Tập trung bình ổn giá thị trường
Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012; Công văn số 14719/BTC-NSNN ngày 26-10-2012 của Bộ Tài chính về việc bố trí nguồn kinh phí và kiểm soát sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã lập kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Quý Tỵ 2013.
Tập trung ổn định giá các mặt hàng thiết yếu. |
Theo đó, Tết Nguyên đán 2013 có 7 đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia việc bình ổn giá, bao gồm: Co.op Mart Mỹ Tho, HTX Thương mại dịch vụ phường 1, Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Tiền Giang, DNTN Thương mại dịch vụ Thành Phát, HTX Thương mại dịch vụ Vĩnh Kim và HTX Thương mại dịch vụ Song Thuận.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, các mặt hàng cần phải dự trữ Tết Nguyên đán 2013 bao gồm: Gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, bánh mức, lạp xưởng, bột ngọt… Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ dự trữ khoảng 675 tấn gạo các loại; 220 tấn đường; 956.200 lít dầu ăn; 268,4 tấn bột ngọt; 112 tấn thịt gia súc; 15,4 tấn thịt gia cầm…
Tổng số vốn mà các doanh nghiệp thực hiện dự trữ là trên 284 tỷ đồng, trong đó hàng hóa thiết yếu gần 69 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã dự trữ nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2013 bằng và vượt chỉ tiêu đề ra, đảm bảo chất lượng với giá hợp lý. Ngoài ra, nhiều đơn vị còn chuẩn bị nhiều chuyến xe bán hàng lưu động phục vụ người dân các vùng sâu, xùng xa vào dịp Tết.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh vừa được Sở Công thương triển khai để các đơn vị tham gia thực hiện, các đơn vị tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường sẽ được vay vốn ưu đãi trong thời gian 4 tháng kể từ ngày giải ngân, với lãi suất là 0,3% tháng, với tổng số vốn cho vay ưu đãi đối với các đơn vị tham gia là 28,4 tỷ đồng, thời gian bắt đầu giải ngân từ ngày 1-11-2012 và không quá 30-11-2012, nguồn vốn cho vay ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh.
Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia còn được hỗ trợ kinh phí treo băng rôn tại điểm bán hàng bình ổn. UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị tham gia phải chấp hành đúng quy định về việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ để dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu và có trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả vốn đúng thời hạn quy định. Trường hợp quá hạn hoặc sử dụng vốn hỗ trợ không đúng mục đích phải chịu lãi suất bằng lãi suất tiền vay trong hạn của ngân hàng thương mại tỉnh.
Tuy nhiên, để đảm bảo bình ổn giá, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá phải có kế hoạch và thực hiện dự trữ các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt ưu tiên hàng Việt Nam; mở rộng hệ thống bán lẻ trên địa bàn tỉnh và thực hiện bán hàng lưu động đến tất cả các khu dân cư, khu vực nông thôn, vùng xa.
Đồng thời phải đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, chất lượng an toàn với giá hợp lý, đặc biệt trong thời điểm trên thị trường có biến động giá, bán với giá thấp hơn 5% trở lên so với hàng hóa cùng loại, cùng chất lượng trên thị trường tại thời điểm 20-11-2012; có ít nhất 1 điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường công tác nắm bắt thông tin, quản lý địa bàn trọng điểm; kiểm tra ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại. Tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, việc thực hiện đăng ký giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết…
Theo lãnh đạo Sở Công thương, với nguồn hàng được các doanh nghiệp chuẩn bị, hệ thống phân phối được mở rộng thông qua việc các doanh nghiệp triển khai nhiều chuyến xe bán hàng lưu động tại các vùng nông thôn, hàng hóa dự trữ sẽ đủ chi phối và dẫn dắt thị trường. Do vậy, người dân không nên tạo áp lực cho chính mình bằng cách đổ xô đi mua hàng để dự trữ, gây rối loạn thị trường.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ lập các đoàn kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá…
PHƯƠNG ANH