Thứ Hai, 17/12/2012, 05:48 (GMT+7)
.

Nhiều loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh đạt GAP

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang,  hiện đã có 6/7 loại cây ăn trái chủ lực đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP, bao gồm: 55,5 ha vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã được cấp chứng nhận GlobalGAP; 60 ha dứa Tân Lập, 16,6 ha chôm chôm Tân Phong, 15,6 ha nhãn Nhị Quí, 8,8 ha sơ ri Gò Công và 19,74 ha thanh long Chợ Gạo đạt chứng nhận VietGAP.

Nhiều loại trái cây đạt GAP được trưng bày tại MDEC Tiền Giang 2012
Nhiều loại trái cây đạt GlobalGAP và VietGAP được trưng bày tại MDEC Tiền Giang 2012. Ảnh Duy Sơn

Được biết, trong 5 năm gần đây, diện tích vườn trồng cây ăn trái ở Tiền Giang đã tăng thêm trên 8.200 ha, đưa tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh đạt gần 70.000ha, chiếm hơn 10% diện tích trồng cây ăn trái cả nước, sản lượng trên 1.062.400 tấn, đạt giá trị gần 2.600 tỷ đồng.

Tiền Giang cũng đã xác định các loại cây ăn trái chủ lực và được cấp nhãn hiệu hàng hóa tập thể, đó là các loại trái như Xoài cát Hòa Lộc; Bưởi lông Cổ Cò; sầu riêng Ngũ Hiệp; Thanh long Chợ Gạo; Sơ ri Gò Công; vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim; dứa Tân Lập.v.v…

Định hướng phát triển diện tích cây ăn trái của Tiền Giang đến hết năm 2015 sẽ phấn đấu đạt gần 80.000 ha, sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn/năm, giá trị sản xuất khoảng 3.000 tỷ đồng. Trong đó, 24.000 ha (chiếm 30% diện tích) đạt tiêu chuẩn GAP. Thu nhập từ cây ăn trái đã giúp cho người sản xuất thu lợi nhuận trung bình 90-120 triệu đồng/ha/năm.

Trong chiến lược phát triển cây ăn trái, bên cạnh quy hoạch, phân vùng cho từng loại cây phát triển, Tiền Giang còn định hướng sản xuất nông nghiệp tạo sản phẩm an toàn bền vững, thân thiện với môi trường và đạt giá trị xuất khẩu cao, tập trung sản xuất một số cây ăn trái chủ lực theo hướng thực hành tốt nông nghiệp(GAP) và đạt tiêu chuẩn GAP.

Trong năm 2012, ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc tập kết, kinh doanh, sơ chế, đóng gói và vận chuyển sản phẩm. Đẩy mạnh công tác quản lý giống, đảm bảo giống chất lượng tốt khi đưa vào sản xuất, nhất là vườn giống mới.

Cùng với đó, các ngành chức năng và địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn nhà vườn cải tạo vườn tạp thay bằng vườn cây ăn trái giá trị kinh tế cao; phổ biến rộng rãi trên toàn tỉnh nhất là các vùng trồng 7 loại trái cây chủ lực về các cách thức, biện pháp kỹ thuật trồng cây ăn trái theo hướng GAP từ đó mở rộng diện tích cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP và được chứng nhận VietGAP.

Trung tâm Khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã từng bước chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật đến người dân, khuyến cáo nông dân sử dụng giống chất lượng cao, áp dụng biện pháp ghép để thay thế những giống lạc hậu thoái hóa như giống sầu riêng ít cơm và hạt to, trồng bằng hạt được thay bằng giống sầu riêng hạt lép. Giống sầu riêng khổ qua xanh nổi tiếng một thời do dễ trồng, năng suất cao, ngay từ năm 2000 đã được thay thế bằng các giống chất lượng cao như Ri 6, Mongthong, hạt lép Chuồng bò,..., các giống bưởi chất lượng thấp được thay thế bằng giống bưởi Năm Roi, bưởi Da Xanh.

Từ khi tỉnh Tiền Giang có chủ trương phát triển 7 chủng loại cây ăn trái chủ lực vào năm 2003, diện tích và chất lượng trái cây được nâng lên... Nhờ tích lũy kinh nghiệm và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nên đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái có diện tích khá lớn, chiếm 89% vùng cây ăn trái đặc sản toàn tỉnh, đạt năng suất và chất lượng cao, nhất là các loại cây ăn trái đặc sản.

Bên cạnh đó, biện pháp xử lý ra hoa trái vụ để tránh trúng mùa rớt giá đã được nhiều nhà vườn áp dụng thành công trên nhiều loại cây ăn trái khác nhau như xoài, vú sữa, sầu riêng, chôm chôm, nhãn, cây có múi... đã đưa giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích cây ăn trái đạt trên 72 triệu đồng/ha vào năm 2011, cao hơn 40 triệu đồng so với năm 1994. Nhà vườn với diện tích 1 nghìn mét vuông cho thu nhập từ 50 triệu đến 70 triệu đồng, thậm chí, có hộ thu nhập trên 100 triệu đồng, nhất là đối với vườn trồng cây có múi và sầu riêng.

(Theo chinhphu)

.
.
.