Thành quả & thách thức của lúa gạo Tiền Giang
Là tỉnh đăng cai MDEC - Tiền Giang 2012, lãnh đạo và nhân dân địa phương kỳ vọng qua diễn đàn, hạt gạo Tiền Giang có thêm động lực mới để thăng hoa, đóng góp vào sự phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, bền vững.
CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ
Năm 2012 nông dân trong tỉnh gieo cấy được tổng cộng trên 241.000 ha, vượt 1,29% so với kế hoạch cả năm. Tính đến tháng 11-2012, địa phương đã thu hoạch được trên 201.500 ha, năng suất bình quân 58,3 tạ/ ha và sản lượng 1.175.000 tấn, vượt 3% so với cùng kỳ năm 2011. Tỉnh cũng đã xuất khẩu trên 109.000 tấn gạo, kim ngạch xuất khẩu 48,8 triệu USD.
Cũng nên nói thêm, lương thực - đặc biệt lúa gạo chính là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Tiền Giang trong những năm qua, đã mang lại nguồn ngoại tệ hết sức quan trọng để xây dựng quê hương.
Kết quả đạt được của năm 2012 là cả một quá trình, trong đó phải kể đến phong trào thâm canh, tăng vụ của hàng chục năm trước đây. Đó là nền tảng để những năm qua, tỉnh thực hiện nhiều chương trình đưa khoa học công nghệ vào sản xuất lúa, quyết tâm thay đổi tư duy và cách nghĩ, cách làm, nâng cao trình độ của người nông dân, đã tạo ra bước ngoặt mới thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập của hạt gạo Tiền Giang. Đó là các chương trình cơ giới hóa nông nghiệp, “Cùng nông dân ra đồng”, “Cánh đồng mẫu về sản xuất lúa”...
Nhờ vậy, việc cơ giới hóa khâu làm đất, khâu bơm tát đạt 100% diện tích canh tác. Với việc trang bị thêm 503 máy gặt đập liên hợp, 471 máy gặt xếp dãy cũng giúp nâng tỷ lệ thu hoạch bằng máy đạt 56% tổng diện tích canh tác, khắc phục được tình trạng thiếu nhân công, giảm thất thoát, nâng chất lượng hạt lúa, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Trong chương trình “Cùng nông dân ra đồng”, năm 2012 Tiền Giang triển khai được 230 điểm và mô hình trình diễn kỹ thuật trên diện tích gần 690 ha, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất bình quân từ 1,9-2,2 triệu đồng/ ha. Đối với chương trình “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu, bệnh virus trên cây lúa” đã thực hiện được trên 1.100 ha cho phép nông dân tiết kiệm chi phí từ 2-2,4 triệu đồng/ ha.
Ảnh: Nhựt Trường |
Ngoài ra, nông dân các địa phương còn tham gia chương trình “Cánh đồng mẫu về sản xuất lúa” với diện tích 626 ha tại các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Chợ Gạo, Gò Công Tây và Gò Công Đông.
Nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm thể hiện tư duy kinh tế mới của người nông dân: lúa + cá ở Cái Bè, lúa + dưa hấu ở Cai Lậy, chuyên canh màu trên ruộng ở Châu Thành và Chợ Gạo, trồng thanh long trên đất lúa nhiễm phèn ở Chợ Gạo và Gò Công Tây, lúa + tôm trên đất nhiễm mặn Tân Phú Đông... thiết thực động viên phong trào sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương ngày càng đi vào đời sống.
THÁCH THỨC
Trong các năm qua, mặc dù diện tích lúa giảm, chỉ dừng lại ở mức 80.000 ha đất trồng trọt nhưng hàng năm tỉnh luôn đạt sản lượng 1,3 triệu tấn lúa trở lên. Giá trị sản xuất cũng tăng theo từng năm. Nếu năm 1993, lợi nhuận chỉ đạt 10 triệu đồng/ha/ vụ thì đến năm 2011 đạt mức 19,5 triệu đồng/ ha/vụ.
Tuy nhiên, con đường sản xuất lúa hàng hóa phía trước vẫn còn nhiều gập ghềnh, nhiều thách thức và bài toán đặt ra nhiều khi hết sức gian nan trong việc tìm kiếm đáp số thỏa đáng.
Theo khảo sát đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, giá thành sản xuất lúa bình quân trong năm 2012 là 3.948 đồng/kg, cao hơn năm trước 54 đồng/kg, trong khi lợi nhuận bình quân năm 2012 giảm hơn 2,27 triệu đồng/ ha so với năm trước. Đất hẹp, người đông, lợi nhuận từ trồng lúa không tăng mà ngược lại đã đè nặng thêm sức ép lên kinh tế hộ nông dân.
Nhiều chương trình lớn được đánh giá đi đúng hướng, “đi tắt đón đầu” giúp tỉnh sớm xác lập được nền nông nghiệp hàng hóa hàm lượng khoa học công nghệ cao nhưng chưa phát huy hết vai trò và sức mạnh đầu tàu.
Ví dụ như trồng lúa theo tiêu chí Viet GAP, Global GAP với sự khởi đầu nhanh, thuận lợi, suôn sẻ và đưa đến thành công ngoạn mục qua sự kiện HTX Nông nghiệp Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy) lần đầu tiên đón nhận chứng nhận lúa gạo Global GAP. Thế nhưng, gần đây chưa nhân rộng được nếu chưa muốn nói đang có biểu hiện bị “bế tắc”.
Theo ông Trương Văn Bảy, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Mỹ Thành, giấy chứng nhận đã hết hạn nhưng để tái chứng nhận trong vụ đông xuân 2012 - 2013 không kịp, khả năng phải đến vụ hè thu sớm mới được tái chứng nhận Global GAP. Diện tích chứng nhận vẫn không thay đổi, chỉ khoảng 100 ha. Còn về đầu ra, vẫn chỉ có Công ty ADC trước đây bao tiêu lúa gạo đạt tiêu chí Global GAP với giá cao hơn giá thị trường 20%, còn ngoài ra chưa có doanh nghiệp nào mới nhận bao tiêu cho HTX (!).
Thành tích của ngành trồng và thâm canh lúa Tiền Giang rất đáng tự hào. Thế nhưng trước thềm MDEC - Tiền Giang 2012 và trước những thăng trầm trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo thời gian qua, bà con đang chờ các cấp, các ngành đặc biệt là các doanh nhân kinh doanh xuất khẩu lúa gạo giải đáp một cách thỏa đáng, giúp “hạt gạo” Tiền Giang tiếp tục thăng hoa trong thời kỳ mới.
MINH TRÍ