm, tín dụng nông thôn, sản xuất nông nghiệp tốt, đào tạo, tập huấn… đã được ban hành. Song, dường như trên thực tế, hiệu quả của các chính sách này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Có nhiều cơ chế, chính sách quan trọng liên quan đến các sản phẩm chủ lực của ĐBSCL đã đi vào thực hiện nhiều năm. Chẳng hạn, Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm hỗ trợ cho cá nhân, hộ gia đình, các hợp tác xã và tổ hợp tác, doanh nghiệp...
Quyết định 01/2012/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Nghị định 02/2010/NĐ-CP về Khuyến nông và Thông tư liên Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 02/2010/NĐ-CP về Khuyến nông, trong đó có quy định một số chính sách khuyến nông như chính sách đào tạo, tập huấn, truyền nghề; chính sách xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn...
Thế nhưng, trên thực tế bên cạnh những mặt đạt được, các sản phẩm chủ lực của ĐBSCL nói chung và của Tiền Giang nói riêng vẫn còn không ít những khó khăn, tồn tại nhất định.
Chẳng hạn, đối với mặt hàng cá tra xuất khẩu. Những năm gần đây, cá tra gần như trở thành hiện tượng khi tăng trưởng liên tục, là một trong những mặt hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu cao nhất của vùng. Theo Ban Chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra ÐBSCL, tính đến tháng 10, các tỉnh trong vùng đã xuất khẩu được 377.000 tấn cá tra, sang 133 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu đạt được 1,132 tỷ USD.
Tuy nhiên, nghề nuôi cá tra xuất khẩu của ĐBSCL đã bộc lộ rất nhiều bất cập, dẫn đến hiện tượng treo ao ngày càng tăng lên, không ít doanh nghiệp cũng đang đứng bên bờ vực phá sản.
Mặc dù tăng trưởng nhanh những năm gần đây nhưng ngành nuôi cá tra công nghiệp vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và bất cập. |
Nguyên nhân chính của thực trạng này là việc thực hiện liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ chưa thực sự bền chặt. Từ thực tế này, ngay trên địa bàn tỉnh, chủ trương của ngành Nông nghiệp cũng dự định xây dựng mô hình nuôi cá tra công nghiệp ở những vùng nuôi có lợi thế. Trong đó, mô hình nuôi cá tra công nghiệp của HTX Thủy sản Hòa Hưng (Cái Bè) cũng được nhiều kỳ vọng.
Tuy vậy, do bị tắc nhiều khâu, mô hình nuôi cá tra của HTX Thủy sản Hòa Hưng cũng chưa mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, gần đây diện tích nuôi cá tra của HTX liên tục giảm xuống. Một trong những nguyên nhân chính được Ban Chủ nhiệm HTX đề cập nhiều lần là rất khó liên kết với các doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Tại hội nghị về Liên kết 4 nhà - Giải pháp cơ bản góp phần xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, việc liên kết 4 nhà trong tiêu thụ nông sản của tỉnh những năm qua còn khiêm tốn, tỷ lệ tiêu thụ qua hợp đồng còn đạt thấp, từ 2-3% sản lượng lúa, 0,3-1% cây ăn trái.
Việc tổ chức thực hiện liên kết 4 nhà chưa chặt chẽ và bền vững, hiệu quả chưa xứng đáng với tiềm năng, nhu cầu hiện có, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng các doanh nghiệp cũng chỉ mới ký hợp đồng mua bao tiêu sản lượng hàng hóa khiêm tốn từ 1-3% các loại.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Chẳng hạn, khi thu hoạch, mặc dù các doanh nghiệp, tổ hợp tác (THT), HTX và UBND các xã tích cực bám sát địa bàn sản xuất của xã viên và nông hộ, nhưng do những năm gần đây giá các loại nông sản không ổn định và giá cả thị trường thường cao hơn giá sàn của doanh nghiệp, người sản xuất lại có tập quán bán lúa tại ruộng, trái cây tại vườn, vật nuôi tại ao, chuồng vừa nhanh gọn, thuận tiện vừa đảm bảo thời vụ sản xuất và đỡ tốn công phơi, quạt, sấy vận chuyển.
Bên cạnh đó, các THT, HTX ký kết với doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn, kho bảo quản, phương tiện vận chuyển nên việc tổ chức mạng lưới thu mua còn khá khiêm tốn, không ổn định. Mặt khác, phương thức thu mua của doanh nghiệp là mua đứt, bán đoạn không đầu tư kỹ thuật, vật tư đầu vào, giống nên đã hạn chế sự ràng buộc giữa xã viên, nông hộ với doanh nghiệp.
Tập quán sản xuất nhỏ, cá thể của người nông dân chậm thay đổi và khó liên kết; khi có rủi ro giữa doanh nghiệp và THT, HTX, nông dân thiếu hợp tác, chia sẻ. Tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân và ngược lại vẫn tiếp diễn, doanh nghiệp điều chỉnh giá tại thời điểm thu mua chưa kịp thời, phương thức giao nhận chưa linh hoạt, nguyên tắc cùng có lợi chưa được các bên tôn trọng, chưa có biện pháp chế tài đã gây nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện…
Theo phân tích của Sở NN&PTNT, cũng có một số chính sách đặc thù vừa ban hành đã bộc lộ khiếm khuyết, không đi vào cuộc sống. Ví dụ, như Nghị định 41/2010/NĐ-CP về cơ chế tín dụng đối với khu vực nông thôn quy định “hộ nông dân ở khu vực nông thôn” mới được vay vốn. Với khái niệm “nông thôn” là vùng lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị đặt dưới sự quản lý của chính quyền cấp xã.
Trong khi thực tế hiện nay có những hộ nông dân sống ở thị tứ, thị trấn nhưng vẫn làm nông nghiệp, nên nhóm đối tượng này không được vay vốn. Hay các tổ chức nông nghiệp, các chủ trang trại, hộ nông dân muốn vay vốn ngân hàng theo Nghị định 41 phải chứng minh năng lực tài chính, phải có hiệu quả sản xuất năm sau cao hơn năm trước.
Hoặc Nghị định nêu nông dân vay vốn không phải thế chấp tài sản nhưng lại phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất (sổ đỏ) cho ngân hàng. Quy định như vậy khác gì đánh đố, không cho nông dân vay vốn. Nghị định 61 về ưu đãi đầu tư vào khu vực nông thôn nêu lên hàng loạt các chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn như miễn giảm tiền sử dụng đất, ưu đãi trong cho thuê đất, thuê mặt nước, thuế, tín dụng…
Nhưng tất cả những ưu đãi đó không bù đắp được những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi đầu tư vào nông thôn (hạ tầng thấp kém, điện thiếu triền miên, nước sạch không đủ…). Ưu đãi chưa thỏa đáng nên không tạo được sự hấp dẫn, kết quả là rất ít doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn.
Bên cạnh đó, việc tổ chức, cá nhân tiếp cận với các chính sách hỗ trợ máy móc sau thu hoạch theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg; Quyết định 65/2011/QĐ-TTg; Quyết định 57/2010/QĐ-TTg về miễn tiền thuê đất đối với các dự án xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, kho lạnh bảo quản thủy sản, rau quả theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ còn chậm hoặc không thực hiện được.
Do lãi suất vay cao, người vay không có tài sản thế chấp, nhất là quy định người sử dụng phải mua máy có tỷ lệ nội địa hóa trên 60%, nhưng các loại máy này tính năng sử dụng không hiệu quả bằng các loại máy nhập ngoại; hay địa phương không có nguồn lực tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho chứa lúa, kho lạnh bảo quản thủy sản, rau quả theo quy hoạch…
Từ thực tế về những tồn tại, bất cập hiện nay, hội thảo về cơ chế, chính sách đặc thù đối với các mặt hàng chủ lực của ĐBSCL như lúa, trái cây, thủy sản… diễn ra vào ngày 7-12 trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL do Tiền Giang đăng cai tổ chức (MDEC-Tiền Giang 2012) được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều điểm mới đối với các sản phẩm chủ lực của toàn vùng ĐBSCL.
THẾ ANH