Thứ Ba, 04/12/2012, 06:18 (GMT+7)
.
TIẾN TỚI MDEC - TIỀN GIANG 2012:

Những gợi mở về xây dựng thương hiệu cho nông sản

Yếu kém dễ nhận thấy và cần được tháo gở đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Việt Nam nói chung và của vựa lúa, vựa trái cây, thủy hải sản lớn nhất nước là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng là nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp, liên kết lỏng lẻo và thiếu nhạc trưởng…

Bên cạnh đó, còn một yếu kém trầm trọng của nông sản là chưa có thương hiệu! Muốn có sức bật và đủ sức “vượt sóng” ra thị trường thế giới, điều tiên quyết là nông sản phải có thương hiệu. Vì không có thương hiệu nên sản xuất nông sản của cả nước và ĐBSCL kém hiệu quả do giá trị thấp không được quảng bá trên thị trường và bị thua thiệt trầm trọng.

Người ta tính toán, uống một ly cà phê ở New York thì giá trị vào túi người nông dân Việt Nam chỉ có 1%! Lúa, gạo trái cây, tôm cá đều cũng trong tình trạng như vậy. Đi tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục có thể nhìn nhận dưới góc cạnh như sau:

Chôm chôm Tân Phong (Cai Lậy) đạt tiêu chuẩn Viet GAP.  Ảnh: NGUYỄN SỰ
Chôm chôm Tân Phong (Cai Lậy) đạt tiêu chuẩn Viet GAP. Ảnh: NGUYỄN SỰ

Ý THỨC XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU

Người dân, kể cả các cơ quan chức năng quản lý nông nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về xây dựng thương hiệu. Lý do là người dân vẫn tư duy theo lối cũ, thông tin không đến được với nông dân, khoa học kỹ thuật và công tác xây dựng thương hiệu vẫn xa vời đối với nông dân, họ chưa ý thức được cần phải xây dựng thương hiệu cho chính sản phẩm của mình.

Hai là, đối với chính quyền địa phương việc xây dựng thương hiệu cho nông sản làm không đến nơi đến chốn. Ba là, ý thức của các doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu cho nông sản của doanh nghiệp mình chưa được đầu tư xứng tầm. Phần lớn các doanh nghiệp chỉ chú trọng đến lợi ích trước mắt mà coi nhẹ công tác bảo vệ và xây dựng thương hiệu cho nông sản của chính doanh nghiệp mình.

Từ việc ý thức của các bộ phận hợp thành còn thiếu, yếu, chúng ta có thể chỉ ra những hạn chế có tính chất cốt tử như sau:

- Thị trường cho sản phẩm nông nghiệp phát triển chậm, không ổn định, quản lý không tốt, thiếu định hướng… Chính những điều này đang làm cản trở việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp.

- Thiếu đội ngũ khoa học kỹ thuật cho nông nghiệp do nạn chảy máu chất xám từ nông thôn ra thành thị.

- Hệ thống dịch vụ xã hội hóa nông nghiệp chưa được kiện toàn, xây dựng thương hiệu cho nông sản là quá trình gắn liền với việc kiện toàn hệ thống dịch vụ xã hội. Hiện nay, hệ thống dịch vụ xã hội hóa nông nghiệp chủ yếu biểu hiện ở một số mặt như dịch vụ bảo hiểm, tuyên truyền tin tức, khoa học kỹ thuật và thị trường.

Chưa có dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp đáp ứng được yêu cầu của xây dựng thương hiệu. Bảo hiểm nông nghiệp là một loại hình dịch vụ xã hội quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu cho nông sản, nó tạo ra những bảo đảm an toàn cho xây dựng thương hiệu.

So với các nước phát triển phương Tây, bảo hiểm nông nghiệp của nước ta khởi đầu tương đối muộn, chưa có ý thức về bảo hiểm nông nghiệp, nguồn vốn thiếu, nhân tài không đủ, khoa học kỹ thuật kém là những nguyên nhân khiến cho ngành bảo hiểm nông nghiệp của nước ta gặp khó khăn và không thể đáp ứng được những đòi hỏi trong quá trình xây dựng thương hiệu cho nông sản.

Mặt khác, dịch vụ tin tức, khoa học kỹ thuật không đáp ứng được những đòi hỏi của xây dựng thương hiệu sản phẩm. Trong khi đó, là hai nhân tố then chốt giúp quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm phát triển thuận lợi cùng với dịch vụ khoa học kỹ thuật tổng hợp.

Ngoài ra, các yếu tố khác như vật tư nông nghiệp, khâu chế biến, tồn trữ, biện pháp bảo quản sau thu hoạch… chưa tốt và chưa đạt tiêu chuẩn nên cũng tạo ra những khó khăn cho quá trình xây dựng thương hiệu nông sản.

KIẾN NGHỊ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN

- Đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức về xây dựng thương hiệu nông sản: Các bộ, ngành, địa phương và Chính phủ trước tiên cần thúc đẩy thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu cho nông sản, coi đây là khâu quan trọng để phát triển kinh tế nông thôn.

Ngoài ra, cần tăng cường hướng dẫn và quản lý các doanh nghiệp bằng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tích cực doanh nghiệp thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu cho nông sản.

-  Thực hiện chiến lược thúc đẩy xây dựng thương hiệu nông sản có kế hoạch, có trọng tâm. Trên cơ sở xây dựng điển hình, từ đó nhân rộng.

- Định ra các chính sách hỗ trợ cho xây dựng thương hiệu. Cần hoàn thiện một số chính sách và biện pháp sau:

+ Xây dựng cơ chế sử dụng cán bộ khoa học cho nông nghiệp.

+ Đề ra các chính sách đầu tư vốn cho nông nghiệp để xây dựng thương hiệu.

+ Xây dựng và kiện toàn hệ thống bảo đảm dịch vụ xã hội. Do tính rủi ro cao của sản xuất nông nghiệp, cần nhanh chóng đưa ra cơ chế bảo hiểm nông nghiệp, có chính sách ưu đãi cho bảo hiểm nông nghiệp.

+ Cần cải thiện điều kiện kinh doanh cho thị trường nông sản có thương hiệu. Ban hành các quy dịnh đối với kinh doanh nông sản; tích cực bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thương hiệu nông sản.

+ Nhà nước cần thể hiện đầy đủ vai trò “nhạc trưởng” trong liên kết bốn nhà.

Trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững thì vấn đề xây dựng thương hiệu cho nông sản là điều kiện tạo sức bật cho nông dân, cho nông thôn và cho nông nghiệp cả nước nói chung, đặc biệt là đối với khu vực ĐBSCL - vùng đất giàu tiềm năng nhưng chịu nhiều thiệt thòi với nhiều cái “nhất”: nghèo nhất, trình độ dân trí, hưởng các phúc lợi xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa và cơ sở hạ tầng thấp kém nhất nước.

DIỆP VĂN SƠN

.
.
.