Thứ Sáu, 04/01/2013, 05:27 (GMT+7)
.

Thu hút đầu tư vùng ĐBSCL, cần cơ chế điều phối hợp tác

Đó là ý kiến của ông Bùi Ngọc Sương, Phó Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam bộ khi đánh giá tổng thể kết quả công tác xúc tiến đầu tư sau 6 lần tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (MDEC).

Theo báo cáo của BCĐ Tây Nam bộ thì kể từ lần đầu tiên tổ chức diễn đàn tại TP.Hồ Chí Minh và mới đây là tại Tiền Giang, toàn vùng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 554 dự án với tổng vốn 230 ngàn tỷ đồng (trong đó có 81 dự án FDI với tổng vốn 5 tỷ USD).

Tuy nhiên, so với tiềm năng của vùng thì việc thu hút đầu tư thời gian qua vẫn còn “khiêm tốn”, chưa có dự án quy mô lớn thật sự tác động mạnh đến phát triển công nghiệp vùng và rất cần một cơ chế liên kết vùng thật sự hiệu quả.

THIẾU ĐẤT “SẠCH” VÀ HẠ TẦNG KÉM

Theo ông Bùi Ngọc Sương, Phó BCĐ Tây Nam bộ, đánh giá về mặt tổng thể trong các chuỗi sự kiện của MDEC thì xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch là một trong những hoạt động, sự kiện quan trọng nhất mang quy mô cấp vùng ở 6 kỳ Diễn đàn từ lần tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh đến lần mới đây tổ chức ở Tiền Giang. Qua đó tạo được tiếng vang lớn, có sức lan tỏa đến các tỉnh, thành không chỉ trong khu vực Tây Nam bộ mà còn trong cả nước và quốc tế.

Từ các diễn đàn, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về chính sách, tiềm năng, cơ hội đầu tư, là dịp để doanh nghiệp cùng nhau và cùng với Nhà nước nêu lên khó khăn, tháo gỡ vướng mắc và đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh hơn các nguồn lực đầu tư cho vùng ĐBSCL nói chung và từng địa phương nói riêng.

Đặc sản trái cây là thế mạnh của ĐBSCL đang mời gọi các nhà đầu tư từ khâu trồng đến chế biến để nâng cao giá trị trên thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Võ Nguyên Phú
Đặc sản trái cây là thế mạnh của ĐBSCL đang mời gọi các nhà đầu tư từ khâu trồng đến chế biến để nâng cao giá trị trên thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Võ Nguyên Phú

Cũng theo ông Bùi Ngọc Sương, thời gian qua toàn vùng ĐBSCL đã có những bước tiến khá rõ về công tác cải cách hành chính, nhưng ở từng địa phương thì sự phối hợp, giải quyết các thủ tục liên quan đến dự án trước và sau cấp phép đầu tư “vẫn chưa thông suốt”, xét trên toàn vùng ĐBSCL thì hoạt động xúc tiến đầu tư chưa có định hướng rõ ràng, còn làm theo “phong trào”, chưa có cơ chế phối hợp giữa các địa phương; thông tin xúc tiến còn thiếu, trong đó sự lựa chọn dự án theo ý muốn của các địa phương và ý muốn, điều kiện của nhà đầu tư vẫn còn một “khoảng cách nhất định”.

Trên thực tế, nhiều dự án nằm trong quy hoạch của địa phương nhưng lại không tìm được tiếng nói chung với nhà đầu tư mà chỉ nhận được dự án “ngoài quy hoạch”, dẫn tới nhiều vướng mắc trong quá trình đàm phán và triển khai. Đặc biệt, quỹ đất “sạch” và hạ tầng toàn vùng còn nhiều hạn chế luôn là vấn đề khó cho việc thu hút, mời gọi đầu tư, nhất là phần lớn các tỉnh, thành trong vùng chưa có quỹ đất “sạch” để giao ngay cho nhà đầu tư thực hiện dự án, mà thường là nhà đầu tư phải bỏ vốn hoặc thực hiện ứng vốn trước để giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, khi có Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ thì chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao, ảnh hưởng đến khả năng, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến thời gian qua vùng ĐBSCL chưa có được dự án quy mô lớn (chủ yếu là đầu tư FDI) tác động mạnh đến phát triển vùng (theo báo cáo của tỉnh An Giang thì có tới 90% vốn thu hút vào tỉnh là của doanh nghiệp trong nước, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Cũng do hạ tầng toàn vùng yếu kém cộng với thiếu nguồn nhân lực “chất lượng cao” nên qua thống kê cho thấy không chỉ tỉnh ở “cùng trời cuối đất” là Cà Mau ít được nhà đầu tư quan tâm đến tìm hiểu mà ngay cả TP. Cần Thơ sau các lần giới thiệu dự án tại MDEC cũng “bói chưa ra” nhà đầu tư tầm cỡ với vị thế của một địa bàn “Tây đô”.

Riêng tỉnh Tiền Giang thì ngay sau kỳ MDEC tại An Giang, tỉnh đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư (29-1-2010) mang tầm quốc gia, qua đó đã công bố mời gọi 117 dự án với tổng mức đầu tư trên 192 ngàn tỷ đồng, qua 3 năm thực hiện, có 30 trong tổng số 117 dự án đăng ký thực hiện và được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chiếm ¼ số dự án mời gọi (2 dự án nằm ngoài khu công nghiệp, 28 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp) nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký chỉ khoảng 17 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 9% tổng vốn đầu tư đưa ra mời gọi, cho thấy Tiền Giang cũng như các địa phương bạn trong vùng, việc thu hút dự án lớn cũng đang hết sức nhiêu khê.

PHẢI XÂY CHO ĐƯỢC CƠ CHẾ ĐIỀU PHỐI LIÊN KẾT VÙNG

Theo BCĐ Tây Nam bộ, mục tiêu hiện nay trong khuôn khổ MDEC (sau Diễn đàn tổ chức tại Tiền Giang mới đây) là toàn vùng đang tập trung kêu gọi 137 dự án với tổng vốn trên 118 ngàn tỷ đồng và 700 triệu USD để hướng tới mục tiêu phát triển ĐBSCL trở thành vùng kinh tế, sản xuất lương thực, thủy sản trọng điểm của cả nước (riêng Tiền Giang trong dịp này đã giới thiệu 33 dự án với tổng mức đầu tư 11.362 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án trọng điểm mời gọi với tổng mức đầu tư 3.362 tỷ đồng).

Để đạt mục tiêu thu hút đầu tư đặt ra cho toàn vùng, theo ông Bùi Ngọc Sương thì từng địa phương trong vùng cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số quy định về ưu đãi đầu tư phù hợp thẩm quyền UBND cấp tỉnh như quy định giá cho thuê đất trong các khu, cụm công nghiệp; quy định giá cho thuê đất, giao đất đối với các dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa; ưu đãi đối với các dự án xây nhà ở cho công nhân và nhà ở cho người thu nhập thấp ở thành thị; “chăm sóc tốt” các nhà đầu tư sau giấy phép…

Đồng thời ông cũng đề nghị Chính phủ cần ban hành cơ chế điều phối liên kết vùng ĐBSCL và cơ chế, chính sách đặc thù trong việc thu hút đầu tư cho vùng, khắc phục yếu tố hạ tầng kém, xa sân bay, cảng biển, suất đầu tư cao do nền đất yếu… làm tăng chi phí khiến nhà đầu tư thiếu mặn mà với vùng; kiến nghị Chính phủ miễn hoàn toàn tiền thuê đất cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân thuê (kể cả hỗ trợ lãi suất sau đầu tư); xây dựng đề án xúc tiến đầu tư cho toàn vùng ĐBSCL dựa trên tiềm năng, nhu cầu phát triển của từng địa phương, tránh tình trạng cạnh tranh không có lợi giữa các địa phương trong thu hút đầu tư.

Ngoài ra cần nghiên cứu thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL với cơ chế là cấp ngân sách Trung ương trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc BCĐ Tây Nam bộ để hỗ trợ công tác xúc tiến đầu tư cho vùng ĐBSCL- nhất là vùng kinh tế trọng điểm; nghiên cứu các mô hình phát triển mới như: mô hình khu nông nghiệp công nghệ cao, mô hình thành phố trên biển, mô hình xây dựng các kho trung chuyển, mô hình xây dựng thành phố khoa học công nghệ trong vùng biển…

QUỐC ANH

.
.
.