Thứ Sáu, 21/12/2012, 10:52 (GMT+7)
.

Nuôi tôm nước lợ 2013: Giảm diện tích, tăng sản lượng

Năm 2012, nuôi tôm nước lợ cả nước phải đối diện với hàng loạt khó khăn, nhất là tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp và xảy ra trên diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả sản xuất.

Để vụ tôm năm 2013 thắng lợi, hàng loạt các giải pháp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra và quyết liệt chỉ đạo thực hiện tại Hội nghị “Tổng kết công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm năm 2012 và triển khai kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2013” vừa tổ chức tại tỉnh Bến Tre.

SẢN LƯỢNG TÔM THU HOẠCH GIẢM

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2012 cả nước có 30 tỉnh, thành phố nuôi tôm nước lợ, với tổng diện tích thả nuôi 657.523 ha, sản lượng 476.424 tấn; tăng 0,2% về diện tích nhưng giảm 3,9% sản lượng so với năm 2011.

Trong đó, nuôi tôm sú chiếm 94,1% diện tích và 62,7% sản lượng tôm nuôi trong cả nước; tôm thẻ nuôi chiếm 5,9% diện tích, sản lượng chiếm 27,3%.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi tôm nước lợ chủ yếu của cả nước với tổng diện tích nuôi tôm 595.723 ha, sản lượng 358.477 tấn (chiếm 90,61% diện tích, 75,2% sản lượng nuôi tôm cả nước); trong đó diện tích nuôi tôm sú 579.997 ha, sản lượng 280.647 tấn (chiếm 93,6 % diện tích, 94% sản lượng tôm sú cả nước), diện tích nuôi tôm chân trắng 15.727 ha, sản lượng 77.830 tấn (chiếm 41,2.% diện tích, 42% sản lượng tôm chân trắng nuôi cả nước).

Quyết vượt qua mọi khó khăn để vụ tôm năm 2013 thắng lợi (ảnh chụp tại xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông).
Quyết vượt qua khó khăn để vụ tôm năm 2013 thắng lợi. (Ảnh chụp tại xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông)

Tổng cục Thủy sản nhận định, dịch bệnh xảy ra trầm trọng trên diện rộng là nguyên nhân chính khiến hiệu quả sản xuất năm 2012 bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bên cạnh các khó khăn khác như giá thức ăn, vật tư đầu vào cho nuôi liên tục tăng cao, giá mua tôm một số thời điểm thấp, và rào cản thương mại về Ethoxyquin ở thị trường Nhật Bản.

Từ đầu năm đến nay, cả nước có 100.776ha nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại do dịch bệnh (trong đó tôm sú 91.174ha), bao gồm các bệnh hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS), đốm trắng, đầu vàng... gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi và ảnh hưởng đến sản lượng, giá trị xuất khẩu.

Các địa phương bị dịch bệnh nhiều nhất là Sóc Trăng thiệt hại 23.371,5ha (56,6% diện tích thả nuôi); Bạc Liêu 16.919ha (thiệt hại trên 50% 8.377ha, thiệt hại dưới 50% 8.542ha); Bến Tre thiệt hại 2.237ha nuôi thâm canh, bán thâm canh (29,06% diện tích thả nuôi); Trà Vinh thiệt hại 12.200ha (49,3% diện tích); Cà Mau diện tích tôm nuôi công nghiệp bị bệnh 958,58ha, tăng trên 420ha so với năm 2011.

Riêng Tiền Giang, diện tích tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại 922,88ha, chiếm 30,63% tổng diện tích thả nuôi tôm.

QUYẾT GIÀNH THẮNG LỢI VỤ TÔM MỚI

Xác định tầm quan trọng của nuôi tôm nước lợ, năm 2012 Bộ NN&PTNT đã có những chỉ đạo quyết liệt, huy động mọi nguồn lực phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng trong chỉ đạo, sản xuất nuôi tôm nước lợ năm 2012 còn nhiều hạn chế.

Theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, công tác phòng, chống dịch bệnh tôm dù được triển khai sớm, nhưng giai đoạn đầu còn tản mạn, hạn chế về định hướng tổ chức triển khai nhiệm vụ, các đơn vị tham gia chưa thực sự huy động hết nguồn lực; cơ chế quản lý, phối hợp chưa tốt.

Việc ban hành các văn bản quản lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về con giống còn chậm gây khó khăn trong công tác quản lý. Nhiều trại giống chưa đảm bảo điều kiện sản xuất, công tác kiểm dịch nhiều nơi còn mang tính hình thức hoặc chỉ kiểm tra bằng cảm quan.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng vùng nuôi còn yếu, hệ thống thủy lợi vùng nuôi chưa đảm bảo; một số nơi chưa tuân thủ mùa vụ nuôi, thả giống sớm; công tác quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản còn thiếu nguồn lực, chưa tập trung và thiếu định hướng nên hiệu quả thấp.

Năm 2013, hội nghị thống nhất kế hoạch sản xuất tôm nước lợ đạt 655.000 hecta (giảm 0,6%), sản lượng 530.000 tấn (tăng 11,24%).

Để giải quyết những khó khăn trong nuôi tôm nước lợ nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất tôm năm 2013, các đại biểu nhất trí cần tập trung tối đa nguồn lực ngay từ đầu năm, nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân gây nên dịch bệnh trên tôm nước lợ; tổng kiểm tra chất lượng chế phẩm sinh học trên thị trường; kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, rà soát điều kiện sản xuất các trại tôm giống.

Tổ chức lại hệ thống thống kê và dự báo nhanh từ Tổng cục Thủy sản đến các chi cục, các hiệp hội; đẩy mạnh nuôi tôm theo mô hình VietGAP, hướng dẫn, nhân rộng các mô hình nuôi hiệu quả ở các địa phương; nhanh chóng giải quyết rào cản Ethoxyquin tại thị trường Nhật Bản, sớm có hướng dẫn kỹ thuật nuôi, sử dụng thức ăn để khắc phục vấn đề Ethoxyquin…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, hiện nay Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đồng ý đưa con tôm vào diện ưu tiên vay vốn ưu đãi như đối với cá tra. Bên cạnh đó, vấn đề thị trường, đặc biệt là rào cản kỹ thuật Ethoxyquin đối với sản phẩm tôm tại thị trường Nhật Bản cũng đang được Bộ NN&PTNT hết sức quan tâm tháo gỡ.

Chỉ đạo thực hiện kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2013, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Tổng cục Thủy sản sớm lấy ý kiến của các địa phương để hoàn chỉnh và ban hành hướng dẫn về quy trình nuôi để giảm thiểu thiệt hại trong nuôi tôm; tiếp tục nghiên cứu làm rõ nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi một cách đồng bộ.

Các địa phương tăng cường công tác kiểm soát các khâu trong nuôi trồng thủy sản từ con giống, vật tư đầu vào, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu gây ảnh hưởng đến môi trường nuôi tôm; tổ chức phòng, chống dịch bệnh trên tôm, tăng cường lực lượng chuyên trách cho công tác quản lý thú y thủy sản, củng cố lại bộ máy.

Các doanh nghiệp cần làm đúng quy định của nhà nước, xem xét liên kết với người nuôi và phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước nhằm phát triển bền vững nghề nuôi tôm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần có một chương trình nghiên cứu chọn tạo tôm bố mẹ để từng bước làm chủ công nghệ sản xuất giống tôm trong nước; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm cho người nuôi tôm.

THÀNH CÔNG

.
.
.