Nông dân & doanh nghiệp: Liên kết xây dựng thành công cánh đồng mẫu lớn
“Mục đích xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) là đạt đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng, chủ động trong sản xuất, điều tiết và tiêu thụ lúa gạo. Tuy nhiên, hiện nay mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thu mua lúa vẫn chưa tốt, các tiêu chí về lúa để doanh nghiệp thu mua chưa được công bố; việc sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp chưa được phổ biến”- PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã cho biết như vậy tại Hội thảo CĐML - Hợp tác và phát triển vừa diễn ra cách nay không lâu.
NÔNG DÂN VÀ DOANH NGHIỆP CẦN GÌ?
Thời gian qua, chúng ta nhận thấy mô hình CĐML chỉ có 2 đối tượng tham gia chính và quyết định đến sự thành bại là nông dân và doanh nghiệp. Vậy, họ cần và muốn gì trong mô hình CĐML? Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Văn Dư cho biết, nông dân cần sự hợp tác với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, muốn có vốn để tái đầu tư cho sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất, nhà kho, mua máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp theo một phương thức liên kết sản xuất mới.
Tham quan mô hình CĐML. |
Ngoài ra, nông dân cần được đào tạo, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, gia tăng chất lượng, giá trị, thông tin thị trường, tiếp thị sản phẩm… để tăng lợi nhuận thu được, cần những dịch vụ phục vụ trong suốt quá trình canh tác lúa.
Còn đối với doanh nghiệp thì cũng cần vốn và lãi suất để mở rộng và tăng hiệu quả kinh doanh; cần quảng bá và bán sản phẩm với chi phí thấp; muốn tập hợp nông dân và thu hồi công nợ dễ dàng, thuận tiện cho hoạt động thương mại, dịch vụ; cần có một nguồn nguyên liệu thu mua ổn định về số lượng, chất lượng và đảm bảo về thời gian…
Thực tế, doanh nghiệp và nông dân đều cần có sự ràng buộc bằng niềm tin hơn bằng pháp lý. Vì việc xử lý những sai phạm trong giao dịch thương mại, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại giữa nông dân và doanh nghiệp thường không mang lại kết quả cao.
Phải nói rằng, nông dân có vị trí quan trọng trong thực hiện giao dịch thương mại nông sản. Nhưng họ cần phải biết và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ pháp lý của mình; đồng thời phải hiểu và yêu cầu doanh nghiệp làm tròn trách nhiệm pháp lý đó. Có thể hiện nay, hầu hết nông dân đều chưa hiểu biết những vấn đề này nhưng trong tương lai phải được tập huấn và đào tạo về pháp luật thương mại với những yêu cầu căn bản nhất. Đây là nền tảng để thực hiện các hợp đồng thương mại nông sản không chỉ giữa nông dân và doanh nghiệp trong nước mà còn giữa nông dân và doanh nghiệp nước ngoài…
Theo ông Phạm Văn Dư, dù có bất cứ những nỗ lực nào đi nữa mà nông sản không được tiêu thụ thì mô hình hay phong trào sản xuất sẽ bị trì trệ. Liên kết “4 nhà” với vai trò tổ chức của nhà nước và chuyển giao khoa học kỹ thuật của nhà khoa học hầu như thực hiện trôi chảy. Nhưng nếu thiếu sự đồng thuận của nông dân và sự tham gia thu mua của doanh nghiệp thì xem như mối liên kết này sẽ gãy vỡ.
Mô hình CĐML là cụ thể hóa việc sản xuất tập trung, nơi doanh nghiệp và nông dân hợp tác sản xuất theo hợp đồng ràng buộc với mục đích hai bên cùng có lợi. Trên thực tế, mô hình này vẫn ẩn chứa tính rủi ro cao. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nông dân chỉ được tuân thủ khi giá cả ổn định, còn khi thị trường có biến động, giá lúa giảm, công ty tìm cách bỏ hợp đồng, còn giá lúa tăng, nông dân lại tìm cách bán tháo, không bảo đảm được chất lượng sản phẩm.
HỢP TÁC ĐỂ TỒN TẠI
Nông dân không có nhiều cơ hội tiếp cận và bán sản phẩm hàng hóa của mình sản xuất; các HTX, doanh nghiệp nông nghiệp do chính người nông dân tổ chức và quản lý chưa đủ mạnh, chưa đủ tiềm lực về vốn, thương mại và nhân lực, năng lực trong thương trường. Doanh nghiệp nếu chỉ hoạt động thương mại thì bấp bênh về sản phẩm, thiếu tính ổn định và không có nhiều cơ hội tốt trong thương thảo, giao hàng do không có nguồn nguyên liệu ổn định, không chủ động được sản phẩm khi chào hàng…
Tham gia CĐML, người nông dân mong muốn được tiêu thụ sản phẩm và có lợi nhuận. |
Doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp có hệ thống đại lý nhưng không biết sản phẩm và chất lượng sản phẩm của mình được nông dân chấp nhận đến đâu và cũng không chắc được người mua ổn định khi có những biến động về giá, về sự cạnh tranh hay những nhu cầu thật sự của người sử dụng sản phẩm về thời gian và không gian.
Ông Phạm Văn Dư cho biết thêm, nếu biết rằng số lượng, chủng loại và thời gian sản xuất để cung ứng cho người sử dụng bao nhiêu, lúc nào, ở đâu thì doanh nghiệp sẽ yên tâm và chủ động hơn. Còn nông dân cũng phải biết canh tác lúa gì, bán cho ai, giá bao nhiêu, vào lúc nào và có thể biết luôn lợi nhuận là bao nhiêu, từ đâu thì họ sẽ yên tâm sản xuất.
Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần nông dân tuân thủ các quy trình sản xuất, quy định về sử dụng hàng hóa, cam kết có đúng và có đủ với những phẩm chất theo đặt hàng. Doanh nghiệp sản xuất để nông dân tiêu thụ và nông dân sản xuất để doanh nghiệp tiêu thụ nông sản là vòng chu chuyển giữa 2 đối tượng có những nhu cầu và lợi ích có thể san sẻ nhau trong cùng một không gian và thời gian, đó chính là lợi thế để phát triển cho cả hai.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL nhận định: “Cái khó của người trồng lúa hiện nay là hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, với nhiều loại giống lúa khác nhau nên không ai đặt hàng. Cảnh trúng mùa, rớt giá thường xuyên diễn ra. Ngành Nông nghiệp đã thấy được những bất cập này và đang triển khai, nhân rộng đưa ra giải pháp phát triển mô hình CĐML trên cơ sở huy động sự liên kết hợp tác của các hộ nông dân với nhau và doanh nghiệp. Trên một cánh đồng hàng trăm, hàng ngàn ha, cùng canh tác một loại giống hoặc một nhóm giống cùng đặc tính”. |
Theo TS. Vũ Trọng Bình, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), để xây dựng thành công mô hình CĐML, đòi hỏi doanh nghiệp và người nông dân phải tăng cường hơn nữa mối quan hệ, cùng tạo ra sản phẩm mang thương hiệu riêng. Bởi chỉ khi sản phẩm đạt được một tiêu chuẩn nhất định, tạo ra một thương hiệu cho riêng mình thì mới tạo ra được giá trị cao hơn, đem lại lợi nhuận lớn hơn.
“Hãy nhìn các quốc gia từng thực hiện những mô hình tương tự, hàng ngàn nông dân làm việc trên một diện tích rất lớn nhưng chỉ có một tiêu chuẩn duy nhất. Chính điều này bảo đảm đầu ra cho sản phẩm của họ. Vì vậy, chỉ có những doanh nghiệp tiềm lực tài chính, tạo ra sản phẩm dưới một yêu cầu chất lượng nhất định, một hệ thống nhất định thì mới đủ sức và uy tín để làm CĐML với nông dân; còn những doanh nghiệp mua bán theo tính chất thời vụ như buôn bán ngoài chợ thì không thể tham gia được”- ông Bình nhận định.
Tham gia CĐML, nông dân sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất vì canh tác theo một quy trình, đồng loạt và các dịch vụ như làm đất, thủy lợi, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cơ giới hóa… dễ dàng thực hiện và trong các dịch vụ sản xuất này sẽ thấp hơn so với những người làm riêng lẽ. Còn doanh nghiệp bán hàng trực tiếp cho nông dân, tiếp xúc và gặp gỡ chính đối tượng của mình, có thị trường thu mua ổn định và lâu dài.
Để hợp tác thành công giữa nông dân và doanh nghiệp thì cần sự minh bạch và hài hòa lợi ích. Doanh nghiệp cần minh bạch về giá bán, giá mua, về hợp đồng cung ứng và minh bạch cả lợi nhuận của doanh nghiệp và nông dân. Đó là yếu tố cơ bản đảm bảo cho mối liên kết giữa 2 nhà: nhà nông - doanh nghiệp xây dựng thành công CĐML.
SĨ NGUYÊN