Điều hành giá điện, xăng dầu vẫn theo cơ chế thị trường
Năm 2013, mục tiêu của ngành Tài chính là tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường, xóa bao cấp qua giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ còn bao cấp qua giá vào thời điểm thích hợp; đồng thời công khai, minh bạch giá các hàng hóa, dịch vụ này đi đôi với các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với những ngành sản xuất gặp khó khăn.
Tăng cường quản lý giá
Theo Bộ Tài chính, năm 2013, sẽ tiếp tục nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó, minh bạch, công khai hóa chi phí, giá sản xuất, tiêu thụ điện, than, xăng dầu, dịch vụ công; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng Nhà nước còn duyệt giá, những mặt hàng sản xuất theo đơn đặt hàng từ ngân sách nhà nước.
Giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục được điều hành theo cơ chế thị trường. Ảnh: Vân Anh |
Bộ Tài chính cũng khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến giá thị trường trong nước và thế giới; nâng cao chất lượng công tác dự báo để chủ động có giải pháp phù hợp trong quản lý, điều hành nhằm duy trì mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng không quá 8%.
Cùng với việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quy định về quản lý giá; tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá; ngành còn thực hiện nghiêm, triệt để việc phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý giá, lợi dụng tăng giá tùy tiện, trái pháp luật.
Bộ Tài chính đánh giá trong năm qua, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý giá đã góp phần kiềm chế chỉ số CPI cả năm chỉ tăng 6,81% so với cuối năm 2011, thấp hơn so với kế hoạch; đặc biệt từng bước thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu.
Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ
Để thực hiện các mục tiêu tổng quát trong năm 2013 do Quốc hội, Chính phủ đề ra, Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo xây dựng và nghiên cứu các đề án, cơ chế chính sách trọng tâm, đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Gía trị gia tăng, Luật sửa đổi, bổ sung Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...;
Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm. Bên cạnh việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát thị trường, quản lý giá cả, ngành cũng tích cực thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu. Đồng thời tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường chứng khoán, bảo hiểm; quản lý, giám sát thị trường tài chính và hoạt động của các định chế tài chính chặt chẽ, minh bạch.
Đặc biệt, trong năm 2013, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, phí, lệ phí theo hướng giảm dần nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.
Bộ Tài chính cho biết, sẽ thực hiện quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm theo đúng dự toán đã được phê duyệt; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên cho nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội. Đặc biệt, sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước.
(Theo vov.vn)