Cây sa pô lên ngôi
Châu Thành có 12.000 ha vườn trồng cây ăn trái, trong đó có 1.600 ha cây sapô, còn lại là cây trồng khác. Trong đó 2 xã Kim Sơn và Phú Phong có diện tích lớn trồng công ăn trái. Đối với cây sa pô, 3 năm trở lại đây lại lên ngôi, giúp cho nông dân có thu nhập ổn định, nhiều hộ đã vươn lên khá - giàu.
Anh Đặng Hữu Toàn phấn khởi bên vườn sapô bội thu. |
Anh Đặng Hữu Toàn ở ấp Phú Hòa, xã Phú Phong có 7 công đất, trước kia trồng cây nhãn tiêu Huế và vú sữa Lò Rèn, đến năm 1987 anh đốn nhãn trồng cây sapô (3.000m2). Một số cây vú sữa Lò rèn lão hóa, anh trồng lại vú sữa tím (2.000m2). Đến nay thì tất cả đều cho trái ổn định.
Anh Toàn phấn khởi so sánh: Dù trồng sapô cực hơn cây vú sữa, nhưng nói về hiệu quả kinh tế, có lẽ cây vú sữa không thắng cây sapô. Bởi giá trái sapô hiện thời điểm này loại hàng cơi (3-4 trái/kg), giá từ 17.000 - 18.000 đồng/kg, còn bán sô thì giá từ 12.000-13.000 đồng/kg.
Lợi thế của cây sapô là từ 20 ngày hoặc 1 tháng hái 1 lần (tùy sự phát triển và độ sung của cây) còn vú sữa thì 1 năm chỉ có một mùa. Thu nhập 1 công đất trồng sapô từ 45 - 50 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí còn lãi trên dưới 30 triệu đồng.
Như vậy 7 công đất trồng vú sữa và sapô cho thu nhập gần 200 triệu/năm. Chính cây trái này đã mang lại vinh dự và niềm vui, bởi mới đây trái sapô của anh đoạt giải 3 trong Hội thi Trái cây ngon và an toàn của tỉnh.
Anh Toàn không ngần ngại nói về bí quyết: Trồng cây thì phải bón phân, nhưng anh hạn chế phân hóa học, mà sử dụng nhiều phân hữu cơ; vừa phân vi sinh, vừa phân chuồng ủ hoai, hàng năm anh bón 5 tấn phân chuồng ủ hoai (phân heo).
Nhờ theo học khóa dạy cách trồng sapô, nên anh rất thông thạo về kỹ thuật tĩa cành và chăm sóc đúng quy trình, nên vườn cây của anh luôn phát triển xanh tốt, và chính nhờ sử dụng nhiều phân hữu cơ, giàu dinh dưỡng nên cây cho nhiều trái to.
Hay như anh Võ Văn Nhứt, ngụ ấp Phú Thạnh có 5.000m2 đất, năm 1995 anh bắt đầu trồng chuyên canh, vừa trồng vừa học hỏi kinh nghiệm của người đi trước và dự nhiều lớp dạy nghề nông thôn chuyển giao kỹ thuật trồng sapô, giúp anh có nhiều kinh nghiệm để ứng dụng trên mảnh vườn của mình, mà hiệu quả đã mang lại giúp kinh tế gia đình ngày càng khá lên.
Anh chia sẻ: Ở đây nếu nói về cây sapô thì khỏi “chê”, trong ba năm trở lại đây, trái sapô luôn có giá và không phải lo hái trái rồi phải rửa, phải vú, tất cả thương lái đều lo hết, mình chỉ mỗi công chăm sóc, bón phân, phun thuốc ngừa bệnh, trái nhiều, trái to là được…
Anh cũng thật tình cho biết, nếu 5.000m2 đất của anh không trồng sapô mà trồng loại khác thì giờ này cái nghèo chắc chắn đeo mãi. Với giá sapô như hiện nay thì 5 công sapô lợi nhuận cầm chắc cũng trên 150 triệu/năm.
Rời Phú Phong, chúng tôi về xã Kim Sơn, là xã có diện tích trồng sapô nhiều nhất trong huyện. Vào ấp Hội, nhìn vườn sapô nối liền nhau san sát, một màu xanh trải rộng mênh mông, trái oằn cây là đà gần sát đất.
Trong số này có hơn 6 công sapô của bà Trần Thị Bảy, bà được công nhận danh hiệu NDSX giỏi nhiều năm liền cấp tỉnh. Bà nói như khoe: Đến mùa sapô nếu giá cả ổn định thế này thì bà con trồng sapô chúng tôi “ trúng lớn”.
Trên đà phát triển kinh tế vườn, đặc biệt là sự vượt trội của cây sapô, Hội Làm vườn huyện đã điều tra xong diện tích trồng cây sapô trên địa bàn 6 xã, gồm: Kim Sơn, Phú Phong, Bàn Long, Song Thuận, Vĩnh Kim và Đông Hòa để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất, góp phần làm giàu cho gia đình và xã hội từ cây chủ lực này.
ANH TUẤN