Thứ Tư, 12/12/2012, 14:51 (GMT+7)
.

Liên kết tiêu thụ nông sản: Doanh nghiệp và nông dân cùng có lợi

Sau hơn 1 năm thực hiện "Xây dựng thí điểm mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp" ở 12 tỉnh, thành trong cả nước, nhiều hộ dân không còn lo tình trạng "được mùa mất giá" còn doanh nghiệp thì bảo đảm được nguồn hàng cho chế biến, xuất khẩu, kiểm soát được chất lượng và nguồn gốc sản phẩm...

Đó là những kết quả đáng chú ý được nêu lên tại Hội nghị tổng kết xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp do Bộ Công thương tổ chức ngày 11-12.

asa
Tại Tiền Giang, Công ty TNHH Long Việt (Chợ Gạo) đã thực hiện mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm thanh long cho nông dân. Ảnh: Vân Anh

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết: Các mô hình liên kết đã đảm bảo ổn định được tiêu thụ hàng hóa nông sản của người sản xuất thông qua các hợp đồng kinh tế, góp phần khắc phục tình trạng được mùa mất giá và tăng thu nhập cho nông dân; về hiệu quả xã hội đã tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn; hình thành nhiều mô hình tiêu thụ nông sản tiêu biểu tại các địa phương…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng tồn tại lớn nhất của mô hình liên kết tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện nay là nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết có quy mô nhỏ và vừa, trong khi nông dân sản xuất chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ.

Vì vậy, một số mô hình, thành công đạt được chủ yếu là hoạt động tiêu thụ nông sản, còn hoạt động cung ứng vật tư nông nghiệp khá mờ nhạt do nông dân tự mua trên thị trường nên dễ gặp rủi ro.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường, vai trò của doanh nghiệp là quan trọng và cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp những cơ chế chính sách như miễn giảm thuế, hỗ trợ vốn… để phát triển các mô hình liên kết tiêu thụ nông sản.

Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang Lê Thanh Khiêm cho rằng Nhà nước nên định hướng tổ chức sản xuất theo hướng quản lý cộng đồng thông qua việc thành lập các hợp tác xã, cùng liên kết với nhau trong việc ứng dụng các quy trình đạt tiêu chuẩn GAP, Việt GAP, đặc biệt là quy hoạch được vùng sản xuất hàng hóa đủ lớn.

(Theo chinhphu.vn)

Ngày 6-1-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/ QĐ-TTG phê duyệt Đề án phát triển Thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020, theo đó xây dựng hai mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp  tại 12 tỉnh Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá, Lâm Đồng, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, bao gồm mô hình: Doanh nghiệp – HTX - Hộ nông dân ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung và mô hình Doanh nghiệp - Hộ kinh doanh - Hộ nông dân áp dụng ở vùng sản xuất phân tán.

 

.
.
.