Thứ Hai, 21/01/2013, 12:48 (GMT+7)
.

Ca cao - cây xóa đói giảm nghèo

Qua 7 năm triển khai và thực hiện Dự án phát triển cây ca cao, các hộ trồng cây ca cao ở Gò Công Tây đều chung một nhận xét, đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, không tốn phân bón, thuốc trừ sâu bệnh như nhiều loại cây trồng khác; chỉ cần trồng đúng kỹ thuật ca cao có thể sinh trưởng, phát triển cho trái tốt, năng suất cao, tăng lợi nhuận.

Toàn huyện Gò Công Tây có 300 ha ca cao, tập trung ở các xã: Thạnh Nhựt, Vĩnh Hựu, Long Vĩnh, Thạnh Trị và thị trấn Vĩnh Bình. Sau thời gian trồng thử nghiệm trong vườn dừa, bà con trồng trên đất trống, năng suất và hiệu quả kinh tế tăng cao.

Thời gian gần đây, giá ca cao liên tục tăng, hộ nông dân tham gia trồng ca cao ngày càng nhiều. Nhiều câu lạc bộ ca cao được thành lập và nông dân tự nguyện xin gia nhập vào câu lạc bộ ca cao để học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức.

Năm 2009, Chương trình phát triển ca cao hữu cơ, một dự án do tổ chức Hevatas của Thụy Điển tài trợ đã giúp cho người trồng một hướng đi mới bền vững. Với cây trồng “sạch”, trong quá trình canh tác, bà con chỉ bón cây các loại phân tự nhiên có nguồn gốc hữu cơ như phân chuồng đã qua hoai mục, các loại mụn dừa, vỏ ca cao, cỏ rác ủ mục. Đây là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho cây ca cao.

Qua tính toán của một chủ vườn ca cao ở Thạnh Nhựt, với trên 1.000m2 đất trồng ca cao, có thể cho thu lãi hơn 50 triệu đồng/năm; cho thấy trồng ca cao là mô hình sản xuất nông nghiệp vừa thân thiện với môi trường, vừa giúp nông dân xóa đói giảm nghèo.

Hiện nay, huyện Gò Công Tây có 78 hộ trồng 40 ha ca cao hữu cơ và UTZ  (sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận sản xuất tốt) với 3 câu lạc bộ ở 2 xã: Thạnh Nhựt và Vĩnh Hựu đã được đăng ký chứng nhận năm thứ 2.

Người dân không chỉ được hỗ trợ về kỹ thuật, trợ giá mà sản phẩm còn được bao tiêu 100% với mức lãi cam kết từ 30% trở lên. Ông Võ Thành Tài, xã Vĩnh Hựu cho biết: “Trồng ca cao lúc nào cũng phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn và hướng dẫn của UTZ. Tôi thấy mình theo chương trình này là hoàn toàn có lợi”.

Ông Nguyễn Văn Lũy, Xã Thạnh Nhựt cũng cho biết: “Sản xuất ca cao theo tiêu chuẩn UTZ thì người nông dân bón phân theo liều lượng đã được khuyến cáo hoặc sử dụng thuốc BVTV trong danh mục cho phép, không sử dụng thuốc BVTV tràn lan, bừa bãi. Thành ra sản phẩm ca cao UTZ rất an toàn và bảo đảm không có dư lượng thuốc BVTV”.

Qua 7 năm triển khai thực hiện dự án ca cao, ngành Nông nghiệp huyện đã tổ chức trên 1.000 cuộc tập huấn, hội thảo cho 25.000 lượt nông dân tham dự. Nhiều vườn ca cao được chọn làm điểm trình diễn để các câu lạc bộ ca cao các nơi đưa nông dân đến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Võ Thành Phước, câu lạc bộ ca cao ở ấp Phú Quý, xã Vĩnh Hựu, cho biết: “Chúng tôi dành phần lớn thời gian cho cây ca cao trồng dưới tán dừa, theo dõi và kịp thời xử lý sâu bệnh, chú ý dinh dưỡng cho cây. Chúng tôi chọn hái từng trái vừa chín tới, không sử dụng bất kỳ hóa chất nào. Để diệt côn trùng và bệnh, chúng tôi sử dụng kiến đỏ theo phương pháp sinh học. Phân bón tự nhiên lấy từ phân xanh và phân chuồng”.

Anh Nhân, chủ cơ sở thu mua, chủ biến ca cao ở thị trấn Vĩnh Bình nhấn mạnh đến ý nghĩa của chất lượng sản phẩm: “Chúng tôi quan tâm đến toàn bộ quy trình sản xuất, từ canh tác đến sấy khô, lên men hạt. Từng công đoạn có tầm quan trọng của nó. Tôi cố gắng làm sao cho ca cao Gò Công Tây đảm bảo chất lượng”.

Cũng như nông dân các huyện, thị trong tỉnh, nông dân huyện Gò Công Tây tin tưởng giá cả, tiêu thụ ca cao ổn định và bà con nhắc nhau tuân thủ quy trình canh tác, đó là các yếu tố cơ bản để cây ca cao phát triển bền vững và là cây xóa đói giảm nghèo.

TRUNG HIẾU

.
.
.