Tân Phước: Chuyển đổi cây trồng đúng hướng, nông dân thoát nghèo
Thạnh Tân, Thạnh Mỹ và Tân Hòa Đông là 3 xã “đất rộng người thưa”, nhưng lại nằm trong tốp xã có tỷ lệ hộ nghèo dẫn đầu của huyện. Nguyên nhân là do cây tràm kém hiệu quả, từ đó dẫn đến việc dù nỗ lực phấn đấu thoát nghèo, nhưng “nghèo vẫn hoàn nghèo”.
Trước thực trạng trên, đầu năm 2011, huyện Tân Phước bắt tay thực hiện Dự án Chuyển đổi diện tích trồng tràm kém hiệu quả sang trồng khóm ở 3 xã này. Qua 2 năm thực hiện dự án, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể.
Cây khóm giúp bà con 3 xã: Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông vươn lên thoát nghèo. |
Trở lại Thạnh Mỹ, Thạnh Tân, đi trên đường huyện Tràm Mù Nam, những cánh đồng “da beo” ngày trước giờ phủ xanh bạt ngàn bởi những thửa khóm nối tiếp nhau, ngút tầm mắt. Không phải nông dân phụ bạc cây tràm, nhưng cứ bám víu cây tràm thì không thể đảm bảo cuộc sống.
Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ Lê Văn Thưởng phấn khởi cho biết: Trước kia, tỷ lệ hộ nghèo của xã rất cao, nguyên nhân là do chưa có ô đê bao, hoặc diện tích trong ô đê bao “da beo”, khóm và tràm xen kẽ nên không thể bơm được. Vì vậy, các hộ trồng khóm vượt lũ thu nhập bấp bênh, còn các hộ trồng tràm thì không thể thoát nghèo. Từ khi thực hiện Dự án Chuyển đổi diện tích trồng tràm kém hiệu quả sang trồng khóm, bà con trong xã rất phấn khởi. Khi ô đê bao xây dựng hoàn tất là bà con nhanh chóng bắt tay vào chuyển đổi cây tràm sang khóm.
Anh Võ Văn Hùng, ấp Mỹ Thuận, xã Thạnh Mỹ phấn khởi: Gia đình anh có 18 ha đất. Trước kia chủ yếu trồng tràm. Thấy cây tràm lâu thu hoạch, giá cả lại bấp bênh nên anh chuyển một phần diện tích sang trồng khóm vượt lũ. Tuy nhiên, trồng khóm vượt lũ thu nhập cũng không cao, do cứ đến mùa nước lũ lại chặt, khi nước lũ hạ thì trồng lại, chi phí đầu tư rất cao mà chỉ thu hoạch được 1 lần.
Từ khi huyện thực hiện Dự án Chuyển đổi diện tích trồng tràm kém hiệu quả sang trồng khóm, đến nay anh Hùng đã chuyển đổi được 12 ha tràm sang khóm; trong đó có 8 ha khóm đã cho thu hoạch, 4 ha còn lại mới trồng được 4 tháng. Từ đó, cuộc sống gia đình anh khá hơn vì cây khóm cho thu nhập ổn định, lãi cao hơn cây tràm rất nhiều.
Hiện nay giá khóm giữ ổn định ở mức cao, từ 3.300 - 3.800 đồng/kg. Anh Hùng phấn khởi khoe: “8 ha khóm của anh đang thu hoạch rộ từ nay cho đến Tết Nguyên đán, vì vậy năm nay gia đình anh sẽ ăn Tết xôm tụ hơn mọi năm”.
Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ Lê Văn Thưởng chia sẻ: Để thực hiện dự án, huyện tiến hành thi công 22 ô đê bao trên địa bàn toàn xã. Đến nay đã thi công hoàn thiện và đưa vào sử dụng 11 ô. Hiện nay, toàn xã đã chuyển đổi từ tràm sang khóm được 131 ha; trong đó có 70% diện tích khóm mới chuyển đổi đã cho thu hoạch, số còn lại các hộ dân đang thu hoạch tràm để chuyển đổi tiếp.
Khi các ô đê bao còn lại hoàn thiện thì bà con sẽ tiếp tục chuyển đổi cây tràm sang khóm. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của Thạnh Mỹ đã giảm đáng kể. Cụ thể, trước khi thực hiện dự án, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm đến 54,6%, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 33,2%. Sắp tới, tỷ lệ hộ nghèo sẽ tiếp tục giảm, vì sau thời gian chuyển đổi giống cây trồng, đến nay còn nhiều cánh đồng khóm đang chuẩn bị cho thu hoạch.
Trưởng phòng NN&PTNT Huỳnh Văn Bườn cho biết: Dự án Chuyển đổi diện tích trồng tràm kém hiệu quả sang trồng khóm bắt đầu được triển khai thực hiện vào đầu năm 2011, với mục tiêu chuyển đổi 2.035 ha đất trồng tràm kém hiệu quả ở 3 xã: Thạnh Tân, Thạnh Mỹ và Tân Hòa Đông sang trồng khóm; tổng kinh phí 18,884 tỷ đồng.
Dự án cơ bản đã hoàn thành giai đoạn 1, xây dựng xong các ô đê bao và trạm bơm phục vụ cho sản xuất. Hiện nay, có 70% diện tích đất trồng tràm kém hiệu quả trong dự án đã chuyển đổi sang trồng khóm, trong đó nhiều hộ chuyển đổi sớm đã có thu hoạch. Phần diện tích còn lại, nông dân đang chờ thu hoạch tràm để chuyển đổi sang cây khóm.
Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Nguyễn Văn Mẫn cho biết: Để giúp nông dân chuyển đổi giống cây trồng từ tràm sang khóm, Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện Tân Phước hỗ trợ cho vay 60 triệu đồng/ha (giải ngân theo từng giai đoạn đầu tư). Những hộ chuyển đổi sớm, đến nay khóm đã cho thu hoạch. Từ đó tỷ lệ hộ nghèo của các xã trong dự án đã giảm rõ rệt (hộ nghèo của xã Tân Hòa Đông còn 47,87%, xã Thạnh Tân còn 30,47%).
Chính vì vậy hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2012 giảm còn 14,53%. Ông Nguyễn Văn Mẫn phấn khởi: Thực tế cho thấy, cây tràm hiệu quả kinh tế thấp và phải mất thời gian dài mới cho thu hoạch. Vì vậy, việc thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích trồng tràm kém hiệu quả sang trồng khóm là hết sức cần thiết, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân.
NG. CHƯƠNG