Thứ Tư, 05/12/2012, 17:24 (GMT+7)
.

GlobalGAP, VietGAP: Xin đừng nói hay mà hãy làm hay

“Không khởi đầu thì không bao giờ có sự thay đổi”- PGS.TS Võ Thị Thanh Lộc (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL - Đại học Cần Thơ) đã khẳng định như thế khi đề cập đến xây dựng, phát triển nông sản theo chất lượng và bền vững.

Nói rõ, chúng ta không phủ nhận nền nông nghiệp phải đi theo hướng này. Bởi không triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp mang yếu tố bền vững thì làm gì có sản phẩm chất lượng, an toàn để xuất khẩu hay cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Nếu không có nông sản chất lượng, làm gì có nền nông nghiệp bền vững. Mà không bền vững thì chuyện bấp bênh là lẽ đương nhiên. Nhưng nhiều lúc đã khởi đầu, thậm chí khởi đầu rất lâu nhưng sự thay đổi chờ mãi không thấy đâu.

Mô hình vú sữa Lò Rèn sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP của Hợp tác xã vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đạt chứng nhận đầu tiên ở ĐBSCL hiện không có kinh phí tái chứng nhận (ảnh: Thu mua vú sữa tại nhà đóng gói của HTX).
Mô hình vú sữa Lò Rèn sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP của Hợp tác xã vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đạt chứng nhận đầu tiên ở ĐBSCL hiện không có kinh phí tái chứng nhận. (Ảnh: Thu mua vú sữa tại nhà đóng gói của HTX)

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, địa phương nào ở ĐBSCL cũng xây dựng mô hình GlobalGAP, VietGAP, an toàn. Nhiều mô hình trong số đó đã được chứng nhận nhưng rồi bị “chết”, nông dân “đua nhau” xin ra khỏi mô hình.

Điển hình nhất, mô hình GlobalGAP của Hợp tác xã vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang) đạt chứng nhận GlobalGAP đầu tiên ở khu vực, khi đó ai cũng vui mừng, phấn khởi, tán dương và kỳ vọng viễn cảnh xán lạn cho một loại trái cây  đặc sản của Tiền Giang. Để rồi chưa đầy 5 năm sau mô hình đã “tan đàn xẻ nghé”.

Hay mô hình lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của Hợp tác xã Mỹ Thành (Mỹ Thành Nam, Cai Lậy), được xem là mô hình kiểu mẫu của khu vực và cả nước nhưng giờ cũng đang bên bờ vực thẳm. Và nhiều mô hình chứng nhận khác nếu không “chết” thì cũng đang đối mặt với nguy cơ tan rã hay sống vật vờ.

Từ khi các mô hình sản xuất GAP nổi lên, nhiều hội nghị cấp tỉnh, tầm khu vực bàn về việc xây dựng nền nông nghiệp chất lượng và bền vững; nhiều giải pháp đã được đưa ra trong báo cáo tham luận của họ. Các tỉnh, thành cũng đưa ra những con số xây dựng mô hình phát triển GAP, an toàn, bền vững, chất lượng cao rất ấn tượng, với diện tích quy hoạch lên đến cả ngàn ha. Nhưng rồi, “sáng kiến” hay đề tài hoành tráng của họ vẫn nằm trên giấy, có thực hiện cũng chẳng thành công.

GS-TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo cho rằng: Nông nghiệp bền vững là chúng ta cần chọn một biện pháp sản xuất để cây trồng, vật nuôi mỗi năm đều lãi, chất lượng nguồn nước và đất đai hàng năm vẫn được duy trì tốt để thế hệ con cháu chúng ta tiếp tục hưởng cái lợi từ đất và môi trường nước, chứ không phải chúng ta chỉ khai thác trong vài năm rồi đất đai trở nên cằn cỗi và môi trường nước bị hủy hoại.

Thứ hai là mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm khi mà chúng ta sản xuất thì tiền lời cứ tăng mãi, chứ không phải chỉ thu lợi một thời gian vài năm rồi sau đó lại sạt nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, từng nhắc đi nhắc lại câu nói: “Sản xuất nông sản GAP là xu hướng tất yếu; là con đường phải đi không có cách nào khác mà phải đi vào thực chất, không phải là phong trào”.

Thực tế, việc xây dựng nền nông nghiệp theo hướng chất lượng và bền vững hiện nay có vẻ ngược lại, hầu hết mô hình thực hiện chỉ chú trọng được chứng nhận, được tiếng vang mà chưa đi vào thực chất. Một thời gian dài, nhiều tỉnh, thành đua nhau đưa loại trái cây đặc sản của tỉnh mình được chứng nhận GAP.

Nhưng thực tế, chứng nhận xong thì mô hình không phát huy hiệu quả, ngược lại phải giải quyết các hệ lụy. Một chuyên gia trong lĩnh vực cây ăn trái từng bày tỏ nỗi thất vọng: “Tôi giật mình khi mô hình vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đạt chứng nhận GlobalGAP mà không có vùng chuyên canh tập trung, còn nhà đóng gói cũng chỉ xây để đủ các yếu tố đạt chứng nhận”.

Chuyên gia này kể, trong lần hướng dẫn một đại diện của Hoa Kỳ đến đặt mã vườn cho mô hình chôm chôm xuất khẩu vào Hoa Kỳ, vị đại diện này buông miệng nói: “Mô hình vài chục ha mà xuất khẩu cái gì”. Vị đại diện của Hoa Kỳ thừa biết xuất khẩu qua Mỹ sẽ không thể chỉ 100% sản lượng từ vườn chôm chôm này nhưng rồi với sự thuyết phục của phía Việt Nam họ cũng miễn cưỡng chấp nhận. “Chúng ta không thể làm “dối” như thế mãi, bởi họ sẽ không thể giúp chúng ta mãi, chúng ta phải tự đi trên đôi chân của mình”- vị chuyên gia này bày tỏ.  

Trở lại câu chuyện xây dựng, phát triển nền nông nghiệp chất lượng và bền vững, người dân mong rằng: Xin đừng nói hay mà hãy làm hay!

S.N - N.V

.
.
.