Gò Công Tây: Hội thảo quản lý dịch hại trên lúa đông xuân
Ngày 29-11, tại xã Bình Tân, Chi cục Bảo vệ thực vật Tiền Giang phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Tây tổ chức hội thảo đầu vụ quản lý dịch hại trên lúa vụ đông xuân 2012-2013.
Hiện nay trên địa bàn huyện, nông dân đang khẩn trương thu hoạch vụ lúa thu đông và chuẩn bị xuống giống vụ lúa đông xuân, đây là vụ chính cho năng suất và hiệu quả nhất trong năm.
Khác với những năm trước, năm nay mùa mưa dứt sớm giữa tháng 11, mực nước lũ đầu nguồn thấp hơn, nước mặn có khả năng xâm nhập sâu vào đất liền sớm hơn mọi năm; cống Vàm Giồng, Xuân Hòa sẽ đóng sớm nên nguy cơ có thể gây ra một số dịch hại trên trà lúa vụ đông xuân như: cỏ dại, rầy nâu, bệnh đạo ôn, cháy bìa lá, ốc bươu vàng...
Đáng lưu ý nhất là rầy nâu, xuất hiện nhiều vào giai đoạn cây lúa đẻ nhánh đến làm đòng và trổ, rầy sinh sản mạnh và tích lũy mật số rầy non cao, khả năng gây hại lớn.
Do đó, ngành chức năng khuyến cáo để quản lý tốt, nông dân cần sử dụng giống kháng, gieo sạ đồng loạt né rầy theo lịch khuyến cáo; áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”; 4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách; cần vệ sinh đồng ruộng, làm đất tốt, giữ đủ nước để cho cây lúa khỏe; bón phân cân đối NPK, bón lót phân lân, phân hữu cơ đầu vụ, không bón phân đạm rước hạt...
Ngoài ra, ốc bươu vàng cũng là dịch hại nguy hiểm. Mọi năm nước lớn thì ốc bươu vàng thường tập trung ở các dòng kinh, cửa cống, nhưng năm nay mực nước thấp nên chúng phát tán ngay trên đồng ruộng, trước khi xuống giống nông dân cần phải cảnh giác với nguy cơ này.
XUÂN TƯỚC