Thứ Bảy, 17/11/2012, 06:17 (GMT+7)
.
Tiến tới MDEC - Tiền Giang 2012:

Thấy cơ hội lại thiếu thực hiện trong liên kết phát triển nông nghiệp ĐBSCL

Thiên thời - địa lợi - nhân hòa đã làm nên một vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trù phú về lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản. Sự nỗ lực của nông dân, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong chuyển giao khoa học kỹ thuật đã mang lại hiệu quả đáng kể.

Nhưng có một thực trạng kéo dài dai dẳng là đầu ra sản phẩm quá bấp bênh. Nguyên nhân được nói đến nhiều nhưng chưa làm được chính là sự liên kết…

Mạnh ai nấy làm

Sản xuất lương thực của ĐBSCL chiếm 50% sản lượng lương thực và chiếm trên 90% sản lượng xuất khẩu của cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, đưa sản lượng xuất khẩu gạo Việt Nam đứng đầu thế giới.

Được các cấp chính quyền chú trọng đầu tư, song hạt gạo trong vùng nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn còn nhiều bất cập, giá luôn thấp hơn gạo Thái Lan, đời sống của nông dân trồng lúa vẫn còn nghèo.

ĐBSCL còn được mệnh danh “vương quốc” trái cây, chiếm 70% sản lượng trái cây cả nước. Trong đó có nhiều trái ngon, đặc sản có lợi thế cạnh tranh, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng như: vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, sầu riêng, nhãn tiêu…

Những năm qua, cây ăn trái của vùng phát triển nhanh về diện tích và năng suất. Cùng theo đó, mỗi địa phương chọn cho mình những cây trồng đặc sản, chủ lực để tập trung đầu tư phát triển, xây dựng thương hiệu, tổ chức mô hình sản xuất theo GAP.

Kết quả những nỗ lực đó rất đáng ghi nhận khi nhiều mô hình đã được chứng nhận, nhiều thương hiệu trái cây đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Thế nhưng, khâu quan trọng và quyết định đến sự thành bại, tính bền vững của mô hình là giá cả, đầu ra sản phẩm đang rất bế tắc.

Nhiều mô hình sau thời gian được chứng nhận GAP phải đối mặt nguy cơ tan rã. Cụ thể, Hợp tác xã (HTX) vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) là một trong những nơi triển khai mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đầu tiên trong khu vực, sau 5 năm mô hình đang có nguy cơ tan rã; HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long), người dân đã “quay lưng” khi sản phẩm này được công nhận GAP không bao lâu.

Tương tự, thủy sản vùng chiếm 50% sản lượng của cả nước, trong đó nổi bật nhất là con tôm và con cá tra lại đang giậm chân tại chỗ, loay hoay tìm lời giải đầu ra. Đặc biệt, con cá tra đang chiếm ưu thế trên thị trường quốc tế, thế nhưng xuất khẩu vẫn rất bấp bênh, giá cả khi trồi khi sụt.

Nguyên nhân của thực trạng này, các chuyên gia trong ngành Nông nghiệp cho rằng, bắt nguồn từ cái cách mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết vùng. Mỗi địa phương làm một kiểu, phát triển những sản phẩm được cho là lợi thế theo cách của mình; dù rằng thế mạnh đó không chỉ có ở một địa phương mà là khu vực, vùng. Liên kết “4 nhà” lỏng lẻo và nhiều nguyên nhân cơ bản, nhất thời...

Nuôi tôm phát triển mạnh ở các tỉnh ven biển ĐBSCL.
Nuôi tôm phát triển mạnh ở các tỉnh ven biển ĐBSCL.

Liên kết: Không thể chần chừ mãi

Chính đặc điểm tự nhiên về khí hậu, đất đai, nước… tương đồng nhau, nên nhiều địa phương trong vùng cùng thế mạnh về một số loại, giống cây trồng. Cụ thể, lúa tỉnh nào cũng trồng; thanh long được trồng nhiều ở Tiền Giang và Long An; chôm Java có ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long; sầu riêng ở Tiền Giang, Bến Tre; bưởi Năm Roi thích hợp trồng trên vùng đất Vĩnh Long, Sóc Trăng; nhãn tiêu da bò ở Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre; xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu cũng là cây có lợi thế phát triển của nhiều tỉnh, thành; cá bè phát triển mạnh ở Đồng Tháp, An Giang và Tiền Giang…

Cùng thế mạnh như nhau, nhưng lâu nay mỗi tỉnh, thành tự tổ chức mô hình, chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu… cho sản phẩm của riêng địa phương mình. Chính cách làm này là một trong những nguyên nhân dẫn đến lợi thế nông nghiệp ở ĐBSCL không được phát huy đúng mức, phát triển không bền vững, nhiều rủi ro.

Chiều ngày 14-11-2012, Thường trực Ban Chỉ đạo và Ban Thư ký MDEC - Tiền Giang 2012 có buổi trao đổi, thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang về nội dung tuyên truyền, chương trình kịch bản truyền hình trực tiếp đêm khai mạc diễn đàn.

Theo Tiểu ban Lễ tân - tuyên truyền, Tổ chức sự kiện - hậu cần của Ban tổ chức, công tác chuẩn bị cho diễn đàn đã cơ bản hoàn tất. Đến nay, về Hội chợ triển lãm đã có 442 gian hàng đăng ký, trong đó có 84 gian của các Bộ, ngành Trung ương, 37 gian hàng trái cây tươi, 15 gian hàng của công ty nước ngoài.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Tư vấn phát triển cũng báo cáo nhanh công tác chuẩn bị cho Diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL năm 2012 và Hội thảo tham vấn kế hoạch châu thổ ĐBSCL trên tinh thần hợp tác thống nhất một số vấn đề cho diễn đàn thành công tốt đẹp.

Thường trực Ban Chỉ đạo đã đánh giá cao những nỗ lực của đơn vị đăng cai, trong việc phối hợp thực hiện các nội dung tổ chức, tuyên truyền và hậu cần cho diễn đàn.

Theo Ban tổ chức, dự kiến đêm khai mạc sẽ có chương trình văn nghệ đặc sắc và đốt pháo hoa nghệ thuật.

D.S

Giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, bên cạnh chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất, cần tạo liên kết vùng, liên kết “4 nhà” và mỗi nhà cần được “phân vai” cụ thể.

Có như thế cây lúa mới phát triển bền vững. Còn theo Viện Cây ăn quả miền Nam, để khắc phục tình trạng nêu trên, trước hết các địa phương trong khu vực phải ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng quy hoạch sản xuất trái cây tập trung theo hướng bền vững.

Mỗi địa phương tùy điều kiện đất đai để lựa chọn phát triển một vài loại cây đặc sản chủ lực; các địa phương cũng cần liên kết phát triển cây chủ lực liên tỉnh, vùng tạo sản phẩm hàng hóa gắn với thị trường, xây dựng thương hiệu; khuyến khích, hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu dùng; đồng thời cần có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi, giá cây giống, tập huấn kỹ thuật canh tác, tạo đầu ra ổn định và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Để nâng cao chất lượng, giá trị cây ăn trái ÐBSCL, nhất thiết “4 nhà” phải cùng chung sức tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm phát triển ngành cây ăn trái theo chuỗi giá trị gia tăng, gắn kết chặt chẽ và làm tốt các khâu sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ.

Kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ việc liên kết GAP, tạo hướng đi mới với một chiến lược cụ thể và đúng với nhu cầu thị trường nhằm đưa trái cây Việt Nam nói chung, trái cây khu vực ÐBSCL nói riêng hội nhập thương trường quốc tế.

“Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã chọn trái thanh long và bưởi là sản phẩm quốc gia để tập trung đột phát. Trước mắt, để khai thác lợi thế thanh long, Tiền Giang cần liên kết với Long An để cùng phát triển” - TS. Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam nói.

Đã cách nay trên 5 năm, tại hội nghị Khoa học và Công nghệ khu vực ĐBSCL, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ của một tỉnh trong vùng ĐBSCL đề xuất liên kết phát triển, xây dựng thương hiệu cho vùng nuôi cá bè chung Đồng Tháp, An Giang và Tiền Giang.

Thế nhưng đến nay, chuyện đề xuất vẫn đi vào im lặng. Tại Diễn đàn MDEC- Tiền Giang 2012, chúng ta lại hy vọng khi những vấn đề liên kết vùng, liên kết “4 nhà” được tiếp tục đưa ra bàn bạc. Mong rằng sau diễn đàn, ngành chức năng sẽ tổ chức và thực hiện, chứ không thể chần chừ như những năm qua.

S.NGUYÊN - N.VĂN

.
.
.