Thứ Tư, 14/11/2012, 08:36 (GMT+7)
.

Tiến tới MDEC- Tiền Giang 2012: Nguyên nhân & giải pháp thu hút đầu tư

Với một vị trí khá thuận lợi, cùng với môi trường đầu tư đã và đang không ngừng được quan tâm cải thiện, Tiền Giang có nhiều thuận lợi trong việc thu hút đầu tư cũng như phát triển về thương mại, dịch vụ.

Tuy nhiên, nhìn chung tình hình thu hút đầu tư, cùng tốc độ phát triển vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế và quyết tâm của tỉnh. Đánh giá nguyên nhân, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này cũng là một nội dung sẽ được “ mổ xẻ” tại Hội nghị xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ MDEC - Tiền Giang 2012.

Khu Công nghiệp Tân Hương dủ nỗ lực kêu gọi đấu tư vẫn chưa lấp đầy.
Khu Công nghiệp Tân Hương dù nỗ lực kêu gọi đầu tư vẫn chưa lấp đầy.

NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG HẠN CHẾ

Theo đánh giá của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Tiền Giang thì một trong những nguyên nhân làm hạn chế việc thu hút đầu tư là đa số các dự án lớn trong danh mục mời gọi đầu tư của tỉnh trong thời gian qua chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 được duyệt. Vì thế, các nhà đầu tư phải nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết 1/2000 trình duyệt trước khi lập quy hoạch 1/500 và lập dự án đầu tư. Điều này kéo dài thời gian lập thủ tục đầu tư, gây nản lòng các nhà đầu tư.

Kế đến việc các hộ dân tại khu vực giải tỏa thực hiện dự án (KCN Long Giang) cản trở đơn vị thi công, gây không ít khó khăn cho chủ đầu tư hạ tầng cũng như cơ quan quản lý trong việc tiếp xúc mời gọi đầu tư.

Mặt khác theo phản ánh của các nhà đầu tư, việc giải quyết vấn đề đất đai cho các dự án nằm ngoài KCN có quy mô lớn thực hiện còn chậm. Công tác lập, trình duyệt và thực hiện phương án bồi thường mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án của chủ đầu tư. Việc xác định tiền sử dụng đất, giá cho thuê đất đối với các khu vực dự án còn chậm.

Ngoài ra, việc quy hoạch các cơ sở xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh hiện chưa rõ ràng, nên chưa có cơ sở xem xét về chủ trương đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài còn hạn chế về nghiệp vụ. Bộ phận làm công tác xúc tiến đầu tư còn yếu, một phần do chưa tiếp cận nhiều với các hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn về nghiệp vụ xúc tiến đầu tư, một phần do đa số còn mới đối với công tác này, nên chưa có kinh nghiệm, thiếu tính chuyên nghiệp.

Theo Quyết định 980 ngày 8-4-2011 của UBND tỉnh Tiền Giang khi thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch thì Trung tâm không có chức năng tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang tại Thông báo 303 ngày 7-12-2011 thì trung tâm là đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ đề xuất đầu tư, hướng dẫn nhà đầu tư các thủ tục cần thiết để trình Tổ liên ngành xem xét, đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư.

Trong khi đó, theo Điều 40 Nghị định 108/2006 của Chính phủ thì Sở KH-ĐT là đơn vị tiếp nhận hồ sơ dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư ngoài KCN, khu kinh tế trên địa bàn. Điều này dẫn đến có hai cơ quan trên địa bàn tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư, gây chồng chéo  trái thẩm quyền và quy định của pháp luật, gây khó khăn cho cả hai đơn vị.

Sản xuất giầy thể thao tại KCN Tân Hương.
Sản xuất giày thể thao tại KCN Tân Hương.

GIẢI PHÁP ĐỂ THU HÚT ĐẦU TƯ

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Tiền Giang, để tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp. Trước tiên là đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục; hoàn thiện quy chế phối hợp liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, không những xác định cơ quan đầu mối trong xúc tiến đầu tư cấp tỉnh mà phải xác định cả cơ quan đầu mối ở cấp huyện; đồng thời, để hoạt động của Tổ Liên ngành có kết quả cao hơn, đề nghị thành lập Nhóm chuyên viên giúp việc Tổ Liên ngành gồm chuyên viên của các sở, ngành thường xuyên tham gia họp Tổ Liên ngành như: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Giao thông - Vận tải, Thông tin - Truyền thông, Công thương, Văn phòng UBND tỉnh và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh.

Kế đến, cần nghiên cứu vận dụng, ban hành quy định khuyến khích ưu đãi đầu tư có sức hấp dẫn hơn; nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, môi trường.

Bên cạnh đó, cần phải tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng -  nhất là giao thông, tạo điều kiện hạ giá thành chi phí vận chuyển và tiết kiệm thời gian đi lại của nhà đầu tư.

Trong 9 tháng năm 2012, Tiền Giang đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 15 dự án với tổng vốn đầu tư 3.624 tỷ đồng. Trong đó, có 4 dự án trong KCN với tổng vốn đầu tư 3.263 tỷ đồng và 11 dự án ngoài KCN.

Nhìn chung, tình hình thu hút đầu tư năm 2012 còn thấp cả về số lượng dự án và tổng vốn đầu tư. So với cùng kỳ năm 2011 thì số dự án chỉ bằng 64% và tổng vốn đầu tư chỉ bằng 43%.

Nghiên cứu, kiện toàn Trung tâm phát triển Quỹ đất của tỉnh và các Trung tâm Phát triển Quỹ đất ở các huyện, thị, thành; đồng thời huy động các nguồn vốn, nhất là các nguồn vốn có liên quan đến đất để thực hiện bồi thường, giải tỏa, từng bước tạo quỹ đất phục vụ thu hút đầu tư phát triển kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu về đất cho các nhà đầu tư.

Để công tác giải tỏa, bồi thường được thuận lợi, ngoài việc kịp thời công bố quy hoạch, chủ trương của Nhà nước, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đi đôi với vận động, thuyết phục người dân; đồng thời phải kết hợp hài hòa giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, giữa lợi ích kinh tế của nhà đầu tư và Nhà nước với lợi ích của người dân bị thu hồi đất, đảm bảo công tác bồi thường, giải tỏa được thuận lợi, đáp ứng tốt nhu cầu mặt bằng cho nhà đầu tư theo đúng tiến độ cam kết.

Trong nhóm giải pháp về xúc tiến đầu tư, cần tập trung nghiên cứu, biên soạn, nâng cao chất lượng các tài liệu tuyên truyền xúc tiến đầu tư nhằm tạo sức hấp dẫn ban đầu của các nhà đầu tư; đặc biệt là thông tin chi tiết về tỉnh, ngành, dự án, hạ tầng, chi phí, đất đai, lao động, quy hoạch…

Xây dựng lại danh mục dự án mời gọi đầu tư của tỉnh theo hướng tinh gọn, thông tin cụ thể, các dự án đầu tư phải có tính khả thi cao, đáp ứng nhu cầu của tỉnh và nhà đầu tư. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng lập báo cáo nghiên cứu khả thi một số dự án trọng tâm phục vụ cho công tác xúc tiến đầu tư trên cơ sở danh mục dự án mời gọi đầu tư được duyệt.

Xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư cụ thể với các dự án cụ thể và thông tin cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; đặc biệt, cần phối hợp với các tổ chức xúc tiến đầu tư của các tỉnh, thành phố trong khu vực và các bộ, ngành Trung ương để nâng cao hiệu quả của hoạt động xúc tiến, kể cả trong và ngoài nước.

DUY SƠN

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư trong Diễn đàn MDEC - Tiền Giang có 10 dự án mời gọi đầu tư gồm: Đường vào KCN đông nam Tân Phước, vốn đầu tư dự kiến 985 tỷ đồng, hình thức đầu tư BT; Đường tỉnh 871B (đường vào Khu kinh tế Gò Công), vốn đầu tư 830 tỷ đồng, hình thức đầu tư BT; Khu hành chính tỉnh Tiền Giang, vốn đầu tư 320 tỷ đồng tại ấp Long Hòa A, xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, hình thức đầu tư BT;. Quảng trường Trung tâm tỉnh Tiền Giang, vốn đầu tư 250 tỷ đồng, hình thức đầu tư BOT.

Các dự án đầu tư trực tiếp trong hoặc ngoài nước có Cảng cá Vàm Láng, 120 tỷ đồng; Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống nông ngư nghiệp, 50 tỷ đồng; Phát triển công nghệ nuôi cấy mô trên rau màu, cây ăn trái, 40 tỷ đồng; Nhà máy chế biến dầu ăn từ cám (CCN An Thạnh 2) 140 tỷ đồng; Nhà máy chế biến bột gạo, tinh bột gạo (CCN An Thạnh 2) 100 tỷ đồng; Nhà máy chế biến thiết bị, máy móc phục vụ nông nghiệp (CCN An Thạnh 2) 400 tỷ đồng.

 

.
.
.