Hơn 170.000 tỷ đồng phát triển thủy lợi ĐBSCL
Tổng kinh phí phục vụ phát triển thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu - nước biển dâng (giai đoạn 2012 – 2050) dự kiến là 171.700 tỷ đồng. Thông tin này được ông Vũ Văn Thặng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho biết tại hội nghị “Phát triển thủy lợi khu vực ĐBSCL” tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm 11-12.
Theo ông Thặng, nguồn kinh phí này sẽ được phân bổ chia ra làm 3 giai đoạn gồm, giai đoạn 2012- 2020 khoảng 41.400 tỷ đồng; giai đoạn 2021- 2030 khoảng 49.450 tỷ đồng và giai đoạn 2031-2050 khoảng 80.850 tỷ đồng.
Biến đổi khí hậu - nước biển dâng ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực ĐBSCL. |
“Phân theo vùng thì nguồn kinh phí phục vụ cho khu vực “tả” sông Tiền 33.980 tỷ đồng; vùng giữa sông Tiền - sông Hậu khoảng 85.280 tỷ đồng; vùng Tứ giác Long Xuyên khoảng 13.440 tỷ đồng; vùng bán đảo Cà Mau và hải đảo lần lượt khoảng 37.780 và 1.220 tỷ đồng”, ông Thặng cho biết.
Theo ông Thặng, nguồn vốn thực hiện quy hoạch được cân đối từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm (ngân sách Trung ương và địa phương), vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA (vốn viện trợ), vốn chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, vốn đóng góp của người dân vùng lũ và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Mục tiêu của quy hoạch thời gian tới là tạo ra hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu - nước biển dâng, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường của vùng ĐBSCL.
Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị thời gian tới, quy hoạch thủy lợi nên tập trung ưu tiên cho các dự án cấp bách phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của vùng, tránh đầu tư dàn trải.
“Để quy hoạch thủy lợi phát huy được tối đa hiệu quả, tôi đề nghị các địa phương trong quá trình quy hoạch chi tiết phải phù hợp với quy hoạch chung của toàn vùng, đáp ứng yêu cầu chống biến đổi khí hậu - nước biển dâng. Chính phủ cần có những nghiên cứu khoa học các công trình đã quy hoạch nhằm xác định tính khả thi để đưa vào thực hiện”, ông Lương Quang Xô, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam đề nghị.
(Theo thesaigontimes.vn)
Thống kê của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết đối với các công trình tưới tiêu, cấp nước, hiện toàn vùng ĐBSCL có trên 15.000 km kinh trục và kinh cấp 1; gần 27.000 km kinh cấp 2; khoảng 50.000 km kinh cấp 3 và nội đồng. Có 80 cống có đường kính rộng từ 5m trở lên; trên 800 cống có đường kính rộng 2-4m và hàng vạn cống, bọng nhỏ khác. Có trên 1.000 trạm bơm điện lớn và vừa; hàng vạn trạm bơm nhỏ. Đối với công trình kiểm soát lũ, toàn vùng có trên 13.000 km hệ thống đê bao, bờ bao, trong đó, có 7.000 km bờ bao chống lũ bảo vệ lúa hè thu; hơn 200 km giữ nước chống cháy rừng cho các Vườn Quốc gia, rừng tràm… Riêng các công trình kiểm soát mặn và triều cường ở các tỉnh ven biển ĐBSCL, có 450 km đê biển; 1.290 km đê sông và khoảng 7.000 km bờ bao ven các kinh rạch nội đồng để ngăn mặn, triều cường và sóng bão cho vùng. |