Xây dựng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí. |
Nhìn nhận về thực trạng sản xuất nông nghiệp cũng như các cơ chế chính sách đã và đang được thực hiện liên quan đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu nhận định:
ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành chiếm khoảng 12% diện tích cả nước. Sông Mêkông chảy qua vùng ĐBSCL hàng năm đem lại lượng nước bình quân khoảng 460 tỷ m3 và vận chuyển từ 150-200 triệu tấn phù sa.
Vùng ĐBSCL hàng năm bị ngập lũ gần 50% diện tích từ 3-4 tháng tạo nên một đặc điểm nổi bật cho vùng, một mặt làm hạn chế lớn đối với canh tác, trồng trọt và gây nhiều khó khăn cho đời sống của dân cư nhưng mặt khác cũng tạo nên những điều kiện thuận lợi cho việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và bổ sung độ phì nhiêu cho đất.
Nhiều chuyên gia đánh giá vùng ĐBSCL là vùng đất có tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất nông sản, thủy sản vào bậc nhất trên thế giới. Đến nay, vùng ĐBSCL đã cung cấp lượng lương thực, trái cây, thủy sản lớn nhất cả nước, với việc đóng góp 70% lượng trái cây, 58,8% lượng thủy sản, 90% lượng gạo xuất khẩu và chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
+ Phóng viên: Nhiều nhà khoa học cho rằng đã có nhiều chính sách liên quan đến sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL nhưng không ít chính sách vẫn còn nhiều bất cập, chưa sát thực tiễn?
+ Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu:
Những năm vừa qua, Chính phủ có nhiều cơ chế chính sách phát triển ĐBSCL trong đó có các chính sách liên quan đến đất đai, tín dụng, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc đầu tư công nghệ cao và nhiều chính sách khác hỗ trợ cho nông dân như: Khoa học công nghệ, liên kết sản xuất 4 nhà, hỗ trợ rủi ro, bảo hiểm nông nghiệp.
Nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến nông sản sẽ được ban hành. |
Tuy nhiên, trong hệ thống chính sách sách này vẫn còn một số chính sách chưa đi vào cuộc sống, còn một số bất cập, khả năng người dân tiếp cận với các chính sách còn nhiều hạn chế.
Chẳng hạn như chính sách về tạm trữ lúa gạo, hỗ trợ người nông dân tăng thu nhập trên 30% thông qua hỗ trợ cho doanh nghiệp thì bản thân người nông dân chưa trực tiếp được tiếp cận nhiều, hay chính sách đầu tư cho máy móc nông nghiệp trên cơ sở phải có tỷ lệ nội địa hóa trên 60% người nông dân cũng khó tiếp cận được, chính sách tín dụng liên quan rất nhiều đến thế chấp tài sản, nhà cửa và những quy định khác của hệ thống tài chính, ngân hàng.
Chính phủ cũng đã có gói tài chính cho người nuôi cá tra nhưng việc người dân được tiếp cận gói hỗ trợ này còn nhiều khó khăn. Chính vì thế, Bộ NN&PTNT đang cần có sự thảo luận, đóng góp ý kiến của các cơ quan địa phương, Trung ương, đặc biệt là các doanh nghiệp, người nông dân để xem những vấn đề nào còn bất cập cần phải tháo gỡ nhằm điều chỉnh, bổ sung các chính sách hiện hành và ban hành bổ sung các chính sách mới để có thể hỗ trợ đầy đủ cho người nông dân.
+ Phóng viên: Trong chiến lược phát triển, vùng ĐBSCL tới đây sẽ đóng vai trò như thế nào, thưa bà?
+ Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu:
Theo quyết định 939/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu xây dựng vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững và phát triển mạnh kinh tế biển.
Trong đó, định hướng phát triển sản xuất lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái là phát triển vùng ĐBSCL thành vùng trọng điểm theo hướng hàng hóa có chất lượng cao; hình thành các khu, vùng chuyên canh sản xuất lớn ứng dụng công nghệ cao, gắn với việc phát triển nông thôn mới; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo định hướng thị trường.
Phấn đấu tăng trưởng ngành Nông nghiệp bình quân 5,2% giai đoạn 2011-2015 và tăng 4,9% giai đoạn 2016-2020 với các ngành chủ lực gồm lúa gạo, thủy sản và trái cây.
+ Phóng viên: Để đạt được mục tiêu này cần những gói giải pháp như thế nào?
+ Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu:
Để trở thành vùng sản xuất trọng điểm của cả nước, nhất là phát triển sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản chủ lực của vùng, toàn ngành sẽ tập trung vào một số việc như: Xây dụng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, đồng thời đẩy mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.
Đồng thời phát triển nhanh việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là thủy lợi, đê điều, hệ thống kho tàng, khu công nghiệp chế biến; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế từ hộ sản xuất hàng hóa, mở rộng hình thức trang trại, gia trại…
+ Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng!
PHƯƠNG ANH (thực hiện)