Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt
Chính phủ đã ban hành Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó quy định mở tài khoản thanh toán cá nhân; tạm khóa, đóng tài khoản thanh toán.
Đối tượng áp dụng Nghị định này là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ trung gian thanh toán (người sử dụng dịch vụ).
Khung pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân trong giao dịch. Ảnh: Vân Anh |
Nghị định nêu rõ, người mở tài khoản thanh toán là cá nhân phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự; người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có tài sản riêng. Đối với người chưa thành niên khi mở tài khoản thanh toán phải có người giám hộ theo quy định của pháp luật.
Tài khoản thanh toán chung là tài khoản thanh toán có ít nhất 2 chủ thể trở lên cùng đứng tên mở tài khoản.
Chủ tài khoản thanh toán chung là tổ chức hoặc cá nhân. Mục đích sử dụng tài khoản thanh toán chung, quyền và nghĩa vụ của các chủ tài khoản thanh toán chung và các quy định liên quan đến việc sử dụng tài khoản chung phải được xác định rõ bằng văn bản.
Chủ tài khoản được sử dụng tài khoản thanh toán để nộp, rút tiền mặt và yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện các giao dịch thanh toán hợp lệ. Đồng thời, chủ tài khoản có quyền yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp thông tin về giao dịch và số dư trên tài khoản thanh toán.
Chủ tài khoản có thể ủy quyền có thời hạn bằng văn bản cho người khác sử dụng tài khoản thanh toán theo quy định của pháp luật.
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có quyền từ chối thực hiện lệnh thanh toán không hợp lệ của chủ tài khoản, hoặc khi trên tài khoản thanh toán không đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp từ chối, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải thông báo ngay lý do cho chủ tài khoản.
* 4 trường hợp tài khoản thanh toán bị phong tỏa
Tài khoản thanh toán được tạm khóa (tạm dừng giao dịch) một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản khi chủ tài khoản yêu cầu hoặc theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản trong 4 trường hợp: 1- Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; 2- Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền; 3- Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có dấu hiệu gian lận, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động thanh toán; 4- Khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.
Việc đóng tài khoản thanh toán được thực hiện khi: Chủ tài khoản có yêu cầu và đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản thanh toán; chủ tài khoản là cá nhân bị chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức có tài khoản thanh toán chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật; chủ tài khoản vi phạm hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán...
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26-3-2013.
(Theo chinhphu.vn)