Xuất khẩu thủy sản tiếp tục gặp khó
Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có tên tuổi đều có nhận định chung là tình hình xuất khẩu thủy sản, nhất là đối với cá tra, mặt hàng chủ lực của tỉnh sẽ còn không ít khó khăn. Dự đoán đến cuối năm 2013 tình hình xuất khẩu thủy sản mới dần hồi phục.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO), ở Khu công nghiệp Mỹ Tho, một trong những doanh nghiệp có kim ngạch ngạch xuất khẩu thủy sản đứng nhất nhì tỉnh nhận định rằng, xuất khẩu thủy sản nhất là đối với mặt hàng cá tra trong năm 2013 tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn cả trong nước và thị trường thế giới.
Xuất khẩu thủy sản tiếp tục khó khăn trong năm 2013. |
Ở thị trường tiêu thụ thế giới, nhất là các thị trường trọng điểm như Nhật, Mỹ, châu Ấu vẫn còn khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế. Điều này dẫn đến sức mua của thị trường giảm, kéo theo giá xuất khẩu cũng giảm theo, tác động trực tiếp vào tình hình sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.
Bằng chứng là mặc dù năm 2012, doanh thu của GODACO vẫn tăng 10%, sản lượng xuất khẩu tăng 15%, kim ngạch xuất khẩu tăng 5% nhưng lợi nhuận lại giảm đến 24%. Một trong những nguyên nhân chính làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có lợi nhuận giảm là do giảm giá xuất khẩu.
Tuy nhiên, trước tình hình hiện nay doanh nghiệp có lợi nhuận đã là một thành công, bởi không ít doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu thủy sản phải lỗ vốn do chịu tác động của quá nhiều yếu tố bất lợi.
Trong khi đó, thị trường trong nước vẫn còn tiềm ẩn nhiều mối nguy. Đó là mặc dù lãi suất ngân hàng có giảm đi chút ít nhưng vẫn chưa đạt mốc để các doanh nghiệp có thể tiếp tục đầu tư phát triển; sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành lại ngày càng khốc liệt hơn, nhất là cạnh tranh về giá bán.
Điều này đã tác động ngay vào giá nguyên liệu trong nước theo chiều hướng giảm xuống. Cụ thể, giá cá tra nguyên liệu đã chạm đáy nhưng việc tiêu thụ lại rất khó khăn. Những ngày gần đây giá cá tra nguyên liệu chỉ còn dao động từ 19.500-20.000 đồng/kg.
Bản chất vấn đề này còn nằm ở chỗ nguồn cung nguyên liệu quá lớn so với sức tiêu thụ của các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong khi đó hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu đã đầu tư vùng nuôi riêng nhằm chủ động nguồn nguyên liệu và tiết giảm chi phí nhờ đầu tư khép kín.
Thực tế đó đã bộc lộ sự quản lý, quy hoạch của Nhà nước còn bất cập và chưa có nhạc trưởng để điều tiết ngành hàng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá tra. “Dù giá thấp nhưng doanh nghiệp cũng không dám mua vào nhiều do dự báo tình hình tiêu thụ còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, áp lực của người dân muốn bán cá là rất lớn do cá đã đến lứa và áp lực từ chi phí lãi vay ngân hàng”- ông Nguyễn Văn Đạo phân tích.
Cá tra nguyên liệu khó ở mức cao do tình hình tiêu thụ khó khăn. |
Xuất khẩu thủy sản thời gian gần đây có nhiều diễn biến bất thường rất khó dự đoán. Bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Sông Tiền (Sotico) phân tích, theo như thông lệ, quí IV hàng năm là thời điểm xuất khẩu thủy sản tăng trưởng mạnh nhất do vào mùa tiêu thụ lớn như Tết Dương lịch hay Noel nhưng quý IV năm 2012 vừa qua các doanh nghiệp lại tiếp tục khó khăn, biểu hiện là các hợp đồng xuất khẩu thưa hơn.
Điều này cũng phù hợp với đánh giá của Sở Công thương. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2012 tăng mạnh trong bốn tháng đầu năm phần nhiều do giá trị xuất khẩu thủy sản (chiếm khoảng 50% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh).
Tuy nhiên sang đến tháng 5, tình hình bắt đầu khó khăn do ảnh hưởng chung của nợ công châu Âu, nhu cầu tiêu thụ giảm, giá giảm dẫn đến tồn kho nhiều mà doanh nghiệp lại thiếu vốn để thu mua nguyên liệu… Bên cạnh đó các loại chi phí đầu vào tăng cùng nhiều rào cản trong việc kiểm soát đã ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh, nhất là thủy sản. Kết quả là, xuất khẩu thủy sản tăng nhẹ về lượng nhưng do giá giảm nên tổng kim ngạch giảm 4,9%.
Còn theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường châu Âu đến cuối năm 2012 chỉ đạt 407,1 triệu USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm khá nhiều ở cả 3 nước nhập khẩu chính trong khối là Tây Ban Nha (giảm 17%), Hà Lan (giảm 18%)và Đức (giảm 35%).
Do vậy, các doanh nghiệp dự báo xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sang châu Âu năm 2013 nhìn chung sẽ chưa khởi sắc khi lượng nguyên liệu trong nước cũng như đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu vẫn tiếp tục ở mức thấp. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Âu trong năm nay dự kiến sẽ thấp hơn năm 2012.
Các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân khiến xuất khẩu cá tra sang châu Âu tiếp tục giảm, một phần do cuộc khủng hoảng nợ công tại EU đã làm xói mòn niềm tin trong kinh doanh khiến các doanh nghiệp và nhà nhập khẩu chỉ mua bán cầm chừng, đặc biệt các nhà nhập khẩu phải đắn đo nhiều hơn trong việc mua dự trữ hàng như mọi năm.
PHƯƠNG ANH