Thứ Ba, 18/12/2012, 10:00 (GMT+7)
.

Người tiêu dùng ngày càng tin tưởng vào “thương hiệu Việt”

Sau 3 năm triển khai, đến nay, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã có những chuyển biến tích cực.

Cuộc vận động đã khiến cho cả doanh nghiệp và cộng đồng người tiêu dùng trong nước thay đổi đáng kể trong nhận thức và hành động đối với việc tiêu dùng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt.

Nhiều người tiêu dùng đã đặt niềm tin vào hàng Việt Nam chất lượng cao (Ảnh: M.P)
Nhiều người tiêu dùng đã đặt niềm tin vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh: M.P

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động trong bối cảnh kinh tế trong nước phải đối mặt với nhiều nhân tố gây rủi ro, mất ổn định.

Do đó, đây được coi như là một giải pháp quan trọng để góp phần giải quyết những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài của nền kinh tế, đồng thời qua đó, vừa khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất ra nhiều mặt hàng Việt có chất lượng, sức cạnh tranh cao nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng vừa phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc.

Hiệu quả từ sự đồng lòng...

Đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động chỉ rõ, việc thực hiện trách nhiệm quản lý, điều hành của các cấp chính quyền đã có nhiều chuyển biến tích cực, gắn thực hiện Cuộc vận động với việc thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, cơ quan.

Quan tâm rà soát bổ sung, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách tạo môi trường thông thoáng cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; đầu tư xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam...

Kết quả bước đầu cho thấy, 57 tỉnh, thành phố đã tổ chức thực hiện 1.443 hội chợ, triển lãm; 54 tỉnh, thành phố đã tổ chức được gần 1.150 đợt bán hàng về nông thôn; Bộ Công thương đã phê duyệt 370 đề án xúc tiến thương mại...

Công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường; đấu tranh ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... cũng được các ngành chức năng chú trọng góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và sản xuất trong nước.

Điểm nổi bật sau 3 năm tiến hành Cuộc vận động chính là các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tích cực triển khai các hoạt động hưởng ứng, trong đó điển hình phải kể đến: Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại T.P. Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, các hệ thống siêu thị, cửa hàng chuyên doanh điện máy...

Tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành và sự chủ động của các doanh nghiệp

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương, Cuộc vận động vẫn còn nhiều hạn chế tồn tại, chưa có tính thuyết phục và đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở.

Công tác tuyên truyền, vận động thiếu thường xuyên, chưa thực sự đến với nhân dân, nhất là nhân dân vùng nông thôn, vùng cao. Một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước và người dân chưa nghiêm túc thực hiện tinh thần, nội dung cuộc vận động.

Các cơ chế, chính sách, giải pháp trong quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy sản xuất, phân phối lưu thông và tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh cho hàng hóa thương hiệu Việt đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng chưa tốt.

Đến nay, còn nhiều doanh nghiệp chưa phát huy vai trò, trách nhiệm đi đầu trong thực hiện Cuộc vận động, sản xuất hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả thấp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Thậm chí, không ít doanh nghiệp vẫn còn tư tưởng “bao cấp”, chạy theo cơ chế “xin - cho”, chưa chú trọng đầu tư nâng cao hàm lượng khoa học – công nghệ, giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; chưa thực hiện đầy đủ cam kết về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng, làm ăn theo kiểu “chụp giật”.

Sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực cũng như giữa các lĩnh vực sản xuất và nhà phân phối chưa chặt chẽ, thống nhất.

Do đó, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015: 100% cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước ưu tiên mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước khi mua sắm công; 90% các cơ sở kinh doanh thương mại bán hàng có niêm yết giá, nguồn gốc xuất sứ hàng hóa; 90% số xã ở địa bàn nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa có cửa hàng bán hàng Việt phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân; 100% cán bộ lãnh đạo các cấp gương mẫu ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.

Để hàng Việt thực sự khẳng định được uy tín, vị thế, trong thời gian tới, hơn bao giờ hết, cần phải đẩy mạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

(Theo dangcongsan)

.
.
.