Người ương nghêu giống lỗ nặng
Mấy tháng gần đây, nghêu giống trong nước rớt giá mạnh do nghêu giống có nguồn gốc từ Trung Quốc tràn sang ồ ạt với giá rất thấp. Điều này khiến nhiều người ương nghêu giống ở ven biển Tân Thành (Gò Công Đông) không bán được giống, thua lỗ vì đã mua nghêu cám (nghêu giống loại nhỏ hơn) trước đó để ương với giá cao.
Ông Trần Quốc Cường, người sản xuất và ương nghêu giống ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành cho biết, vào tháng 5-6 vừa qua, nghêu giống trong nước loại từ 1-2 triệu con/kg được các thương lái thu mua với giá từ 14-15 đồng/con (khoảng 14-30 triệu đồng/kg nghêu giống) để bán ra các tỉnh phía Bắc: Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội... ương lên nghêu trung (loại 300 - 800 con/kg) thả nuôi tại các vùng biển khu vực này và bán trở lại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 6, nghêu giống Trung Quốc bắt đầu tràn sang Việt Nam ồ ạt với giá chỉ 4 đồng/con, kích cỡ 7-8 triệu con/kg (khoảng 28-32 triệu đồng/kg) khiến nghêu giống trong nước phải sụt giá và nhiều người ương nghêu giống phải chịu lỗ.
Phải cạnh tranh với nghêu giống giá rẻ từ Trung Quốc nên hầu hết người sản xuất và ương nghêu giống lỗ nặng (Ảnh chụp vùng ương nghêu giống ven biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông). |
Theo ông Cường, tâm lý ham rẻ của người nuôi nghêu là nguyên nhân khiến nghêu giống Trung Quốc chiếm ưu thế. Tuy vậy, với kinh nghiệm của người sản xuất nghêu giống lâu năm, ông Cường nhận định nghêu giống trong nước dù giá có cao hơn (tính trên đầu con) nhưng tính ra hiệu quả cao hơn nghêu giống Trung Quốc.
Lý do là kích cỡ nghêu giống trong nước lớn hơn nhiều so với nghêu giống Trung Quốc, nghêu giống trong nước có điều kiện sống tương đồng với các vùng nuôi nghêu thịt trong cả nước và cuối cùng là nghêu giống Trung Quốc phải vận chuyển trên quãng đường xa hơn nên sức khỏe nghêu giống kém. Các yếu tố này dẫn đến tỷ lệ sống của nghêu trong nước cao hơn rất nhiều so với nghêu Trung Quốc nên chi phí thả giống trên một đơn vị diện tích tính ra cũng thấp hơn.
Ông Phạm Văn Kiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, cho biết năm nay hầu như chỉ có trại nghêu giống của ông 7 Vinh (ông Trần Văn Vinh) là trúng giá, lãi cao vì bán nghêu giống trong đợt đầu tiên. Các trại sản xuất và các hộ ương nghêu giống khác đều gặp nhiều khó khăn vì giá nghêu giống giảm mạnh khi đụng với nghêu giống Trung Quốc chỉ 4 đồng/con, dù trước đó đã mua nghêu cám với giá từ 7 - 8 đồng/con.
Chính vì vậy, một số hộ ương nghêu giống có bãi nuôi tốt phải giữ nghêu giống lại bằng cách tiếp tục ương lên nghêu trung rồi bán 1 phần cho các hộ nuôi nghêu thịt khác, phần còn lại tiếp tục để nuôi thịt; còn các hộ ương nghêu khác không có điều kiện phải chịu thua lỗ vì bán với giá thấp.
Theo kết quả thống kê, diện tích có nghêu giống tự nhiên trên địa bàn tỉnh Tiền Giang khoảng 180 ha, tập trung ở cồn Ông Mão, cồn Vạn Liễu (150 ha) và cồn Ngang (30 ha), với thời gian xuất hiện nghêu giống tập trung chủ yếu ở tháng 4 - 6 âm lịch. Trong năm 2012, lượng nghêu giống tự nhiên xuất hiện ít hơn so với năm ngoái với sản lượng thu hoạch chỉ khoảng 4 tấn nghêu giống, loại từ 1 - 3 triệu con/kg.
Năm nay, Tiền Giang có 5 trại sản xuất nghêu giống với khoảng 5,1 ha cung cấp khoảng 1,6 tấn con giống kích cỡ 500 - 800 ngàn con/kg cho thị trường. Bên cạnh đó, có 80 hộ ương nghêu giống với diện tích bể ương khoảng 11 ha, tăng 20 hộ với diện tích 2 ha so với năm 2011.
Từ đầu năm đến nay các trại này cung cấp cho thị trường 12 tấn nghêu giống kích cỡ từ 500-800 ngàn con/kg. Các hộ ương nghêu giống này lấy nghêu cám trong tỉnh khoảng 40%, còn 60% còn lại lấy từ các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh)...
THÀNH CÔNG