Thu hút đầu tư ĐBSCL: Không thể mỗi tỉnh, thành mỗi kiểu
ĐBSCL chiếm giữ vị trí địa lý, kinh tế trọng yếu trong vùng biển, vùng biên giới và trong tiểu vùng sông Mê Kông. ĐBSCL là vùng châu thổ rộng lớn nhất ở Đông Nam Á và trên thế giới, có diện tích khoảng 4 triệu ha, với 18 triệu người.
ĐBSCL có bờ biển dài 700 km và vùng đặc quyền kinh tế biển khoảng 360.000 km2, nằm ở hạ lưu sông Tiền và sông Hậu tạo thành mạng lưới sông ngòi chằng chịt. Với lợi thế như vậy, ĐBSCL là vùng nông nghiệp lớn nhất cả nước, cung cấp 50% sản lượng lúa, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước…
Thế nhưng, các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, ĐBSCL còn là “vùng trũng” trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thu hút đầu tư.
Đầu tư hạ tầng giao thông mang ý nghĩa quan trọng cho ĐBSCL. |
Theo TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào vùng ĐBSCL những năm qua còn ở mức khá khiêm tốn. Chẳng hạn năm 2010, tổng số dự án FDI đăng ký đầu tư vào vùng ĐBSCL là 98 dự án, bằng 9,2% so với cả nước.
Tính chung từ năm 1988 đến năm 2010, tổng số dự án đầu tư FDI còn hiệu lực là 565 dự án, với vốn đầu tư 9,44 tỷ USD, chỉ bằng 4,9% FDI cả nước; trong đó, 1/3 tập trung ở Long An, 1/3 ở Phú Quốc (Kiên Giang), số dự án còn lại nằm rải rác ở các tỉnh, thành khác. Thế nhưng, năm 2011 tình hình thu hút dự án FDI còn kém hơn năm 2010, toàn vùng chỉ có 96 dự án, với 400 triệu USD vốn đăng ký, bằng 3,5% so với tổng FDI của cả nước.
Thực tế được đưa ra là, nếu có được chiến lược tổng thể, hay ít nhất cũng có sự phối hợp với nhau trong toàn vùng để phát triển thì các khu, cụm công nghiệp sẽ không dàn hàng ngang tiến lên và giành giật nhau từng nhà đầu tư.
Dễ nhận biết tất cả các khu công nghiệp trong vùng đều là những khu đa năng, cùng kêu gọi các dự án đầu tư mà loại hình đầu tư đều giống nhau. Đó là may mặc, chế biến nông - thủy sản, thức ăn gia súc, chế tạo máy móc nông nghiệp…
Nếu tính trung bình mỗi tỉnh có 3 khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp thì cả vùng có 40 khu công nghiệp và 150 cụm công nghiệp đều có cách làm giống nhau. Ngay cả trong cùng một tỉnh với dân số chỉ trên 1,5 triệu dân, các khu, cụm công nghiệp cũng đều có cách kêu gọi các dự án giống nhau, xen cạnh nhau.
Trên bình diện tổng thể, đó là sự lãng phí trong phân bố các nguồn lực từ nguồn vốn đầu tư đến lao động; tạo ra những nhóm lao động giản đơn giống nhau ở tất cả các tỉnh và thiếu hụt lao động cũng giống như nhau.
Các chuyên gia nhận định rằng, với vị trí thuận lợi, ĐBSCL nên nhanh chóng gỡ nút “thắt cổ chai” thông qua việc cải thiện hạ tầng giao thông; các tỉnh cạnh tranh theo hướng hợp tác, tránh đầu tư lặp đi lặp lại; định vị ĐBSCL phải trong bức tranh chung của khu vực Đông Nam Á và thế giới… Theo đó, Các tỉnh, thành ĐBSCL cần nhanh chóng hoàn thành các dự án đã được Trung ương đề ra cho giai đoạn 2011-2015.
Về đường bộ, xây dựng cầu Cổ Chiên, Cao Lãnh, Vàm Cống, Mỹ Lợi; đường hành lang ven biển phía Nam; tuyến cao tốc Trung Lương – Cần Thơ; nâng cấp Quốc lộ 60… Về đường sông, nâng cấp tuyến kinh Chợ Gạo; nâng cấp tuyến vận tải sông Hàm Luông; tuyến kinh Mương Khai – Đốc Phủ Hiền…
Về hàng hải có dự án nạo vét luồng tàu trọng tải 5.000 – 10.000 DWT qua cửa An Định vào sông Hậu. Về hàng không sẽ hoàn thành nâng cấp cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; cảng hàng không quốc tế Phú Quốc…
Từ bức tranh chung của ĐBSCL và chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo, các tỉnh, thành cũng cần lựa chọn hướng phát triển và thu hút đầu tư phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Theo khuyến nghị của các chuyên gia, tới đây ĐBSCL cần phát triển theo 4 khu vực địa lý có ưu thế.
Khu tiếp cận Sài Gòn, trung tâm kinh tế năng động nhất của cả nước, gồm Tiền Giang và Long An nên bắt đúng thời cơ trong các kế hoạch phát triển lớn của vùng. Đặc biệt hơn là vùng Gò Công chỉ cách cụm Công nghiệp Hiệp Phước với con sông Soài Rạp dưới 4 km.
Khu kinh tế ven biển và trên biển bao gồm các tỉnh như: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… cần được tập trung đầu tư khai thác hàng hải, thủy sản, du lịch biển, khai thác dầu khí trên biển và lục địa ĐBSCL; phát triển nhanh hơn cụm công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau liên hiệp với đô thị hóa, du lịch.
Tập trung khai thác khu kinh tế cửa khẩu của các tỉnh có chung biên giới với Camphuchia. ĐBSCL cũng cần tập trung khai thác vùng nội địa như: Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, vùng U minh, vùng giữa sông Tiền và sông Hậu…
Phát biểu tại hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển vùng ĐBSCL nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành tựu ĐBSCL diễn ra ngày 27-4 tại TP. Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã đề nghị các bộ, ngành cần nghiên cứu cơ chế, chính sách để phát huy và khai thác lợi thế của ĐBSCL.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, liên kết giữa các tỉnh trong vùng và với cả nước là yêu cầu quan trọng trong điều kiện hội nhập kinh tế hiện nay. Liên kết nhưng không triệt tiêu lợi ích và lợi thế của nhau, đồng thời cần có cơ chế phân bổ lại nguồn lợi và lợi ích các tỉnh, thành trong vùng…
THẾ ANH