Thứ Tư, 05/12/2012, 17:21 (GMT+7)
.

Sản xuất theo quy trình GAP như “con thuyền không lái”

Sản xuất nông sản nói chung và trái cây nói riêng theo quy trình GAP là một xu hướng tất yếu để tồn tại và phát triển lâu dài. Tuy nhiên, mô hình này đang gặp rất nhiều cản ngại từ quy trình đến vấn đề đầu ra.

Tại Hội thảo chuyên đề “Sản xuất cây ăn trái theo GAP” do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Tiền Giang tổ chức vào sáng 4-12 có một đại biểu ví von rất đáng quan tâm và suy ngẫm, đó là: Sản xuất GAP hiện nay như “con thuyền không lái”.

Nhãn Nhị Quý (huyện Cai Lậy) được chứng nhận Viet GAP nhưng rất khó tìm đầu ra.
Nhãn Nhị Quý (Cai Lậy) được chứng nhận Viet GAP nhưng rất khó tìm đầu ra.

Lý giải về “con thuyền không lái”, Thạc sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre nói: Sản xuất GAP hiện nay có quá nhiều “nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà bank, nhà báo…) cùng tham gia xây dựng mô hình GAP nhưng không ai là nhà “cầm lái” cả. Theo Thạc sĩ Liêm, Nhà nước phải là người tiên phong, sau khi “con thuyền” vững thì giao cho doanh nghiệp “cầm lái”, cuối cùng giao cho doanh nghiệp và nông dân “tự lái”.

Thạc sĩ Liêm cho biết thêm, phong trào làm theo GAP nổi lên một thời gian thì gặp phải phản ứng của người dân như: Sản phẩm GAP đem bán cào bằng với sản phẩm thường, đôi khi sản phẩm sạch lại khó bán hơn sản phẩm tự do, không có gì bảo đảm tương lai để ổn định sản xuất.

Về phía doanh nghiệp thì có quá ít công ty thực sự có tiềm năng thị trường và chịu đầu tư cho mình một vùng sản xuất GAP, có doanh nghiệp chơi trò “lừa đảo thương mại” chỉ mượn vài vườn mang tên sản xuất GAP để pha trộn sản phẩm cho dễ bán. Hậu quả là nhiều hệ thống sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP được xây dựng dần dần tan rã… vì ai cũng muốn có quyền lợi mà không thực hiện trách nhiệm của mình, điều đó để tình trạng sản xuất theo GAP như “con thuyền không lái”.

Một nông dân cho biết: Để sản xuất đúng quy trình GAP, nhà vườn phải đầu tư rất nhiều vốn, công sức và thời gian. Trong đó, quan trọng nhất là phải chấp nhận thiệt thòi khi phải cắt phân, thuốc 45 ngày trước khi thu hoạch. Đây là yếu tố làm cho trái khi thu hoạch nhỏ hơn so với cách trồng truyền thống nhưng bù lại kỳ vọng giá bán sẽ được cao hơn, nào ngờ đến khi thu hoạch, không có nơi tiêu thụ, thương lái áp giá ngang với giá sản xuất thông thường.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, một trong những nguyên nhân khiến trái cây ĐBSCL chưa được giá và khó tìm đầu ra là do sản xuất cây ăn trái vẫn còn mang tính tự phát, do đó khi vào mùa thu hoạch rộ, sản lượng cung ứng cho thị trường quá lớn, thường xảy ra ứ đọng, giá cả giảm mạnh, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của các nhà vườn.

Bên cạnh đó, việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa xây dựng được vùng chuyên canh có diện tích lớn, công nghệ sau thu hoạch và chế biến còn chậm phát triển, nhà vườn chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng trái cây trong quá trình sản xuất, chưa tạo được mối liên kết “bốn nhà” trong sản xuất và tiêu thụ, cơ sở hạ tầng yếu kém…

Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết, tới đây TP. Hồ Chí Minh không cho nhập sản phẩm chưa được chứng nhận an toàn thì nông sản của chúng ta sẽ đi đâu nếu không làm theo GAP. Nhưng mô hình GAP hiện nay gặp quá nhiều khó khăn về đầu ra, người dân bắt đầu quay mặt với GAP và muốn trở lại sản xuất theo kiểu truyền thống.

Cái vòng luẩn quẩn ấy là do không xác định được vai trò của người “chủ xị”. Nói thật, không chỉ riêng sản xuất theo GAP mà tất cả các mặt hàng nông sản khác, hễ “trúng mùa thì rớt giá, trúng giá thì thất mùa”. Nông dân sản xuất tự bơi là chính. Chính quyền không tổ chức được chỗ bán nông sản cho nông dân.

Bộ NN&PTNT chưa ban hành nhãn cho sản phẩm an toàn để dán lên sản phẩm được chứng nhận VietGAP và quy chế sử dụng nên người mua không biết sản phẩm nào là an toàn. Chưa có địa chỉ bán sản phẩm GAP. Tồn tại lớn nhất cho đến nay vẫn là đầu ra cho sản phẩm an toàn.

Nguyên nhân là chuỗi cung ứng lạc hậu. Người sản xuất không tiếp xúc với thị trường mà do thương lái quyết định. Nông dân chán nản không muốn thực hiện GAP.

“Cố gắng đưa doanh nghiệp kinh doanh trái cây đến gặp những tổ chức đang làm GAP, bàn bạc cụ thể để giải quyết đầu ra cho sản phẩm của tổ hợp tác, HTX và xây dựng chuỗi giá trị cho loại trái cây chính của địa phương. Quy trình VietGAP cần biên soạn lại, ngắn gọn, dễ hiểu để nông dân dễ tiếp thu và thực hiện. Thời gian tái thanh tra và chứng nhận lên 2-3 năm để nông dân quen dần” - Tiến sĩ Võ Mai đề xuất.

S.N

.
.
.