Chính phủ sẽ ra nghị quyết cứu bất động sản
Ngày 18-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đến TP. Hồ Chí Minh làm việc về thị trường bất động sản và nợ xấu, trước khi có buổi làm việc tương tự tại Hà Nội vào ngày 19-12.
Những thông tin cập nhật về thực trạng thị trường TP. Hồ Chí Minh đã được lãnh đạo thành phố báo cáo đoàn công tác trong phiên họp, cho thấy cần có giải pháp triệt để, khẩn trương nhằm tháo gỡ khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh sáng 18-12. Ảnh: Nhật Bắc |
Trước thực trạng tại TP. Hồ Chí Minh cũng như nhiều thành phố lớn khác, thị trường bất động sản phát triển tự phát, thiếu quy hoạch; phát triển quá nóng, đầu tư theo phong trào, tâm lý đám đông... gây nên tình trạng trầm lắng, đóng băng, Thủ tướng nhấn mạnh, cần xem xét lại công tác quy hoạch.
Bởi theo Thủ tướng, TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các địa phương nói chung, công tác quy hoạch là một trong những bất cập lớn, điểm yếu nhất hiện nay. Yêu cầu đặt ra là phải có chiến lược, định hướng cụ thể trong công tác quy hoạch và phát triển thị trường bất động sản, cùng với đó là rà soát lại các quy định về kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu TP. Hồ Chí Minh dừng các dự án chưa giải phóng mặt bằng và không phù hợp quy hoạch, không phù hợp với nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương. Đồng thời, tập trung cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, hạ giá thành sản phẩm, cung cấp sản phẩm trực tiếp đến khách hàng có nhu cầu thực, tránh qua trung gian, đầu cơ.
Các ngân hàng thương mại được yêu cầu tập trung xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản theo hướng cơ cấu lại nợ, thiết lập quỹ dự phòng rủi ro cũng như nghiên cứu xây dựng các cơ chế tài chính để hỗ trợ thị trường.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng kiến nghị Thủ tướng 6 giải pháp chung để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Giải pháp được Bộ trưởng nhấn mạnh là điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu. Ông đề nghị đẩy nhanh hơn nữa công tác rà soát các dự án, kiên quyết dừng các dự án không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch của địa phương.
Ông cho biết Bộ Xây dựng đã góp ý với Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó quan tâm đến nhóm giải pháp xử lý hàng tồn kho và kích thích thị trường bất động sản, ưu tiên xử lý nợ xấu có bảo lãnh bằng bất động sản...
Đối với các doanh nghiệp vay để đầu tư nhà ở xã hội, Bộ đề nghị cho phép khoanh nợ cũ, tiếp tục cho vay và kiểm soát chặt chẽ khoản vay mới. Bộ cũng đề xuất có gói tín dụng dành riêng cho người mua nhà xã hội và nhà thương mại có diện tích nhỏ, giá bình dân, trong đó quy định các ngân hàng thương mại phải dành tối thiểu 3% tổng dư nợ tín dụng để cho các đối tượng này vay.
Lãi suất cho vay phải phù hợp và bằng khoảng hai phần ba lãi suất huy động tiết kiệm (khoảng 5,6%), phần chênh lệch lãi suất đề nghị Chính phủ hỗ trợ bằng cách cho vay tái cấp vốn bằng khoảng một phần ba dư nợ tín dụng mà ngân hàng thương mại đã cho người dân vay.
Riêng nhóm giải pháp về chính sách tài khóa và thuế, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ trình với Quốc hội cho phép thực hiện miễn, giảm thuế đối với một số loại hình bất động sản...
Đồng tình với quan điểm nêu trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ vốn và dành ưu tiên số một cho các hộ có nhu cầu thực sự về nhà ở.
Trong quý I, II năm 2013, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung mạnh vào chỉ đạo các ngân hàng thương mại xử lý nợ xấu về bất động sản đồng thời đề nghị các Bộ, ngành hữu quan, các địa phương quan tâm, tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm không để nợ xấu trong lĩnh vực này gia tăng, phát sinh trong thời gian tới.
(Theo vnexpress)