Chủ Nhật, 13/01/2013, 07:12 (GMT+7)
.

Việt Nam có thể tự chủ và xuất khẩu được phân urê

Bộ Công Thương dự báo, năm 2013, nhu cầu phân bón các loại khoảng 10,3 triệu tấn, cụ thể: phân urê 2 triệu tấn, NPK 3,8 triệu tấn, phân lân 1,8 triệu tấn, SA 850.000 tấn, kali 950.000 tấn, DAP 900.000 tấn.

Sàn phẩm của Nhà máy đạm Cà Mau. Ảnh: Vân Anh
Sàn phẩm của Nhà máy đạm Cà Mau. Ảnh: Vân Anh

Các nhà máy trong nước sản xuất khoảng trên 8 triệu tấn phân bón, trong đó phân urê là 2,2 triệu tấn, NPK là 3,7 triệu tấn, phân lân khoảng 1,8 triệu tấn, DAP khoảng 330.000 tấn.

Như vậy, sản xuất phân lân các loại và phân hỗn hợp NPK đã cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước. Đặc biệt, từ một nước phải phụ thuộc nhập khẩu phân urê, Việt Nam có thể hoàn toàn tự chủ và còn hướng đến xuất khẩu trong năm 2013.

Năm 2012, với nhu cầu sử dụng phân bón trong nước ngày càng tăng, nhiều dự án nhà máy đã đi vào hoạt động như nhà máy đạm Cà Mau với công suất 800.000 tấn/năm, nhà máy đạm Ninh Bình công suất 560.000 tấn/năm... đã giải quyết phần nào nhu cầu của thị trường trong nước.

Sản lượng phân bón các loại năm 2012 đạt 6,65 triệu tấn, trong đó urê là 1,62 triệu tấn, tăng 64,8%, phân NPK khoảng 3,2 triệu tấn tăng 12,3%, phân lân 1,6 triệu tấn, tăng 14,1%, DAP khoảng 285.000 tấn, tăng 59% (so với năm 2011).

Việc đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị, đa dạng các loại phân hỗn hợp, nâng cao hàm lượng dinh dưỡng đang là vấn đề hàng đầu của các doanh nghiệp sản xuất phân bón. Các nhà máy sản xuất phân bón trong nước còn phải đối mặt với các vấn đề của nhập khẩu tiểu ngạch, hàng trốn thuế khiến thị trường phân bón cạnh tranh không lành mạnh và khó kiểm soát.

Việc này, đòi hỏi các ngành chức năng, doanh nghiệp cần tham gia tích cực trong chống hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm cung ứng đủ số lượng, chủng loại, chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Khi Việt Nam tiến tới xuất khẩu urê, các doanh nghiệp trong nước sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh do giá thành rẻ hơn một số nước.

(Theo TTXVN)

.
.
.