890 triệu USD và những kỳ vọng
Năm 2012 khép lại với con số kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt được là 890 triệu USD, tăng 19,55% so với năm 2011. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều gam màu sáng tối, con số kim ngạch xuất khẩu mà tỉnh đạt được thật sự gây ấn tượng.
Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng đều qua các năm và đang tiến dần đến mốc 1 tỷ USD. Mục tiêu này thật sự không khó nếu duy trì được đà tăng trưởng như những năm qua. Bởi nếu như năm 2009, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 416 triệu USD, năm 2010 đạt 495 triệu USD, sang năm 2011 là 740 triệu USD.
Nếu nhìn nhận một cách tổng thể, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã có bước tăng trưởng nhanh những năm gần đây. Điều này đã phần nào thể hiện được năng lực sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn mạnh, môi trường kinh tế tỉnh nhà đã được khởi sắc.
Năm 2012, xuất khẩu thủy sản chiếm 50% cơ cấu ngành hàng xuất khẩu của tỉnh. |
Xét trên bình diện chung về cơ cấu kim ngạch xuất khẩu hàng năm cho thấy rằng, xuất khẩu thủy sản chế biến, gạo luôn chiếm ưu thế. Thực tế này đã đi đúng vào quỹ đạo chung của tỉnh mang đặc thù sản xuất nông nghiệp.
Tuy có sự biến động về tỷ lệ hàng năm nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản luôn xấp xỉ 50% trong cơ cấu các ngành hàng xuất khẩu của toàn tỉnh. Điều này đã phần nào phản ánh ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh được giữ ổn định, cũng đồng nghĩa là “sức khỏe” của các doanh nghiệp trong nhóm ngành này vẫn còn được giữ vững.
Nhưng nếu mổ xẻ cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2012, mặc dù có tăng so với năm 2011, nhưng cũng chỉ ra một số điều cần phải suy ngẫm. Phân tích của Sở Công thương cho thấy, xuất khẩu tăng mạnh trong bốn tháng đầu năm 2012 phần nhiều do giá trị xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, sang đến tháng 5, tình hình bắt đầu khó khăn do ảnh hưởng chung của nợ công châu Âu, nhu cầu tiêu thụ giảm, giá giảm dẫn đến tồn kho nhiều mà doanh nghiệp lại thiếu vốn để thu mua nguyên liệu…
Bên cạnh đó các loại chi phí đầu vào tăng cùng nhiều rào cản trong việc kiểm soát đã ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh, nhất là thủy sản, gạo và rau quả. Theo đó, thủy sản tăng nhẹ về lượng nhưng do giá giảm nên tổng kim ngạch giảm 4,9%; gạo là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh trong năm 2011 (65,6% về lượng và 68,9% về kim ngạch xuất khẩu), sang năm 2012 không tăng về lượng mà còn giảm 16% về kim ngạch xuất khẩu; rau quả giảm từ 52-53% về lượng lẫn giá trị xuất khẩu; các sản phẩm khác như nhựa, ống đồng cũng đều giảm.
Như vậy kim ngạch xuất khẩu năm 2012 chỉ nhờ vào các doanh nghiệp đầu tư mới. Nếu không tính kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp mới phát sinh trong năm, kim ngạch xuất khẩu 2012 không tăng so năm 2011. Đóng góp của các doanh nghiệp mới trong các Khu công nghiệp: Tân Hương, Long Giang ước đạt 153 triệu USD, chiếm 17,2% kim ngạch xuất khẩu năm 2012 của tỉnh.
Các sản phẩm mới xuất khẩu trong năm như: túi xách (Công ty TNHH túi xách Simone Việt Nam Tiền Giang), giày (Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam và Công ty TNHH Freeview Industrial), dầu ăn (Công ty TNHH dầu ăn Honoroad Việt Nam)… Tỷ trọng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng từ 19% năm 2011 lên 34% năm 2012.
Qua phân tích cho thấy rằng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu năm 2012 tăng nhưng nội lực của các doanh nghiệp trong nước đang có dấu hiệu suy giảm, mà chủ yếu là đóng góp của các doanh nghiệp mới đầu tư, có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Con số kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng chưa thật sự vui mừng.
Năm 2013, mục tiêu mà Sở Công thương đề ra là đạt 1,032 tỷ USD, tăng 16%. Con số này thật sự không khó để đạt được. Điều mong mỏi đang được đặt ra là song hành với sự tăng lên của con số kim ngạch xuất khẩu là sự ổn định sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Bởi theo nhận định của TS. Nguyễn Tấn Bình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và Quản trị doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tại hội thảo “Tình hình kinh tế Việt Nam, thế giới và ứng xử của doanh nghiệp năm 2013” do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức mới đây, cho rằng bức tranh kinh tế màu xám vẫn còn tiếp diễn cho những năm tiếp theo nên doanh nghiệp cần có những ứng xử linh hoạt và kịp thời.
THẾ ANH