Thứ Tư, 02/01/2013, 09:09 (GMT+7)
.

Nhiều mô hình thi đua SXKD giỏi và nhiều việc cần làm

Trong những năm qua, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi trên địa bàn tỉnh ngày càng có sức lan tỏa và thu hút được nhiều người tham gia. Cũng từ phong trào này đã nẩy nở nhiều mô hình, nhân tố mới, cuộc sống của người nông dân ngày càng “ăn nên làm ra”…

NHIỀU MÔ HÌNH TRIỂN VỌNG

Mô hình nuôi chim trĩ đỏ của ông Trương Văn Phúc, ấp 2 (Tân Tây, Gò Công Đông) cho hiệu quả rất tốt. Ban đầu, gia đình ông mua 1 cặp chim trĩ đỏ về nuôi thử nghiệm. Sau đó, chúng sinh sản lên thành 8 cặp, ông quyết định để nuôi kết hợp với nuôi chim công và gà đông tảo. Hiện nay, mô hình của ông đã được nâng cấp thành trang trại, với khoảng 1.000 con chim trĩ đỏ, chim công và gà đông tảo.

Từ hiệu quả mô hình, ông đầu tư mua máy ấp trứng kỹ thuật cao để cung cấp con giống cho bà con nông dân. Ông Phúc cho biết, trong năm 2011 gia đình đã xuất 1.865 con chim trĩ lớn nhỏ, với giá từ 300.000-550.000 đồng/con. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận 500 triệu đồng/năm. Theo ông Phúc, trang trại của ông đã cung cấp con giống cho hơn 200 hộ và một số trang trại lớn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh và miền Trung.

Nông dân SXKD giỏi Mai Văn Tư, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy làm giàu từ thửa ruộng của mình.
Nông dân SXKD giỏi Mai Văn Tư (Phú Nhuận, Cai Lậy) làm giàu từ thửa ruộng của mình.

Ngoài ra, ông còn cung cấp chim cảnh cho các khu du lịch sinh thái, khu biệt thự nhà vườn, khu vườn quốc gia. “Sức đề kháng của chim trĩ rất tốt, có thể tận dụng những chuồng trại cũ để nuôi, vệ sinh chuồng trại cũng đỡ vất vả hơn gà. Trong thời gian tới, tôi tiếp tục duy trì, phát triển số lượng đàn và sản xuất con giống, cung cấp và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cũng như kỹ thuật bảo quản trứng, kỹ thuật ấp trứng trĩ đỏ cho bà con nông dân. Mở rộng thị trường và tìm đầu ra cho bà con nông dân hoặc thu lại chim trĩ thương phẩm theo giá thị trường, cung cấp trứng, thịt cho thị trường” - ông Phúc cho biết.

Mô hình nuôi tôm công nghiệp của ông Dương Văn Sành, ấp Bãi Bùn (Phú Thạnh, Tân Phú Đông) cũng mang lại hiệu quả cao không kém. Ông Sành tâm sự: “Gia đình có 2ha đất nông nghiệp, trong đó 1,5ha đất mặt nước được đầu tư nuôi tôm, 0,5ha đất còn lại được trồng thanh long và hoa kiểng. Trong năm 2012, gia đình thả nuôi 240 ngàn con tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Sau khi thu hoạch được 2,6 tấn tôm sú và 1,9 tấn tôm thẻ chân trắng, trừ chi phí, gia đình còn lãi 300 triệu đồng”.

Ông Sành không giấu kinh nghiệm nuôi: Ao nuôi tôm phải có độ sâu từ 1,5-1,6m, phải được tu bổ, sữa chữa kỹ lưỡng và phải lót bạt toàn bộ bờ ao, đáy ao phải đầm nén thật kỹ để tránh rò rỉ, tránh thất thoát nước trong ao. Nuôi tôm phải có 1 ao lắng để chuẩn bị nước ban đầu và nước dự phòng. Luôn theo dõi, phân tích các chỉ số của môi trường nước trong suốt quá trình nuôi để kịp thời điều chỉnh và xử lý cho phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi tiếp tục phát huy và góp phần phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp - nông thôn. Trong đó, nhiều nông dân tiêu biểu đã “ăn nên làm ra” từ các mô hình triển vọng như: trồng lúa có ông Nguyễn Văn Tùng và ông Nguyễn Văn Đồ ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy; làm vườn có ông Nguyễn Văn Phúc, xã Tân Thanh và ông Nguyễn Văn Nhiều, xã Mỹ Lương của huyện Cái Bè; chăn nuôi có ông Trương Văn Phúc, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông và ông Lê Tấn Tài, xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây; khai thác thủy - hải sản có ông Dương Văn Sành, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông và ông Trần Quang Thành, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông…

“Phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến. Họ là những tấm gương sáng của tinh thần bền bĩ vượt khó, quyết chí làm giàu chính đáng cho mình và giúp đỡ người khác cùng vươn lên làm giàu”- ông Quang nhận xét.

CÒN NHỮNG VIỆC PHẢI LÀM

Phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, khích lệ hàng trăm ngàn hộ nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Song, phong trào vẫn còn nhiều hạn chế. Theo Hội Nông dân huyện Cái Bè, trình độ chuyên môn và tổ chức Hội của các cấp hoạt động chưa đồng đều, chậm nhân rộng điển hình tiên tiến, cán bộ khuyến nông chưa bao quát hết lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Quang cho biết thêm, phong trào vẫn còn có một bộ phận nông dân trông chờ, ỷ lại, chưa tích cực thi đua sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của địa phương. Nhiều hộ nông dân SXKD giỏi quy mô còn nhỏ, phương thức sản xuất cá thể, tự phát; trình độ khoa học, kỹ thuật và quản lý còn hạn chế; chưa xem trọng các yếu tố liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm; chưa thể hiện rõ nét vai trò đoàn kết giúp nhau trong sản xuất và đời sống.

Nguyên nhân do công tác kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết phong trào có lúc, có nơi chưa kịp thời đã làm ảnh hưởng đến kết quả phong trào. Một số chính sách về đất đai, tiền vốn, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn nhiều bất cập; chưa thực sự khuyến khích nông dân mở rộng quy mô, phát triển sản xuất.

Theo Hội Nông dân tỉnh, trong thời gian tới Hội sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi, phấn đấu để phong trào có bước chuyển biến mới về chất, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao hơn, góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung gắn với thương hiệu sản phẩm và phát triển mạnh theo hướng kinh tế tập thể…

SĨ NGUYÊN

Ngày 26-12, Hội Nông dân tỉnh cùng Sở NN&PTNT và Sở Nội vụ tổ chức Hội nghị tổng kết chuyên đề thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” năm 2012, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2013 và những năm tiếp theo.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, các tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiếp tục được triển khai và nhân rộng như: Chương trình “3 giảm, 3 tăng”, công nghệ sinh thái, cơ giới hóa trong sản xuất lúa, sản xuất nông nghiệp theo hướng GAP, chương trình giống nông nghiệp, giống thủy sản… được nông dân tiếp thu và áp dụng vào sản xuất đạt kết quả cao…

Tuy nhiên, tình hình sản xuất và đời sống của nông dân cũng gặp không ít khó khăn do diễn biến dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, biến đổi khí hậu; giá vật tư đầu vào tăng. Theo Hội Nông dân tỉnh, ngay từ đầu năm 2012, Hội đã phát động 132.640/240.689 hộ nông dân có điều kiện SXKD tham gia đăng ký thực hiện phong trào. Kết quả bình xét có 68.918 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp; trong đó có 44.440 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi cấp cơ sở, 17.310 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp huyện và 7.168 hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi cấp tỉnh.

Dịp này, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua nhất, nhì, ba cho Hội Nông dân thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông về những thành tích xuất sắc trong phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi. UBND tỉnh đã tặng Bằng Khen cho 10 tập thể, 100 cá nhân và bằng công nhận cho 222 cá nhân có thành tích trong tham gia chỉ đạo thực hiện phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi.

 

 

.
.
.